Vai trò của thủy quân Việt Nam trong lịch sử dân tộc (Kỳ 14)

Trân trọng giới thiệu tiếp bài viết của PGS TS Cao Văn Liên về 'Vai trò của thủy quân việt Nam trong lịch sử dân tộc'.'

Tranh minh họa: Hoàng đế Quang Trung. Nguồn: Internet

Kỳ 14

Thực hiện kế hoạch đó cuối mùa hạ năm 1786 đội tiên phong thủy quân gồm 400 chiến thuyền do Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ huy được lệnh xuất phát. Dọc bờ biển từ sông Gianh trở ra thủy quân Tây Sơn cho nhiều tốp du binh đổ bộ lên đánh phá các đồn trại quân Trịnh. Quân Trịnh khiếp sợ, cứ nom thấy chiến thuyền và bóng cờ Tây Sơn đã bỏ chạy. Đồn Dinh Bầu (phía Nam Hà Tĩnh) lọt vào tay thủy quân Tây Sơn. Tướng Trịnh trấn thủ Nghệ An, Thanh Hóa là Bùi Thế Toại và Tạ Danh Thùy bỏ chạy. Thủy quân Tây Sơn tiến quân nhanh chóng không gặp một sức chống cự nào. Sớm 11-7-1876 thủy quân Tây Sơn tiến công Vị Hoàng (nay là thành phố Nam Định). Bị đánh bất ngờ, quân Trịnh kinh hoàng bỏ chạy. Thủy quân Tây Sơn đổ bộ chiếm Vị Hoàng, thu được hơn trăm vạn hộc thóc, rất nhiều tiền bạc, khí giới đạn dược.

Chế độ nhà Trịnh khi đó đã thối nát đến cực độ, nhân dân căm thù sâu sắc. Cho nên khi quân đội Tây Sơn vừa tới, các tầng lớp nhân dân nô nức kéo nhau đến Vị Hoàng hoan nghênh và trình bày tường tận tình hình Bắc Hà, tình hình quân đội Trịnh cho quân Tây Sơn. 100 vạn hộc thóc ở kho được nhân dân xay giã chỉ mấy ngày đã xong và được chuyển xuống thuyền lương chuẩn bị cho đại quân Nguyễn Huệ tiến ra đánh Thăng Long. Nhiều toán nghĩa quân Bắc Hà đang đánh nhau với quân Trịnh ở vùng Hải Dương cũng bỏ trận địa về Vị Hoàng gia nhập quân đội Tây Sơn. Quân chủ lực của Nguyễn Huệ chưa ra nhưng thanh thế quân Tây Sơn ở Bắc Hà đã lừng lẫy.

Khi nhận được tin báo của đạo thủy binh tiên phong, đại quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của danh tướng Nguyễn Huệ rầm rộ tiến ra Bắc theo đường biển, khí thế vô cùng mạnh mẽ. Khi ấy đang mùa hạ, gió đông nam thổi mạnh, hơn 1.000 chiến thuyền Tây Sơn lướt sóng như bay, quân kỳ "đỏ rực cả mặt biển". Nhân dân nghệ An nhìn đoàn binh thuyền hùng dũng, cờ quạt rợp trời đều tấm tắc khen: "Đây cũng là một việc không mấy đời đã có"[1]. Ngày 17-7-1786, Nguyễn Huệ cùng đại quân tới Vị Hoàng .Không bỏ lỡ thời cơ diệt địch Nguyễn Huệ lập tức hạ lệnh cho đội tiên phong và đại quân chuẩn bị để ngày hôm sau tiến đánh quân Trịnh đang tập trung ở miền Sơn Nam Thượng nhằm ngăn chặn quân Tây Sơn.

Chúa Trịnh bấy giờ là Trịnh Khải cùng toàn thể các tướng lĩnh rất hoảng sợ, lúng túng, bị động. Trịnh Khải hạ lệnh cho Trịnh Tự Quyền đem quân chống với Tây Sơn ở miền Kim Động (Hải Dương), mặt khác tiếp sức cho Đỗ Thế Dận trấn thủ Sơn Nam đem quân đóng tại bờ sông Phù Xa (khúc sông hạ lưu sông Hồng thuộc thôn Phù Xa, Khoái Châu, Hưng Yên) và Đinh Tích Nhưỡng tướng chỉ huy các đạo thủy quân đang đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân vùng Hải Dương đem toàn bộ thủy binh về giữ cửa sông Luộc. Ba đạo quân đó là toàn bộ quân chủ lực của Bắc Hà đưa ra quyết chiến với quân đội Tây Sơn.

