Vai trò của Công đoàn với việc làm thỏa đáng của người lao động

Sáng nay (20/11), tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Tổng Công đoàn Quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ITUC-AP) và Viện Friedrich Ebert (FES) khu vực tổ chức Hội nghị Thương mại và việc làm thỏa đáng.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Shoya Yoshida - Tổng Thư ký Tổng Công đoàn Quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh: Trước những tác động của các FTA, tổ chức Công đoàn nói chung và Công đoàn Việt Nam cần ứng xử như thế nào vào việc làm thỏa đáng của người lao động, qua đó tăng cường đối thoại xã hội.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (thứ nhất từ trái sang) phát biểu tại Hội thảo

“Chúng ta cần đánh giá tác động của các FTA đến hoạt động công đoàn, Công đoàn cần phải tăng cường hình ảnh và vai trò của tổ chức như thế nào để đảm bảo lợi ích của người lao động và gia đình họ... là những vấn đề rất cần sự chia sẻ của các đại biểu có mặt tại đây”, Tổng Thư ký Tổng Công đoàn Quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương nêu ý kiến.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, chủ đề hội nghị Thương mại và việc làm thỏa đáng thực sự là mối quan tâm lớn nhất của Công đoàn Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam vừa phê chuẩn hiệp định CPTPP vào ngày 12/11/2018 và Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị kí kết Hiệp định EVFTA với Liên minh Châu Âu, dự kiến vào tháng 12 năm nay.

Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia 16 FTA. Việc đàm phán, kí kết các FTA và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá trong những năm qua, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao mức sống căn bản cho người lao động Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, để người lao động có thể hưởng lợi từ những thành tựu phát kinh tế quốc gia. Chính vì vậy, trong những nhiệm vụ chính mà Công đoàn Việt Nam tập trung trong những năm qua như: Tham gia vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nhằm bảo vệ người lao động từ xa và trên diện rộng; tham gia Hội đồng Tiền lương Quốc gia, xác định mức tăng lương tối thiểu hằng năm, bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động...

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho biết, những năm qua, Công đoàn Việt Nam đã có một số hoạt động chủ động tham gia với Chính phủ trong việc hoàn thiện khung pháp lí, chính sách bảo đảm quyền của người lao động khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

“Trong khuôn khổ hội nghị, Công đoàn Việt Nam mong muốn nhận được những thông tin, kinh nghiệm do các đại biểu quốc tế chia sẻ để có thể thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, đồng thời góp phần để nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn trong khu vực trong bối cảnh các liên kết kinh tế, thương mại quốc tế và khu vực ngày càng mạnh mẽ.

L.N

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/vai-tro-cua-cong-doan-voi-viec-lam-thoa-dang-cua-nguoi-lao-dong-83266.html