Vai trò của chính quyền địa phương trong việc thực hiện tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất

Nhiệm vụ của chính quyền địa phương là phải tổ chức thực hiện phát triển HTX và phát triển mô hình liên kết sản xuất trên địa bàn.

Hội nghị Tổng kết thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển hợp tác xã do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức vào ngày 24 tháng 11 năm 2020.

Hội nghị Tổng kết thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển hợp tác xã do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức vào ngày 24 tháng 11 năm 2020.

Tiêu chí 13 – Tổ chức sản xuất thuộc Bộ tiêu chí nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020 được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) phê duyệt tại Quyết định số 5039/QĐ-UBND ngày 9 tháng 11 năm 2018, theo đó xã hoàn thành Tiêu chí 13 – Tổ chức sản xuất phải đáp ứng điều kiện sau đây: (1) Xã có hợp tác xã hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; (2) Xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.

Như vậy, nhiệm vụ của chính quyền địa phương (CQĐP) là phải tổ chức thực hiện phát triển HTX và phát triển mô hình liên kết sản xuất trên địa bàn. Trước hết, về phát triển HTX thì CQĐP phải thực hiện đúng các nguyên tắc của Luật Hợp tác xã năm 2012, trong đó có nguyên tắc về bảo đảm của Nhà nước đối với HTX.

Thứ nhất, CQĐP công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của HTX. Trường hợp CQĐP trưng mua, trưng dụng tài sản của HTX vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc lợi ích quốc gia thì HTX được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.

Thứ hai, CQĐP bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng giữa HTX với các loại hình doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác.

Thứ ba, CQĐP bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và không can thiệp vào hoạt động hợp pháp của HTX.

Bên cạnh đó, CQĐP cần tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về HTX trong phạm vi được phân cấp như: ban hành, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về HTX và văn bản pháp luật có liên quan; xây dựng bộ máy và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX; tổ chức và hướng dẫn đăng ký HTX; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật đối với HTX; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của HTX của cá nhân và tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật; hợp tác quốc tế về phát triển HTX.

Đặc biệt, công tác triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX đóng vai trò quan trọng giúp HTX có động lực để hoạt động có hiệu quả. Hiện tại, trên địa bàn TP HCM, đã có nhiều chính sách được ban hành và triển khai để hỗ trợ cho HTX như: chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho HTX thành lập mới (Quyết định số 26/2015/QĐ-UBND ngày 12/6/2015 của UBND Thành phố); chính sách hỗ trợ cho cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng làm việc tại HTX (Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐND ngày 06/7/2017 của HĐND Thành phố); chính sách hỗ trợ lãi vay cho HTX, thành viên HTX đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị (Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của HĐND Thành phố).

Vấn đề thứ hai trong Tiêu chí 13 – Tổ chức sản xuất mà CQĐP cần tổ chức thực hiện là xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, CQĐP cần phải phối hợp chặt chẽ với các Sở ngành có liên quan như Sở Nông nghiệp và PTNT (SNN&PTNT), Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương.

Đặc biệt là SNNPTNT, CQĐP cần phối hợp triển khai hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao KHKT công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho các hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn xã. Triển khai tốt các chương trình, đề án trọng điểm của ngành nông nghiệp Thành phố như: Chương trình phát triển các cây con trọng điểm: rau an toàn, hoa kiểng, bò sữa, cá cảnh; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chương trình xúc tiến thương mại nông nghiệp; Chương trình xây dựng chuỗi liên kết và cung ứng trong nông nghiệp;… Trong mô hình liên kết này, hộ nông dân đóng vai trò sản xuất, doanh nghiệp, HTX đóng vai trò thu gom, tiêu thụ sản phẩm ổn định cho hộ nông dân, tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh của địa phương.

Trong những năm qua, những chủ trương, chính sách của chính quyền Thành phố và vai trò triển khai thực hiện của chính quyền địa phương đã có tác động tích cực đến việc hoàn thành Tiêu chí 13 – Tổ chức sản xuất tại các xã xây dựng nông thôn mới, góp phần vào sự thành công chung của Chương trình Xây dựng Nông thôn mới của TP HCM giai đoạn 2016-2020.

V. Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vai-tro-cua-chinh-quyen-dia-phuongtrong-viec-thuc-hien-tieu-chi-so-13-ve-to-chuc-san-xuat-546822.html