Vai trò của thủy quân Việt Nam trong lịch sử dân tộc (Kỳ 9)

Trân trọng giới thiệu tiếp bài viết của PGS TS Cao Văn Liên về 'Vai trò của thủy quân việt Nam trong lịch sử dân tộc'.'

Kỳ 9

Trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288 là một trận quyết chiến chiến lược, là một trong những trận thủy chiến tiêu diệt lớn trong lịch sử đấu tranh vũ trang của thủy quân ta. Đó là công lao của toàn dân ta, toàn dân tham gia thủy chiến, lấy lực lượng thủy quân làm nòng cốt.

Sa bàn minh họa trận Bạch Đằng 1288, đặt tại Đền thờ Trần Hưng Đạo, Q.3, TP.HCM, do họa sĩ Nguyễn Trung Tín và cộng sự thực hiện. Nguồn: Internet.

Dưới sự lãnh đạo của nhà chiến lược thiên tài Trần Quốc Tuấn, trận thủy chiến Bạch Đằng đã phát huy cao độ truyền thống và kinh nghiệm của thủy quân ta, đã kế thừa một cách có sáng tạo những kinh nghiệm đó như lợi dụng địa hình, tạo trận địa mai phục, lợi dụng thiên nhiên, phối hợp giữa bộ binh và thủy binh tác chiến. Cho nên đã huy động được cao độ sức mạnh tổng hợp vào trận quyết chiến, do đó, quân thù dù hùng mạnh vẫn bị đè bẹp và bị tiêu diệt hoàn toàn. Những trận thủy chiến năm 938, 981, 1076 thủy quân ta đánh chặn thủy quân địch đang tấn công, đang ở thế chủ động. Thủy quân ta trong những chiến dịch đó đều phải ra sức tranh giành quyền chủ động với địch. Quá trình chiến đấu khi tương quan so sánh lực lượng thay đổi có lợi cho ta thì quyền chủ động mới thuộc về quân ta hoàn toàn. Trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288 lại khác, ta tiêu diệt thủy quân địch trong điều kiện địch rút lui nên địch hoàn toàn mất quyền chủ động. Sự lãnh đạo tài tình của Trần Quốc Tuấn đã tạo cho toàn quân ta nói chung và thủy quân ta nói riêng quyền chủ động đó. Tháng 12 năm 1287 khi thủy quân địch rầm rộ tiến vào sông Bạch Đằng, khi đó thế giặc vô cùng mạnh mẽ. Trần Quốc Tuấn thực hiện chiến lược rút lui bảo toàn lực lượng để đợi thời cơ phản công chiến lược. Thủy quân ta cũng được lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng, mục tiêu chiến đấu chỉ thu hẹp trong việc đánh phá đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ. Tháng 4 năm 1288 thế phản công chiến lược hình thành, Trần Quốc Tuấn mới quyết định tung lực lượng thủy quân ra quyết chiến với thủy quân địch, dù thủy quân địch khi đó hầu như còn nguyên vẹn. Nhưng lúc này dù đông về số lượng, thủy quân địch đã ở vào thế bị động hoàn toàn, lo sợ bị tiêu diệt, tìm đường tháo chạy, mất hẳn tinh thần chiến đấu. Chính vì nắm toàn bộ quyền chủ động cho nên thủy quân ta đã đưa kẻ thù vào trận địa mai phục của mình theo ý muốn, đã huy động được sức mạnh tổng hợp để phá tan quân địch. Những hoạt động của thủy quân ta trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên và trong trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288 đã chứng minh rằng: thủy binh cũng như các quân binh chủng khác ngoài cách học tấn công thì phải biết cách rút lui, tuy rút lui chỉ là tạm thời, tấn công là cơ bản, rút lui để tạo điều kiện làm bàn đạp cho tấn công. Thủy quân cũng như các quân binh chủng khác trong tác chiến phải luôn giành quyền chủ động, quyền chủ động càng tuyệt đối thì hiệu suất tiêu diệt quân địch càng cao.

