Vai trò của nhân dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia

Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng chỉ rõ: 'Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc'.

Cán bộ BĐBP Nghệ An tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Bá Hòa

Cán bộ BĐBP Nghệ An tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Bá Hòa

Vùng biên giới, biển, đảo, chủ quyền quốc gia không chỉ có vai trò là phên giậu, cửa ngõ của Tổ quốc, là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, mà còn có ý nghĩa to lớn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của đất nước. Quản lý, giữ gìn, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, canh giữ biên cương của Tổ quốc không chỉ là nhiệm vụ của BĐBP mà là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị.

Lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Bất cứ lúc nào sức mạnh của nhân dân được phát huy, thì đất nước vững mạnh, phát triển; ngược lại, khi nào lòng dân ai oán, bức xúc, thiếu niềm tin vào các cơ quan quyền lực, thì đất nước sẽ suy yếu và lâm nguy. Nhận thức rõ chân lý “đẩy thuyền đi là dân, mà lật thuyền cũng là dân”; trung thành và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào”; phát huy những giá trị cao đẹp tư tưởng của Bác, Đảng ta xác định, đại đoàn kết dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng của Đảng. Bởi vậy, muốn quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trước hết phải dựa vào nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân”, cùng ăn, cùng ở với dân; phải thực sự coi “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.

Để phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới cho toàn dân. Đây là nhiệm vụ, nền tảng quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân đối với nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.

Trong thời gian vừa qua, công tác tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới ở các cấp, các ngành, địa phương đã đạt được kết quả nhất định. Trong thời gian tới, để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh khu vực biên giới, cần phải đổi mới cả nội dung và hình thức theo hướng: Tập trung quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia. Qua đó, giúp nhân dân nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ to lớn của mình đối với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Hai là, thường xuyên củng cố niềm tin, thái độ, động cơ và ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia ngày càng ổn định. Niềm tin, thái độ và ý chí là những phẩm chất bên trong của mỗi người dân rất cần thiết và không thể thiếu, giúp nhân dân thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nếu không có niềm tin, thái độ, động cơ và ý chí thì không thể làm được bất cứ việc gì, chưa nói đến bảo vệ biên giới quốc gia. Phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ.

Muốn vậy, vấn đề có tính cốt lõi là phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; giải quyết tốt quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và toàn xã hội. Có như vậy, chúng ta mới tổ chức và động viên, quy tụ nhân dân phát huy cao độ tính tích cực, tự giác trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Trách nhiệm lớn lao này là của cả hệ thống chính trị, trong đó có sức mạnh của nhân dân để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước; giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”,góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng tuyến biên giới giáp với các nước láng giềng hòa bình, ổn định lâu dài và phát triển bền vững.

Ba là, để phát huy vai trò quần chúng nhân dân bảo vệ chủ quyền biên giới, cần làm tốt công tác nghiên cứu, nắm tình hình, nắm rõ tâm tư và nguyện vọng của quần chúng; từ đó đề ra nội dung, yêu cầu phù hợp phát động phong trào quần chúng bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới. Để phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, cần phải quán triệt rõ thẩm quyền, trách nhiệm và phân công, phân cấp thực hiện các biện pháp vận động quần chúng trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.

Tổng kết những bài học kinh nghiệm bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, Đảng ta đã xây dựng và ngày càng hoàn thiện đường lối quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

PGS. TS Trần Nam Chuân

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/vai-tro-cua-nhan-dan-trong-bao-ve-chu-quyen-an-ninh-bien-gioi-quoc-gia/