Nguyễn Huệ quyết định tiêu diệt toàn bộ chủ lực quân Trịnh mà trước hết là phải đánh tan đạo thủy binh của tướng Đinh Tích Nhưỡng. Chiều 18-7-1786, tức là sau khi tới Vị Hoàng một ngày, dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ, thủy quân Tây Sơn rầm rộ tiến vào trung tâm trận địa quân Trịnh. Tướng Trịnh Đinh Tích Nhưỡng đem chiến thuyền dàn thành hàng ngang chặn lấp dòng sông. Đỗ Thế Giận dàn bộ binh hai bên bờ sông để đánh vào hai bên sườn của thủy quân Tây Sơn. Khoảng 6 giờ tối trận chiến đấu bắt đầu.

Lợi dụng gió đông nam khi đó đang thổi mạnh, Nguyễn Huệ dùng 5 thuyền chiến lớn thuận gió căng buồm xung phong lên trước, đại đội binh thuyền tiến theo sau. Đinh Tích Nhưỡng hạ lệnh cho thủy quân Trịnh tập trung bắn vào đoàn thuyền chiến tiên phong Tây Sơn. Đạn súng, tên nỏ từ chiến thuyền quân Trịnh bắn ra như mưa, một thuyền chiến Tây Sơn bị đánh đắm, bốn chiếc khác vẫn theo gió ào ào xông lên, đạn quân Trịnh bắn rất dữ dội nhưng không sao ngăn được. Thủy quân Trịnh vô cùng hoảng sợ. Khi những chiến thuyền đó tới gần thì quân Trịnh mới biết đó là những thuyền không người; chân sào trên thuyền toàn bằng bù nhìn. Tên đạn của thủy quân Trịnh đã cạn kiệt. Khi đó đại đội chiến thuyền Tây Sơn đã tiến sát tới chiến thuyền quân Đinh Tích Nhưỡng. Thủy quân Tây Sơn vừa đánh trống vừa reo hò ào ạt xung phong "thanh thế kinh thiên động địa"[2]. Thủy quân Đinh Tích Nhưỡng kinh hoàng, tan vỡ, kêu la bỏ thuyền chạy trốn. Chiến thuyền Tây Sơn liền tập trung đại bác cỡ lớn bắn dữ dội lên bờ, tiếng nổ như sấm, cây cổ thụ bên bờ sông bị đạn làm đổ gãy. Đại bác của thủy quân Tây Sơn làm quân của Đỗ Thế Giận trên bờ khiếp sợ không dám đánh trả. Bởi vậy thủy quân Đinh Tích Nhưỡng bị tiêu diệt nhanh chóng. Diệt xong đạo thủy binh Trịnh, thủy binh Tây Sơn thừa thắng đổ bộ lên bờ , xông thẳng vào trận địa Đỗ Thế Giận tung hỏa hổ đốt phá mãnh liệt. Bộ binh Trịnh tan tác bỏ chạy. Chủ tướng Đỗ Thế Giận cũng bỏ chạy thoát thân. ở phía Kim Động 27 cơ sở của tướng Trịnh Tự Quyền nghe súng đại bác nổ ầm ầm trên cửa sông Luộc cũng tan vỡ chạy trốn, đạo quân đó không đánh mà tan. Cuộc chiến đấu của quân đội Tây Sơn chỉ trong một đêm, các đạo quân chủ lực của chúa Trịnh hoàn toàn bị tan rã. Sớm 19-7-1786 Nguyễn Huệ dẫn đoàn quân chiến thắng rầm rộ tiến vào phố Hiến, thủ phủ trấn Sơn Nam.

Tin bại trận tới tấp bay về kinh thành Thăng Long, triều đình hoảng sợ, không một tướng lĩnh nào dám ra đương đầu với quân đội Nguyễn Huệ. Trịnh Khải vội vàng cho hai tiểu tướng Ngô Cảnh Hoàn và Nguyễn Trọng Yên chỉ huy đội thủy quân Tứ Thị duy nhất còn lại ở kinh thành ra bến Thúy Ái, lão tướng Hoàng Phùng Cơ chỉ huy bộ binh ở Hồ Vạn Xuân ngăn quân Tây Sơn. Trịnh Khải dốc toàn bộ binh sĩ còn lại cùng một đội tượng binh 100 con voi chiến ra quảng trường Ngũ Long bảo vệ kinh thành. Nhưng sau khi quân chủ lực Trịnh bị tiêu diệt, sự phòng thủ không còn ưu thế nữa. Quân Tây Sơn khí thế rất mạnh thừa thắng tiến vào Thăng Long. Ngày 21-7-1786 thủy quân Tây Sơn đánh bại thủy quân Trịnh ở bến Thúy Ái, Ngô Cảnh Hoàn, Nguyễn Trọng Yên bị đại bác Tây Sơn bắn chết. Đạo bộ binh của Hoàng Phùng Cơ ở Vạn Xuân bị đánh tan tác. Hoàng Phùng Cơ cùng hai con phải mở đường máu mới thoát. Quân đội Tây Sơn đổ bộ lên bến Tây Long đánh phá, quân Trịnh tan vỡ. Trịnh Khải trốn theo đường Sơn Tây nhưng bị bắt và dọc đường tự tử chết. Ngày 21-7-1786, Nguyễn Huệ cùng đại quân tiến vào kinh thành Thăng Long. Cuộc tiến công Bắc Hà chỉ 10 ngày kết thúc. Chế độ nhà Trịnh kiến lập 300 năm phút chốc bị lật đổ.