Suốt 30 năm của thế kỷ thứ 13, dân tộc ta phải đương đầu với một đế quốc hùng mạnh nhất, hung hãn nhất thế giới lúc bấy giờ và đã chiến thắng hoàn toàn với trận thủy chiến Bạch Đằng oanh liệt. Trận thủy chiến Bạch Đằng tiêu diệt hoàn toàn đạo thủy quân Nguyên Mông cùng với chiến dịch truy kích tiêu diệt đạo quân bộ của Thoát Hoan của quân dân ta đã làm cho đế quốc cường bạo nhất thế giới khi đó phải run sợ. Bằng các chiến thắng quân sự to lớn đó, quân và dân ta đã đè bẹp hoàn toàn ý chí xâm lược của nhà Nguyên Mông, làm tan vỡ giấc mộng mở rộng bờ cõi của đế quốc xuống các nước Đông Nam Á của Hốt Tất Liệt. Cũng bằng các chiến thắng vang dội Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Bạch Đằng, quân và dân ta không những đã bảo vệ được độc lập dân tộc bền vững mà còn bảo vệ độc lập cho các quốc gia ở Đông Nam châu Á khỏi vó ngựa đẫm máu của quân Mông Cổ xâm lược. Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông ở thế kỷ 13 của dân tộc ta có ý nghĩa quốc tế lớn lao là ở chỗ đó. Trận thủy chiến Bạch Đằng là nối tiếp vào bản thiên anh hùng ca bất hủ, là sự thể hiện sâu sắc, rực rỡ lòng yêu nước, khí phách anh hùng, trí thông minh, sáng tạo và sức mạnh đoàn kết của dân tộc ta. Qua ba lần thử thách hiểm nghèo nhất, dù nhân dân ta phải chiến đấu gian khổ hy sinh nhưng độc lập, tự do của Tổ quốc là cái quý giá nhất được giữ vững. Vua Trần Nhân Tôn đã đại diện cho cả dân tộc ta nói lên điều đó: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch Mã

Sơn hà thiên cổ điện kim âu.

Tạm dịch: Xã tắc hai phen Chồn ngựa đá

Non sông muôn thuở vững âu vàng.

CHƯƠNG III

Thủy quân trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và bảo vệ tổ quốc thời kỳ Tây Sơn

I. Thủy quân Tây sơn trong cuộc nội chiến lật đổ chúa Nguyễn Đàng Trong 1771-1784

Vào những năm 70 của thế kỷ thứ mười tám, chế độ phong kiến Việt Nam bước vào cuộc khủng hoảng toàn diện và cực kỳ thối nát. Giai cấp phong kiến thống trị lao sâu vào con đường ăn chơi xa xỉ, hoang dâm vô độ, không thiết gì đến sự nghiệp xây dựng đất nước, ra sức bóc lột nông dân tàn tệ. Hạn hán, lụt lội, mất mùa, đói khát, dịch bệnh diễn ra triền miên suốt trong những năm đó. Năm 1741 nạn đói đã làm chết hàng vạn nông dân Bắc Hà. Nạn nông dân bị cướp đoạt ruộng đất, phải phiêu tán tha phương trầm trọng, một lực lượng sản xuất to lớn bị tước hết tư liệu sản xuất và bị đẩy ra khỏi quá trình sản xuất. Mâu thuẫn cơ bản của xã hội, giữa nông dân bị bóc lột với giai cấp địa chủ phong kiến gay gắt chưa từng có. Đã thế, hai thế lực phong kiến Trịnh, Nguyễn lại chia cắt đất nước tiến hành cuộc nội chiến dài hàng trăm năm làm thiệt hại xương, máu của nhân dân không biết bao nhiêu mà kể. Trầm trọng hơn là làm tổn thương đến tình cảm dân tộc, làm thế nước suy yếu, không đủ khả năng tự vệ khi có ngoại bang xâm lược. Chúng ta đều biết rằng khi đó ngoài triều đại Mãn Thanh hùng cường ở phương Bắc đe dọa thì những chiến hạm của tư bản phương Tây cũng đang rạch nát mặt nước Thái Bình Dương trên đường sang phương Đông giàu có tìm thuộc địa.

