Vai trò của IBM trong vụ diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc xã - Kỳ 2

Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ giúp IBM phát triển vượt bậc trong kinh doanh.

Kỳ 2: Hỗ trợ Đức Quốc xã

Thomas Watson. Ảnh: Wikimedia Commons

Thomas Watson. Ảnh: Wikimedia Commons

Không chỉ cần xử lý dữ liệu của hàng triệu binh sĩ và hàng tấn thiết bị quân sự để triển khai ở nước ngoài, mà các thiết bị thẻ bấm lỗ (bản ghi đơn vị) cũng nhanh chóng được ứng dụng trong lĩnh vực phân tích mật mã. Thiết bị thẻ bấm lỗ của IBM tỏ ra thích hợp lý tưởng để giúp bẻ khóa mật mã - một nhiệm vụ tẻ nhạt trước đây được thực hiện hoàn toàn bằng tay. Hàng chục máy IBM đã được sử dụng tại các trung tâm phá mã của lực lượng Đồng minh như Bletchley Park ở Buckinghamshire và Arlington Hall ở Washington D.C. Các cỗ máy này đã phá được mật mã của kẻ thù như Enigma của Đức Quốc xã và Purple của Đế quốc Nhật Bản và rút ngắn cuộc chiến ước tính khoảng hai năm.

Khi Đức Quốc xã lên nắm quyền vào năm 1933, chính phủ mới đã đấu thầu để tìm ra đơn vị thực hiện một cuộc điều tra dân số ở Đức. Đến thời điểm này, Đức Quốc xã đã cho nghỉ việc tất cả các luật sư, bác sĩ, nhà khoa học và các chuyên gia người Do Thái. Rõ ràng là mục tiêu thực sự của cuộc điều tra dân số này là xác định và bắt bớ những người Do Thái còn lại và những người mà chính quyền mới không ưa ở Đức.

Tuy nhiên, Thomas Watson, Giám đốc điều hành của IBM, đã chỉ đạo công ty con DEHOMAG tại Đức đấu thầu hợp đồng và cuối cùng họ đã thắng. Trong thập kỷ tiếp theo, hàng trăm máy bản ghi đơn vị của IBM cùng với phụ tùng và thẻ bấm lỗ đã được chuyển đến Đức. Tại đây, máy móc ngay lập tức được đưa vào sử dụng để tổ chức những công việc mà sau này trở thành cuộc diệt chủng Holocaust.

Máy móc được thiết lập tại trụ sở của Văn phòng Chủng tộc của lực lượng SS và cả trong các trại tập trung như Dachau. Tại các trại tập trung, hàng triệu người Do Thái ở Đức, người Digan, đồng tính luyến ái và các nhóm khác bị coi là thấp kém về mặt chính trị hoặc chủng tộc đã được xác định, phân loại và đánh dấu một cách có hệ thống để bắt giữ, bỏ tù, trục xuất, lao động cưỡng bức hoặc thủ tiêu.

Thật đáng kinh ngạc, IBM và công ty con không chỉ đơn giản là cung cấp thiết bị cho Đức Quốc xã mà còn cử hàng trăm kỹ thuật viên đến Đức để huấn luyện nhân viên SS cách sử dụng và bảo trì thiết bị. Các kỹ thuật viên này cũng phát triển thẻ bấm lỗ tùy chỉnh và mã đặc biệt để giúp SS chỉ định và xử lý các trại tập trung, loại tù nhân và nguyên nhân tử vong.

Ví dụ, Auschwitz là 001, Buchenwald 002, Dachau 003…; hay số 3 là chỉ một người đồng tính luyến ái, số 9 là người phản xã hội, số 8 là người Do Thái; hoặc số 3 là chết do nguyên nhân tự nhiên, số 4 là chết do hành quyết, số 5 là chết do tự sát và số 6 là chết do "điều trị đặc biệt" – tức là bị giết trong buồng hơi ngạt.

Với mối liên quan mật thiết này, không thể nào IBM không biết máy móc của mình đang được sử dụng để làm gì, nhưng dòng thiết bị và nhân sự vẫn tiếp tục đổ về Đức. Trên thực tế, IBM đã đóng vai trò quan trọng trong chính sách diệt chủng của Đức Quốc xã đến mức vào năm 1937, Adolf Hitler đã trao tặng Thomas Watson Huân chương Đại bàng Đức vì thực hiện các dịch vụ cho Đệ tam Quốc xã.

Một thẻ đục lỗ Hollerith được sử dụng cho một tù nhân tại trại tập trung Mauthausen-Gusen. Ảnh: Wikimedia Commons

Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ vào năm 1939 lẽ ra đã chấm dứt các giao dịch của công ty IBM với Đức Quốc xã. Vào tháng 6/1940, Thomas Watson đã trả lại Huân chương Đại bàng Đức. Bề ngoài IBM tỏ ra hối hận về các hành động trước chiến tranh của mình, nhưng đằng sau, họ vẫn hợp tác với Đức Quốc xã như trước. Năm 1939, Watson đã cho phép vận chuyển cho Đức những chiếc máy đánh chữ cái đặc biệt của IBM, được sử dụng để bắt bớ và xử tử hàng triệu người Do Thái, trí thức và những người khác khi Đức Quốc xã xâm chiếm Ba Lan.

Watson đã tham gia vào chính sách này đến mức ông ta thậm chí còn chi tiền để xây dựng các boongke bằng bê tông tại Dachau để bảo vệ các máy IBM trước các cuộc không kích của Anh. Chính phủ Đức Quốc xã cũng đề nghị mua lại hoàn toàn công ty con DEHOMAG, tạo cơ hội cho IBM cắt đứt với quá khứ của công ty con này. Nhưng Watson từ chối, và DEHOMAG vẫn chịu sự kiểm soát trực tiếp của trụ sở IBM ở New York.

Năm 1940, Watson trực tiếp quản lý việc thành lập công ty con ở Hà Lan có nhiệm vụ xác định và bắt bớ người Do Thái ở quốc gia đó. Nhờ cơ sở hạ tầng máy Hollerith hiện có của Hà Lan và nhờ nước này luôn ghi lại dữ liệu tôn giáo trong điều tra dân số quốc gia, nên nỗ lực này đã thành công trong việc giết 102.000 trong số 140.000 người Do Thái ở Hà Lan - tỷ lệ giết hại là 73%.

Tại mọi lãnh thổ mà mình xâm chiếm, Đức Quốc xã ngay lập tức thực hiện một cuộc điều tra dân số để xác định và xóa sổ những kẻ thù chính trị và chủng tộc, Quá trình này diễn ra hiệu quả nhờ thiết bị của IBM. Nhưng khi Đức Quốc xã tràn vào Pháp vào tháng 6/1940, cuối cùng họ đã gặp đối thủ xứng tầm là một công chức khiêm tốn tên là René Carmille.

Đón đọc kỳ cuối: "Tin tặc mũ trắng"

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/vai-tro-cua-ibm-trong-vu-diet-chung-nguoi-do-thai-cua-duc-quoc-xa-ky-2-20220615175819951.htm