Vai trò của hội khuyến học Việt Nam trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn tại trung tâm Học tập cộng đồng

Trong giai đoạn 2018 – 2021, Trung tâm học tập cộng đồng phải thực hiện chức năng của một thiết chế giáo dục mở, coi chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn là chương trình có ý nghĩa chiến lược trong đào tạo nhân lực trên địa bàn cấp xã. Chương trình này mở rộng các đối tượng theo học, mở rộng danh mục đào tạo nghề, mở rộng các ý tưởng học nghề, mở rộng kho tư liệu giáo dục nghề nghiệp.

I. Xác định quan điểm dạy nghề cho lao động nông thôn

Theo Quyết định 971/QĐ-TTg, Hội Khuyến học Việt Nam có nhiệm vụ vận động người dân ở địa bàn hành chính cấp xã học tập để có được một nghề (thời gian đào tạo ngắn) nhằm phát triển hệ thống nghề ở địa phương, tăng năng lực sản xuất, từ đó cải thiện đời sống cá nhân và gia đình, đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Công việc cụ thể mà Hội Khuyến học Việt Nam tiến hành là lồng ghép công tác tuyên truyền, tư vấn về giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề gắn với việc xây dựng các mô hình học tập (Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng thôn bản/tổ dân phố học tập và đơn vị học tập - bao gồm các đơn vị hành chính, sự nghiệp, trường học, doanh nghiệp trên địa bàn cấp xã).

Do quy định của Quyết định 971/QĐ-TTg như trên, việc triển khai cuộc vận động dân cư theo các lớp đào tạo nghề tại Trung tâm học tập cộng đồng đồng thời phải quán triệt Quyết định 89/QĐ-TTg về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020 và Quyết định 281/QĐ-TTg về đẩy mạnh việc học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị trên địa bàn xã giai đoạn 2014 – 2020.

Tổng hợp các quan điểm chỉ đạo của các văn kiện trên, có thể rút ra những vấn đề căn bản sau đây:

Một là, mỗi công dân Việt Nam đều phải học tập suốt đời để trở thành người lao động có nghề, có năng suất lao động cao, góp phần phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống, xây dựng quốc gia giàu đẹp, thịnh vượng;

Hai là, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn một cách mềm dẻo, linh hoạt, gắn kết giữa giáo dục chính quy với giáo dục không chính quy (ngoài trung tâm học tập cộng đồng còn các cơ sở dạy nghề và sản xuất của tư nhân, các doanh nghiệp, các làng nghề, các nghệ nhân v.v... mà người dân có thể học nghề ở đó).

Ba là, mỗi công dân đã có nghề trong tay sẽ cần xây dựng cho mình kế hoạch học tập suốt đời để luôn luôn nâng cao tay nghề, hoàn thiện học vấn nghề nghiệp để thăng tiến nghề nghiệp không ngừng.

Bốn là, việc dạy nghề cho lao động nông thôn là một nội dung và là một tiêu chí đánh giá nông thôn mới, phấn đấu ai cũng có nghề và ai cũng có việc làm. Công tác dạy nghề luôn phải tính đến nhu cầu của nhân dân, đồng thời được tổ chức theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế do sự nghiệp công nghiệp hóa quy định, từ đó có cơ cấu lao động hợp lý tại từng địa phương.

II. Một số yêu cầu đặt ra cho việc dạy nghề cho lao động nông thôn tại Trung tâm học tập cộng đồng

1. Trong giai đoạn 2018 – 2021, Trung tâm học tập cộng đồng phải thực hiện chức năng của một thiết chế giáo dục mở, coi chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn là chương trình có ý nghĩa chiến lược trong đào tạo nhân lực trên địa bàn cấp xã. Chương trình này mở rộng các đối tượng theo học, mở rộng danh mục đào tạo nghề, mở rộng các ý tưởng học nghề, mở rộng kho tư liệu giáo dục nghề nghiệp.

Chính vì thế, bạn đồng hành với Trung tâm học tập cộng đồng trong công tác đào tạo nghề ở nông thôn là các trường dạy nghề, các trường cao đẳng và đại học, các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, các công nhân lành nghề đã về hưu và các nghệ nhân trong các làng nghề truyền thống, các chủ của các cửa hàng tư nhân như sửa kính mắt, xe đạp, bàn là điện, cắt tóc, làm kẹo bánh v.v...

