Vai trò của truyền thông với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long

Chiều 17/6, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo truyền thông về biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của báo chí đối với những tác động biến đổi khí hậu lên Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019.

Đại diện của Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý Nhà nước Hà Lan chia sẻ kinh nghiệp để thích ứng các vấn đề về nước và khí hậu tại đồng bằng.

Tham dự Hội thảo có ông Lê Công Thành - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng đại diện Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu; Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế cùng đại diện lãnh đạo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Công Thành khẳng định: “Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là thách thức toàn cầu và lớn nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả các quốc gia trên thế giới. Việt Nam chúng ta cũng không phải ngoại lệ. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức về chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu của toàn xã hội thông qua truyền thông, báo chí và sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế là vô cùng quan trọng, cần thiết.

Các cơ quan truyền thông, báo chí đã tích cực góp phần vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng về BĐKH, nâng cao trách nhiệm, vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạch định chiến lược, chính sách và tổ chức thực hiện chính sách về thích ứng với BĐKH, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, phương pháp truyên truyền chưa thực sự đầy đủ và toàn diện và phong phú, dung lượng, thời lượng, nội dung truyền thông về BĐKH chưa thực sự đáp ứng so với yêu cầu thực tiễn hiện nay, chưa thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền”.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia và các Nhà báo đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về quản lý đồng bằng thích ứng với BĐKH, cũng như đưa ra những định hướng hỗ trợ của các đối tác phát triển cho phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.

Bà Madhu Raghunath - Trưởng nhóm Phát triển bền vững, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi hiện đang hỗ trợ cho Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là về nước, nông nghiệp, thích ứng với lũ lụt và sạt lở đất, cùng với tăng cường hoạt động quy hoạch và điều phối vùng. Các hoạt động hỗ trợ bao gồm giúp nông dân áp dụng những biện pháp đối phó với xâm nhập mặn”.

Hoạt động hỗ trợ này đã giúp nông dân chuyển từ sản xuất lúa ba vụ sang một hoặc hai vụ kết hợp với các loại cây trồng hoặc thủy sản khác. Những mô hình sinh kế này ít phụ thuộc vào lượng nước ngọt, có lúc rất khan hiếm (mùa khô) hoặc có khi lại quá nhiều (mùa lũ), đồng thời vẫn giúp nông dân tạo ra được lợi nhuận.

Các đối tác phát triển cũng đang hỗ trợ hoạt động quy hoạch cấp vùng của Chính phủ Việt Nam để đảm bảo con đường phát triển bền vững và thích ứng với khí hậu sẽ trở thành hiện thực đối với Đồng bằng sông Cửu Long.

Bà Madhu Raghunath khẳng định: “Chúng tôi cần sự giúp đỡ của các cơ quan truyền thông trong việc hỗ trợ Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 120 và triển khai Chương trình hành động tổng thể”.

Nhà báo Lê Quốc Hưng - Giám đốc Cơ quan thường trú VOV tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng khẳng định: “Thực tế khách quan về sức tàn phá của BĐKH là điều ai cũng hiểu, nhưng để biết đầy đủ và thực hiện theo phương thức sống thuận thiên thì rất cần sự đóng góp của các cơ quan báo chí trong thông tin, truyền thông. Lẽ đương nhiên, báo chí là cầu nối giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp… với người dân và ngược lại. Nhưng việc thích ứng với BĐKH đòi hỏi mục đích tuyên truyền cần sâu, sát và đa diện; không đơn thuần là những gương sáng làm giàu, cách làm hay, tay nghề giỏi… mà còn là tiếng nói phản biện của các chuyên gia, các nhà khoa học trong từng dự án, ở từng địa phương”.

Bên cạnh những mong muốn trong công tác truyền thông về BĐKH, GS.TS. Mai Trọng Nhuận cũng đưa ra những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông về BĐKH như: “Các Bộ, ban, ngành, địa phương cần cung cấp kịp thời thông tin, dữ liệu ở dạng dễ hiểu về BĐKH cho các cơ quan truyền thông; tạo cơ hội cho PV tham gia thực tế; có cơ chế phối hợp, lập danh sách đội ngũ chuyên gia hợp tác trao đổi trực tiếp về BĐKH với truyền thông. Có cơ chế hợp tác với truyền thông các nước láng giềng, trong khu vực… về BĐKH biểu hiện ở bên ngoài VN nhưng tác động tới ĐBSCL”.

Ngày 18/6, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mai Thanh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/vai-tro-cua-truyen-thong-voi-bien-doi-khi-hau-tai-dong-bang-song-cuu-long.html