Vai trò lớn hơn của EU với Triều Tiên

Khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Liên minh châu Âu (EU) hồi giữa tháng 10, Triều Tiên là vấn đề đứng đầu chương trình nghị sự.

Nhiều người dân Hàn Quốc kỳ vọng châu Âu tham gia nhiều hơn vào nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bởi EU cho đến giờ vẫn chưa đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này.

Giờ là lúc châu Âu đảm nhận một vai trò như thế. EU từng làm trung gian cho thỏa thuận hạt nhân với Iran và là một trong những tiếng nói có ảnh hưởng hàng đầu tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA). Khi đề cập đến Đông Á nói chung và bán đảo Triều Tiên nói riêng, EU được xem là hình mẫu hòa giải. Nói cách khác, tiếng nói của châu Âu quan trọng.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (giữa), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (bìa trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tại Hội nghị Thượng đỉnh EU - Hàn Quốc hôm 19-10 Ảnh: CONSILIUM

Bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, thường xuyên đưa ra các tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ của châu Âu đối với giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Nhưng EU cần phải làm nhiều hơn nữa, như ủng hộ mạnh mẽ một tuyên bố hòa bình chấm dứt chiến tranh Triều Tiên cũng như hiệp ước hòa bình trong trường hợp các bên liên quan đến được giai đoạn đó. EU cũng có thể đề nghị nối lại đối thoại chính trị với Triều Tiên. Lần gần đây nhất hai bên gặp nhau chính thức là vào năm 2015.

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu có thể cho rằng việc can dự nhiều hơn vào vấn đề hạt nhân Triều Tiên là không cần thiết trong bối cảnh EU đối mặt không ít khó khăn nội bộ, như sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy và cuộc khủng hoảng di cư đang diễn ra. Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản bác quan điểm này. EU lâu nay khẳng định muốn đóng vai trò trong các vấn đề an ninh châu Á nên không thể đứng ngoài một quá trình có khả năng mang lại hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Với vấn đề Triều Tiên, sức ép thôi là không hiệu quả. Cộng đồng quốc tế cần đưa ra những khích lệ cần thiết để thuyết phục Bình Nhưỡng có bước đi thiết thực hướng đến phi hạt nhân hóa. EU cũng có thể tham gia, khởi đầu bằng đề xuất tăng cường hỗ trợ nhân đạo và đối thoại chính trị với Triều Tiên.

Yoon Young-kwan, chuyên gia tại Trường ĐH Quốc gia Seoul và Ramon Pacheco Pardo, thuộc Viện Nghiên cứu châu Âu của Trường ĐH Vrije Universiteit Brussel (Bỉ)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/vai-tro-lon-hon-cua-eu-20181031210712812.htm