Giai cấp nông dân sôi sục căm thù chế độ đương thời của giai cấp phong kiến thống trị Lê - Trịnh - Nguyễn. Lịch sử lại đặt lên vai họ những trách nhiệm nặng nề: tiến hành một cuộc đấu tranh giai cấp lật đổ ách thống trị tàn bạo của các tập đoàn phong kiến phản động, giải phóng nông dân, thống nhất đất nước, thúc đẩy xã hội Việt Nam tiến lên. Giai cấp nông dân đã vùng dậy bước vào cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt và thế kỷ thứ 18 là thế kỷ mà chiến tranh nông dân phát triển rầm rộ chưa từng có trong lịch sử, làm rung chuyển nền thống trị của các tập đoàn phong kiến. Kết tinh của các cuộc khởi nghĩa đó, phong trào nông dân Tây Sơn đã phát huy cao độ sức mạnh vô địch của nông dân, đã khắc phục được những hạn chế địa phương, cục bộ của các phong trào trước, vươn lên thành phong trào toàn quốc, từ làm nhiệm vụ giải phóng giai cấp vươn lên làm nhiệm vụ dân tộc. Phong trào Tây Sơn là một cuộc chiến tranh nông dân ác liệt. Để tiến hành cuộc chiến tranh, các lãnh tụ Tây Sơn đã tổ chức lực lượng vũ trang hùng mạnh bao gồm lục quân thủy quân và nhiều binh chủng khác. Từ đó suốt trong thời gian biến động lớn lao của đất nước, thủy quân Tây Sơn đã cùng với các quân binh chủng khác, dưới sự lãnh đạo của anh hùng dân tộc, vị tướng bách chiến bách thắng Nguyễn Huệ lao vào cuộc đấu tranh vũ trang giải phóng đất nước, đập tan cuộc xâm lược của phong kiến Xiêm La và Mãn Thanh, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.

Mùa xuân năm 1771, dưới sự lãnh đạo của các lãnh tụ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ nông dân ấp Tây Sơn, Bình Định nổi dậy khởi nghĩa. Năm 1773 nghĩa quân giải phóng Quy Nhơn, thừa thắng giải phóng Quảng Ngãi. Quân đội của triều đình nhà Nguyễn liên tục thất bại. Lợi dụng sự suy yếu của nhà Nguyễn, năm 1774, 3 vạn quân Trịnh tràn vào đánh phá kinh thành Phú Xuân. Chúa Nguyễn bỏ Phú Xuân chạy vào Gia Định xây dựng lực lượng phản công đánh lại Tây Sơn. Nghĩa quân Tây Sơn có nguy cơ bị hai kẻ thù tấn công hai mặt nam-bắc. Trước tình hình đó, các lãnh tụ Tây Sơn đã sáng suốt tạm hòa hoãn với quân Trịnh ở phía Bắc, tập trung lực lượng đánh đổ họ Nguyễn ở miền Nam.

Thực hiện kế hoạch đó, tháng 3 năm 1776 thủy quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Lữ tiến công Gia Định, đánh bại quân chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nguyễn Phúc Thuần phải bỏ Gia Định chạy trốn ra Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay) và bị quân Tây Sơn truy kích gắt gao. Nhưng sau khi Nguyễn Lữ rút thủy quân về Quy Nhơn thì quân Nguyễn lại về chiếm Gia Định. Đạo quân chủ lực của nhà Nguyễn lúc này là đạo quân Hòa Nghĩa của Lý Tài gồm 8.000 người và sau này còn tăng lên nữa đóng ở thành Gia Định. Các đạo quân khác như đạo quân của chúa Nguyễn Phúc Dương trước ở thành Gia Định, sau khi nghe tin Nguyễn Huệ tiến vào liền bỏ Gia Định lên đóng ở Trấn Biên. Quân Đông Sơn của Đỗ Thành Nhơn cùng Nguyễn Ánh gồm 4.000 người ở Ba Dòng. Đạo quân của Mạc Thiên Tứ đóng ở Cần Thơ. Xa hơn nữa có đạo quân của Trương Phúc Thận đóng ở Cầu Vọt. Thế lực quân sự của nhà Nguyễn mạnh nhưng không thống nhất, nội bộ mâu thuẫn chia làm hai phe, Lý Tài ủng hộ Nguyễn Phúc Dương, Đỗ Thành Nhơn ủng hộ Nguyễn Phúc Thuần.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vai-tro-cua-thuy-quan-viet-nam-trong-lich-su-dan-toc-ky-9-81839