Trong cuộc tấn công Bắc Hà lần này, vai trò và chức năng của thủy quân trước hết ở chỗ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đi tiên phong đánh chiếm Vị Hoàng. Một đặc điểm quan trọng của chiến dịch là quân đội Tây Sơn phải tấn công trên một chiến trường xa hậu phương. Ngược lại quân đội Trịnh lại tác chiến ngay trên đất của họ và gần các căn cứ chiến lược quan trọng nhất. Điều đó không cho phép quân đội Tây Sơn tiến hành một cuộc chiến tranh lâu dài. Xuất phát từ tình hình đó, Nguyễn Huệ đề ra chiến lược của cuộc tấn công là phải đánh nhanh, giải quyết nhanh. Nhưng như thế không có nghĩa rằng đem đại quân đánh ngay vào Thăng Long, làm như vậy quân đội Tây Sơn cách xa hậu phương, gặp khó khăn lớn trong việc hậu cần, khi cục diện chiến tranh kéo dài thì rất nguy hiểm. Quân đội Tây Sơn cũng không thể cùng một lúc đánh chiếm nhiều cứ điểm, như vậy không tập trung được ưu thế binh lực đánh vào mục tiêu quyết định; cũng không thể lần lượt đánh từ Nghệ An, Thanh Hóa ra, như vậy quân đội Trịnh có thể kịp thời thay đổi thế trận, tập trung lực lượng ở một tuyến hẹp và dài, lại xa Thăng Long, chiến tranh có thể kéo dài. Cho nên yêu cầu đánh nhanh, giải quyết nhanh mà quân đội lại ở xa hậu phương gắn liền với nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là đánh chiếm một đầu cầu chiến lược. Đầu cầu chiến lược đó phải giải quyết được lương thực cung cấp tại chỗ cho quân đội trong suốt thời gian chiến dịch, là nơi có vị trí chiến lược quan trọng, xung yếu gần Thăng Long, làm bàn đạp cho quân chủ lực có thể tấn công ngay vào kinh thành. Đồng thời đầu cầu chiến lược đó phải là nơi tập trung đại bộ phận quân chủ lực của triều đình Thăng Long để đại quân Tây Sơn tiêu diệt. Không có đầu cầu chiến lược đó thì không thể giải quyết được lương thực, chủ lực không có chỗ đứng chân để đánh thẳng vào Thăng Long. Chỉ khi đầu cầu chiến lược đáp ứng được những yêu cầu đó thì chủ lực từ sau mới tiến vào tập kết chiến đấu được. Đây là lần đầu tiên do đặc điểm của chiến dịch, Nguyễn Huệ đặt ra nhiệm vụ đánh chiếm đầu cầu chiến lược, đó là bước phát triển mới trong nghệ thuật tổ chức và thực hành chiến dịch trên quy mô lớn. Với vị trí chiến lược quan trọng, lại gần Thăng Long, gần cửa biển thuận lợi cho thủy quân đổ bộ nhanh chóng, lại đáp ứng được đầy đủ yêu cầu trên, Vị Hoàng thủ phủ trấn Sơn Nam được Nguyễn Huệ chọn làm nơi tấn công đầu tiên làm đầu cầu chiến lược. Thực tế chiến dịch đã chứng minh những hoạt động của đội thủy quân tiên phong đã tạo ra những điều kiện rất quan trọng bảo đảm cho chiến dịch thắng lợi.

