Vai trò của HTX trong xây dựng thương hiệu nông sản

Gắn bó với vùng đất Bình Sơn, huyện Triệu Sơn từ năm 1992, nhưng những năm gần đây, cây chè mới được mở hướng phát triển bền vững. Anh Lò Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn, chia sẻ: Đến nay, xã Bình Sơn có 357 ha chè, với hơn 400 hộ trồng chè, chế biến và dựa vào chè để sống.

HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng (Thiệu Hóa) xây dựng chuỗi liên kết và phát triển thương hiệu dưa vàng Kim Hoàng hậu.

Trước đây, do duy trì tập quán canh tác nhỏ lẻ, chưa chú trọng đến việc nâng cao chất lượng cũng như xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nên dù tiềm năng lớn, cây chè Bình Sơn vẫn chưa tìm được hướng đi đột phá. Từ năm 2016, sau khi HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX năm 2012, đơn vị đã cải tổ lại bộ máy, phương thức sản xuất. HTX đã thành lập các tổ, đội trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại các thôn, từng bước xây dựng vùng nguyên liệu chè sạch, đẩy mạnh khâu chế biến, tổ chức sơ chế chè khô thay vì xuất bán chè tươi như trước đây. Bên cạnh đó, HTX đã cùng người dân đa dạng hóa mẫu mã và xây dựng nhãn hiệu tập thể, nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm chè của HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn đã được công nhận đạt chất lượng 3 sao sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa năm 2019, tạo cơ hội lớn để thương hiệu chè Bình Sơn bay xa, khẳng định chất lượng, tiêu chuẩn và khả năng phát triển tại thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu.

Còn tại huyện Thạch Thành, với lợi thế có hơn 10.000 ha nhãn nên nghề nuôi ong tại địa phương này có cơ hội phát triển tốt. Năm 2018, các hộ nuôi ong lấy mật là hội viên, phụ nữ xã Thành Hưng đã đề xuất với hội liên hiệp phụ nữ cấp trên và được cấp ủy, chính quyền hỗ trợ thành lập HTX sản xuất mật ong Hưởng Hoa, thu hút 19 thành viên tham gia. Để cho ra nguồn mật ong thiên nhiên chất lượng cao nhất, HTX đã thống nhất quy trình và hướng dẫn thành viên sản xuất, chế biến theo quy trình chuẩn. Đồng thời, đầu tư máy móc, xử lý qua các công đoạn: Lọc thô, hạ thủy phần, xử lý nấm mốc, a xít trong mật và lọc siêu mịn. Sản phẩm của HTX gồm mật ong hoa nhãn, mật ong hoa rừng - mỗi sản phẩm đều có tem nhãn, mã vạch sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được cơ quan chức năng chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, HTX duy trì từ 60 đến 200 đàn ong mỗi năm, khai thác khoảng 25 kg mật/đàn/năm, sản lượng sản xuất và tiêu thụ khoảng 60 tấn mật ong/năm. Đại diện HTX sản xuất mật ong Hưởng Hoa, cho biết: Việc xây dựng được nhãn hiệu đã mang lại nhiều thuận lợi cho các thành viên HTX, giúp các sản phẩm được mở rộng thị trường tiêu thụ, trong đó có những thị trường đòi hỏi khắt khe như các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, tính đến hết tháng 6-2020, toàn tỉnh có 630 HTX nông nghiệp, trong đó có 160 HTX đã thực hiện có hiệu quả việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên và người dân. Nhiều HTX sau khi chuyển đổi hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, thể hiện rõ nét vai trò trong việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân tham gia thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là đối với một số nông sản chủ lực của tỉnh như: Gạo, dưa... và một số sản phẩm mới như các loại nấm, mật ong... Không chỉ trong hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng, HTX đã chứng minh được vai trò quyết định trong thực hiện liên kết chuỗi giá trị, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.

Từ năm 2019, khi tỉnh Thanh Hóa thực hiện đánh giá chất lượng sản phẩm thông qua chương trình OCOP, các HTX càng có thêm cơ hội phát triển và chứng minh vai trò trên thương trường. Điển hình như trong đợt đánh giá sản phẩm OCOP tháng 1-2020, nhiều sản phẩm của các HTX đã được đánh giá, xếp loại cao, như: mật ong Hưởng Hoa của HTX ong mật Hưởng Hoa (Thạch Thành); nấm bào ngư xám, nấm mộc nhĩ khô, nấm linh chi đỏ của HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng (Như Thanh); cam Đường Canh Như Xuân, cam Xã Đoài Như Xuân của HTX dịch vụ nông nghiệp Thành Công (Như Xuân); mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất, chè sạch Bình Sơn của HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn); gạo nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang của HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long.

Để nâng cao vai trò của các HTX trong xây dựng, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản, trong thời gian tới, Nhà nước cần huy động nguồn lực tiếp tục đầu tư cho các HTX. Trong đó, cần lựa chọn các HTX tiêu biểu để xem xét, hỗ trợ về nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tham gia chương trình OCOP, kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ các HTX trong quy trình xác lập quyền sở hữu công nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu xây dựng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo vị thế vững bền cho các sản phẩm của HTX trên thương trường.

Tùng Lâm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/vai-tro-cua-htx-trong-xay-dung-thuong-hieu-nong-san/121589.htm