Vai trò của công chứng trong lĩnh vực bất động sản

Trong thời gian qua, hoạt động công chứng đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật trong việc giao kết những hợp đồng về bất động sản.

Có thể nói, quản lý xã hội bằng pháp luật là một yêu cầu vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại nước ta trong giai đoạn hiện nay. Để quản lý các loại hợp đồng, giao dịch quan trọng, Nhà nước sử dụng nhiều công cụ, biện pháp khác nhau và công chứng chính là một trong những thiết chế đó. Với vai trò là công cụ quản lý, công chứng cho ra đời những văn bản có giá trị thi hành, không chỉ đối với các bên giao kết hợp đồng, giao dịch mà còn đối với các bên có liên quan, ngay cả khi đó là một cơ quan Nhà nước như cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ quan thuế, cơ quan địa chính...

Chính vì vậy, bằng thiết chế công chứng, Nhà nước có thể kiểm tra, giám sát, điều tiết... những hợp đồng, giao dịch cần phải được đặt dưới sự quản lý. Đây chính là lý do giải thích cho việc các nhà làm luật đã quy định một số loại hợp đồng, giao dịch bắt buộc phải được công chứng. Vấn đề quản lý, điều tiết các hợp đồng, giao dịch có liên quan tới bất động sản mà pháp luật quy định phải đăng ký có một vai trò vô cùng quan trọng do lĩnh vực bất động sản không chỉ mang yếu tố kinh tế đơn thuần mà còn có một tầm ảnh hưởng to lớn đối với an sinh xã hội.

Hoạt động công chứng sẽ giúp bảo đảm tính hợp pháp của nội dung các giao dịch bất động sản. Ảnh: T.Yên

Hoạt động công chứng sẽ giúp bảo đảm tính hợp pháp của nội dung các giao dịch bất động sản. Ảnh: T.Yên

Theo quy định của pháp luật hiện hành, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Do vậy, việc có một trình tự ghi nhận tính hợp pháp (công chứng) các giao dịch liên quan đến đất đai (ở đây là quyền sử dụng đất) nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai của cơ quan Nhà nước là việc làm cần thiết. Thực tế cho thấy, trong một thời gian rất dài, công tác quản lý đất đai của chúng ta chưa tốt, còn có nhiều giao dịch về quyền sử dụng đất phát sinh trong nhân dân mà không được công chứng, chứng thực. Hiện tượng mua đi bán lại bất động sản khá phổ biến, đối tượng của giao dịch cũng đa dạng, từ đất thổ cư, đất vườn đến đất nông nghiệp, lâm nghiệp đều có thể được chuyển nhượng. Điều đó làm cho Nhà nước thất thu thuế, các cơ quan Nhà nước gặp nhiều khó khăn trong quản lý, tòa án khó khăn khi giải quyết tranh chấp công chứng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm tính an toàn cho các giao dịch về quyền sử dụng đất, thể hiện ở một số khía cạnh.

Đầu tiên phải nói tới là việc công chứng sẽ giúp bảo đảm tính hợp pháp của nội dung các giao dịch. Thực tiễn cho thấy, ít người dân Việt có sự hiểu biết rõ ràng các quy định của pháp luật về quyền sử dụng đất. Việc công chứng sẽ giúp cho các bên hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình trong giao dịch về quyền sử dụng đất qua việc tư vấn, giải thích của các công chứng viên.

Tiếp đó, việc công chứng còn góp phần hạn chế các giao dịch “bất động sản ma” (không có thật), góp phần hạn chế các yếu tố lừa đảo, lừa dối trong các giao dịch về quyền sử dụng đất, nhất là trong các trường hợp thừa kế theo di chúc, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ví dụ: với sự tham gia của công chứng, các vấn đề như lừa dối khi lập di chúc, cưỡng ép lập di chúc sẽ không xảy ra trừ phi có sự thông đồng giữa một bên với công chứng viên.

Cuối cùng, việc công chứng sẽ nâng cao giá trị chứng minh của chứng cứ (hợp đồng) khi có tranh chấp. Rõ ràng, khi xảy ra tranh chấp, các bên tham gia giao dịch phải đưa ra chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tòa án sẽ dễ xem xét và chấp nhận hơn nếu các giao dịch đó đã được công chứng.

Thái Yên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vai-tro-cua-cong-chung-trong-linh-vuc-bat-dong-san-154184.html