Bước vào cuộc chiến đấu, sai lầm nghiêm trọng về chiến lược của các tướng Trịnh đã đưa toàn bộ quân đội của họ đến chỗ bị tiêu diệt. Đáng lý với một lực lượng mạnh hơn, họ phải nhanh chóng phản công chiếm Vị Hoàng trước khi chủ lực Tây Sơn tới thì họ không làm. Khi quân chủ lực Nguyễn Huệ tới, đáng lý họ phải rút lui chiến lược bảo toàn lực lượng thì họ lại đem toàn bộ chủ lực ra quyết chiến đúng với ý đồ chiến lược của Nguyễn Huệ. Và trong hệ thống phòng thủ trên sông Luộc, thủy quân Đinh Tích Nhưỡng là đạo quân chủ lực chủ yếu và là phòng tuyến quan trọng nhất. Trên hai bờ sông Luộc có lục quân của Đỗ Thế Giận. Ý đồ của các tướng Trịnh là buộc thủy quân Tây Sơn phải chiến đấu trong điều kiện bất lợi, bị đánh từ ba mặt. Nhưng thủy quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy tài tình của Nguyễn Huệ đã tạo ra điều kiện có lợi nhất để tiêu diệt địch. Năm chiến thuyền không người xung phong làm cho quân Trịnh hoang mang cực độ, tên đạn bị hết. Giữa lúc đó thủy quân Tây Sơn ào ạt xông đến vừa đánh giáp lá cà tiêu diệt thủy quân Trịnh, vừa dùng pháo binh thủy quân bắn phá lên bờ làm bộ binh Đỗ Thế Giận rối loạn, quân Trịnh không đánh được vào sườn quân Tây Sơn như kế hoạch. Sau khi nhanh chóng tiêu diệt thủy quân Đinh Tích Nhưỡng, thủy quân Tây Sơn liền tràn lên bờ đánh lại bộ binh Đỗ Thế Giận. Vai trò của thủy quân Tây Sơn trong cuộc chiến đấu này là đã đánh tan đạo thủy quân chủ lực của nhà Trịnh, chọc thủng phòng tuyến quan trọng nhất ở cửa sông Luộc, do đó đã góp phần quyết định đối với sự tan rã của toàn bộ quân Trịnh, mở toang cánh cửa vào Thăng Long, quyết định thắng lợi của toàn bộ chiến dịch. Thành công của thủy quân Tây Sơn trong trận chiến đấu này là đã vận dụng linh hoạt chiến thuật, tạo điều kiện có lợi nhất để tiêu diệt địch và cùng một lúc vừa tiêu diệt thủy quân địch, vừa uy hiếp bộ binh địch bằng pháo binh, đập vỡ kế hoạch phối hợp chiến đấu của bộ binh và thủy binh địch. Ngoài ra phải kể đến tác phong chiến đấu của thủy quân Tây Sơn khác xa với quân đội Trịnh, họ dũng cảm, thông thạo các chiến thuật chiến đấu như vu hồi, bao vây khiến quân địch không kịp đối phó, khiến số lượng họ ít nhưng thắng lợi vẻ vang.

Thế là sau 15 năm chiến đấu (1771-1786) phong trào nông dân Tây Sơn đã phát triển với quy mô toàn quốc, lãnh thổ Đại Việt từ Hà Tiên, Rạch Giá phía cực Nam đến biên giới Việt, Trung phía cực Bắc hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của quân đội Tây Sơn. Với những chiến thắng Gia Định, Rạch Gầm Xoài- Mút, Phú Xuân, Thăng Long, quân đội Tây Sơn đã lật đổ tập đoàn phong kiến thống trị Trịnh, Nguyễn . Hơn nữa, những chiến thắng oanh liệt đó đã vĩnh viễn xóa bỏ ranh giới phân chia Nam Bắc mà phong kiến phản động đã vạch ra từ 300 năm nay. Cho nên sự nghiệp thống nhất đó thật là huy hoàng vĩ đại. Sự thống nhất đó không những đem lại hòa bình cho nhân dân mà còn làm cho sức lực nước nhà hùng mạnh, đủ sức đánh bại cuộc xâm lăng của 29 vạn quân Thanh. Đó là công lao của phong trào nông dân Tây Sơn, công lao của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, công lao của quân đội Tây Sơn nói chung và thủy quân Tây Sơn nói riêng. Nó thể hiện ý chí thống nhất mạnh mẽ của nhân dân, của dân tộc ta và ý chí đó đã chiến thắng, không một bạo lực phản động nào ngăn trở được.

(Còn nữa)

CVL

----------------------

[1] Ngô Gia Văn Phái: Hoàng Lê nhất thống chí. NXB Văn học. Hà Nội. 1971. trang 100.

[2] Việt sử thống giám cương mục tập 20 trang 15.

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vai-tro-cua-thuy-quan-viet-nam-trong-lich-su-dan-toc-ky-14-81935