2. Học nghề là một chương trình được tổ chức học tập suốt đời. Cùng với chương trình đào tạo là chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và kỹ năng mới, xóa mù chức năng trong từng nghề cụ thể, đảm bảo cho học viên tiến bộ không ngừng về tay nghề.

Chương trình học nghề có mục tiêu là xóa tình trạng mù nghề, còn chương trình bồi dưỡng sau khi có nghề sẽ có ý nghĩa xóa mù chức năng (xóa mù chữ hành dụng). Chương trình này bám sát từng bước phát triển và đổi mới các kỹ thuật và công nghệ trong từng lĩnh vực sản xuất cụ thể.

3. Xét từ góc độ xây dựng xã hội học tập, việc dạy nghề cho lao động nông thôn đòi hỏi mấy vấn đề có tính chất nguyên tắc sau đây:

a. Điều kiện thực thi

- Có sự cam kết của lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương, đồng thời việc quản lý của các cấp chính quyền phải thật chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và chỉ tiêu do Nhà nước đặt ra.

- Sự tham gia của các bên có liên quan, chủ yếu là 3 lực lượng: Các tổ chức hoạch định chính sách của Chính phủ, lực lượng phi Chính phủ, doanh nghiệp.

- Sử dụng nguồn tài chính minh bạch, hiệu quả, kết hợp với điều động vốn đầu tư từ xã hội.

b. Kết quả học tập

- Học viên thực hiện việc học nghề nghiêm túc theo yêu cầu đối với việc học tập trong gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập.

- Học viên học xong chương trình có năng lực tự tạo việc làm hoặc được các doanh nghiệp bố trí việc làm. Lao động của học viên phải góp phần làm tăng của cải vật chất trong cộng đồng.

c. Các tác dụng quan trọng của việc học nghề

- Góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh sản xuất ở địa phương;

- Góp phần xây dựng văn hóa lao động và văn hóa nghề;

- Góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng.

III. Một số giải pháp triển khai Quyết định 971/QĐ-TTg về dạy nghề cho lao động nông thôn tại Trung tâm học tập cộng đồng

1. Cuối năm 2018, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg. Một trong nội dung sơ kết là đánh giá bộ tiêu chí về các mô hình học tập. Có thể sẽ phải bổ sung vào tiêu chí về kết quả học tập của gia đình học tập một chỉ tiêu mới “Những người trong gia đình ở độ tuổi lao động phải có chứng chỉ đào tạo nghề”.

2. Các Trung tâm học tập cộng đồng xây dựng lại chương trình đào tạo, thêm chương trình đào tạo nghề bên cạnh chương trình chuyển giao khoa học và công nghệ, chương trình tăng thu nhập, chương trình sử dụng công nghệ thông tin. Để cụ thể hóa các nghề sẽ đưa vào chương trình dạy nghề, lãnh đạo các Trung tâm phải có điều tra về nhu cầu học nghề của cư dân địa phương, ưu tiên dạy những nghề nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế của xã/phường/thị trấn.

3. Vận động các trường dạy nghề, trường cao đẳng và đại học, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất... viết hoặc cung cấp các tài liệu về các nghề cụ thể cần đào tạo, đưa các tài liệu thành các bài giảng điện tử.

Đi đôi với việc tổ chức các lớp học, khóa học sẽ tiến hành trong năm, cán bộ quản lý Trung tâm cần giúp dân nắm được sự cần thiết phát triển những nghề của địa phương theo tinh thần hướng nghiệp.

4. Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn cần được tiến hành với ý thức khởi nghiệp, giúp cho học viên có ý tưởng tiến hành lao động của mình theo cách sáng tạo riêng, xây dựng những doanh nghiệp siêu nhỏ, từng bước tạo nên thương hiệu theo tiến độ tích lũy kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp của mình.

5. Đưa học nghề thành phong trào thi đua, hàng năm chính quyền địa phương chỉ đạo các Hội, các đoàn thể tổng kết việc học nghề của các thành viên và tuyên dương những cá nhân tiêu biểu trong học nghề. Những người nhờ học nghề, nhất là tự học để làm chủ kỹ thuật và công nghệ mà nhờ đó sản xuất giỏi sẽ được khen thưởng và tuyên dương tại các Hội nghị thi đua các cấp.

Tháng 11/2018 - PTD

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vai-tro-cua-hoi-khuyen-hoc-viet-nam-trong-cong-tac-day-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-tai-trung-tam-hoc-tap-cong-dong-64941