Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội

Sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập sâu và toàn diện như hiện nay. Tạo dựng được một hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh và hoàn thiện đó là một nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn, đồng thời cũng là đòi hỏi bắt buộc trong quá trình hội nhập kinh tế.

Sản phẩm nón lá Trường Giang (Nông Cống) đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Thực tế cho thấy, việc bảo hộ quyền SHTT tốt sẽ khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa và tạo uy tín cho sản phẩm. Ngoài ra, việc bảo hộ tốt sẽ dẫn đến giá thành sản phẩm cao, hạn chế các vi phạm như tình trạng khai thác công nghệ không được phép của người sở hữu bằng độc quyền, hay sản xuất hàng giả, hàng nhái và các vi phạm khác. Xét về lâu dài, hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh sẽ có tác dụng tốt trong việc phát triển công nghệ và kinh doanh lành mạnh, đóng một vai trò tích cực đối với công cuộc phát triển kinh tế. Từ vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng đó, những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - cơ quan thường trực Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh đã không ngừng nâng cao công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này trên tất cả các hoạt động, như: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về SHTT; tư vấn, hướng dẫn việc đăng ký xác lập và bảo hộ quyền SHTT; công tác thực thi, xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT và khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động sáng kiến, đổi mới, sáng tạo; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong tỉnh... Những hoạt động trên đã mang lại kết quả, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh, giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức về quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn, giải quyết những vấn đề liên quan đến SHTT trong cạnh tranh; đưa hội thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật và phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được triển khai tại các địa phương ngày càng đi sâu vào đời sống xã hội... Trong 5 năm gần đây, nhiều dự án về SHTT đã được triển khai thực hiện và đạt kết quả khả quan, như: Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chè lam Phủ Quảng (Vĩnh Lộc), nước mắm Do Xuyên - Ba Làng (Tĩnh Gia), bánh gai Tứ Trụ (Thọ Xuân); đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, như: Bưởi Luận Văn (Thọ Xuân), tơ lụa Hồng Đô (Thiệu Hóa), nón lá Trường Giang (Nông Cống)... Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển gần 20 chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc sản địa phương; hỗ trợ ứng dụng 1 giải pháp hữu ích để sản xuất gạch không nung từ bột đá phế thải; tập huấn cho hàng trăm lượt người về SHTT. Sau khi được đăng ký bảo hộ quyền SHTT, Sở KH&CN đã hướng dẫn các địa phương tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh. Theo đó, một số sản phẩm như “Tơ Hồng Đô”, “Chè lam Phủ Quảng” đã được giới thiệu ra các thị trường nước ngoài và được bạn bè quốc tế quan tâm. Ngoài ra, hàng năm, Sở KH&CN hướng dẫn UBND các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Thọ Xuân và Thường Xuân đã được bảo hộ các chỉ dẫn địa lý “Chiếu cói Nga Sơn”; “Mắm tôm Hậu Lộc”, “Bưởi Luận Văn” và “Quế Ngọc Thường Xuân” xây dựng và triển khai các mô hình liên kết sản xuất, phát triển các sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay, nhận thức của đại đa số người dân và một số doanh nghiệp về giá trị tài sản trí tuệ còn thấp, việc bảo hộ quyền SHTT của các doanh nghiệp vẫn chưa cao, sản phẩm SHTT của tỉnh chưa có đóng góp lớn về chất lượng để nâng cao giá trị sản phẩm, hàng hóa ở địa phương và quan trọng hơn là chưa trở thành nhân tố chủ yếu trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Mặc dù đăng ký quyền SHTT đã được quy định rất rõ ràng trong luật, song tình trạng vi phạm quyền SHTT vẫn diễn ra, đặc biệt là tình trạng vi phạm làm hàng giả, hàng nhái. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tài sản hữu hình của doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là, giá trị tài sản vô hình hay giá trị thương hiệu của doanh nghiệp chiếm đến 3/4, cá biệt chiếm đến trên 90% giá trị tài sản của doanh nghiệp. Vì thế, việc tạo lập và phát triển các quyền SHTT sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp, nếu bỏ qua thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Một hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh luôn là cái đích cuối cùng trên con đường phát triển kinh tế của một nước và mỗi địa phương. Vì lẽ đó, trong thời gian tới, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh các cấp cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực thi Luật SHTT, công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích, giải pháp phát huy giá trị tài sản của các văn bằng bảo hộ quyền SHTT doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp để bảo vệ sức khỏe, tài sản và góp phần lành mạnh hóa thị trường, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/vai-tro-cua-so-huu-tri-tue-doi-voi-su-phat-trien-kinh-te-xa-hoi/103112.htm