Vai trò của các cơ quan báo chí trong thực hiện Nghị quyết

Một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII (Nghị quyết T.Ư 4) là việc phát huy vai trò của báo chí và nhấn mạnh vai trò của cơ quan báo chí. Ðây là vấn đề rất hệ trọng, vì chỉ khi cơ quan báo chí phát huy tốt vai trò của mình thì sản phẩm báo chí mới được chỉ đạo, tổ chức, xuất bản vừa phù hợp với tôn chỉ, mục đích, vừa bảo đảm tính tích cực xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung.

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Trong các nội dung đề cập nhiệm vụ, giải pháp với trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Nghị quyết T.Ư 4 xác định, báo chí là lĩnh vực thuộc nhóm công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình. Về lý luận và thực tiễn, xác định đó là chính xác và khách quan. Luật Báo chí năm 2016 định nghĩa: “Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử”.

Qua định nghĩa, có thể thấy báo chí luôn quan hệ chặt chẽ với đời sống tinh thần xã hội, trực tiếp là công chúng. Một số sự kiện, vấn đề liên quan báo chí trong thời gian qua cho thấy các sản phẩm thông tin khách quan, chính xác, lành mạnh, sinh động, những bình luận, đánh giá, cảnh báo có trách nhiệm của báo chí luôn đưa tới hiệu ứng xã hội tích cực, tác động hiệu quả đến nhận thức, tri thức, niềm tin và hành động của công chúng. Những sản phẩm thông tin thổi phồng tiêu cực, sai sự thật, tin giả… không những không giúp ích mà còn khiến công chúng nhận thức lệch lạc về một số vấn đề trong đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội, đến đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Trong bối cảnh các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đang sử dụng truyền thông làm công cụ truyền bá quan điểm sai trái, tiến công vào nền tảng tư tưởng chính trị của Ðảng, lung lạc và tác động đến đạo đức, lối sống của xã hội,… thì việc phát huy vai trò tích cực của báo chí càng trở nên quan trọng, trong đó cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò các cơ quan báo chí.

Về luật pháp, Ðiều 16 Luật Báo chí năm 2016 quy định, cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của “cơ quan của Ðảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam” (khoản 1 Ðiều 14); và khoản 1 Ðiều 17 về điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí quy định cơ quan báo chí phải: “Xác định loại hình báo chí; tôn chỉ, mục đích phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản; đối tượng phục vụ; chương trình, thời gian, thời lượng, phương thức truyền dẫn, phát sóng (đối với báo nói, báo hình); tên miền, nơi đặt máy chủ và đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối (đối với báo điện tử)”. Qua đó nổi lên hai vấn đề cơ bản đối với cơ quan báo chí là tư cách ngôn luận của cơ quan chủ quản, sản phẩm thông tin phải luôn phù hợp với tôn chỉ, mục đích, với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản và đối tượng phục vụ.

Nhìn trên toàn cảnh, các năm gần đây, từ sự đa dạng của loại hình báo chí, từ khả năng đáp ứng nhu cầu đọc - xem - nghe của công chúng cùng sự hỗ trợ của các thành tựu khoa học và công nghệ, xu hướng một cơ quan báo chí xuất bản nhiều ấn phẩm, hoặc được tổ chức như một cấu trúc tích hợp đa phương tiện bắt đầu trở nên phổ biến ở Việt Nam. Xu hướng này đưa tới nhiều lợi thế cho cơ quan báo chí, vừa có thể cập nhật, chuyển tải thông tin qua chữ viết, hình ảnh, âm thanh, vừa phù hợp với nhu cầu thông tin, giải trí, học hỏi đang ngày càng phong phú, đa dạng của công chúng. Và sau mấy chục năm, báo chí Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, thật sự trở thành “món ăn tinh thần” hằng ngày không thể thiếu của công chúng trên cả nước.

Tuy nhiên, thời gian qua, báo chí ở Việt Nam cũng “phát lộ” một số hiện tượng tiêu cực, trong một số trường hợp đã làm suy giảm niềm tin của công chúng với báo chí, đến mức có thể đặt câu hỏi: Dường như một số cơ quan báo chí chưa bao quát sát sao các sản phẩm thông tin do cơ quan mình trực tiếp phụ trách? Vì không chỉ bạn đọc, mà trên chính báo chí đã đăng tải rất nhiều ý kiến phê phán hiện tượng đưa tin giật gân câu khách, sai sự thật, chạy theo tin tức cướp - giết - hiếp, bình luận đưa tới cách hiểu sai lạc một số chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, tổ chức “đánh hội đồng” doanh nghiệp,… thậm chí vô ý thức đến mức tiến công vào sản phẩm truyền thống của dân tộc, giới thiệu cả một số kẻ vốn nổi tiếng chống cộng là “người thành đạt”, “niềm tự hào” của người Việt Nam ở nước ngoài… Ðồng thời, cần đề cập hiện tượng được dư luận đặt tên là “bán cái”. Ðó là khi cơ quan báo chí xin giấy phép xuất bản một ấn phẩm, trang tin điện tử,… rồi “bán” tư cách pháp nhân cho một đơn vị truyền thông, một nhóm cá nhân để họ tự sản xuất, tổ chức tin bài, hình ảnh công bố,… hằng tháng nộp cơ quan báo chí một khoản tiền nhất định.

Với cung cách có thể gọi là kinh doanh giấy phép này, cơ quan báo chí sẽ khó có thể yêu cầu những người sản xuất ấn phẩm đã “bán cái” phải tuân thủ tôn chỉ, mục đích đặt ra, khó có thể ấn định sản phẩm báo chí chỉ đưa thông tin trong giới hạn lĩnh vực đã đăng ký. Trong khi đó, xét đến cùng thì tổ chức, cá nhân “mua giấy phép xuất bản” là nhằm mục đích kinh doanh và bản chất là thương mại hóa báo chí; hệ quả là để thu hút công chúng nhiều nhất, đạt lợi nhuận cao nhất, họ sẵn sàng bỏ qua quy định do cơ quan báo chí đặt ra, xem nhẹ tính chất đặc biệt mà biến sản phẩm báo chí thành hàng hóa tầm thường.

Ðây là một trong các nguyên nhân dẫn đến sự ra đời một số sản phẩm báo chí vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức người làm báo. Trong các trường hợp này, cơ quan báo chí liên quan là nơi chịu trách nhiệm đầu tiên, trước hết là cá nhân người đứng đầu cơ quan báo chí với tư cách là người “chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản báo chí và trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình” (khoản 1 Ðiều 24 Luật Báo chí năm 2016), và “chỉ đạo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và các quy định ghi trong giấy phép” (khoản 1 Ðiều 24 Luật Báo chí năm 2016).

Từ vai trò của báo chí với công chúng, cần khẳng định đó là một trong các lĩnh vực hoạt động xã hội giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh toàn Ðảng, toàn dân đang nỗ lực hiện thực hóa quan điểm “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách” như Nghị quyết T.Ư 4 khẳng định. Vì thế, để làm tốt vai trò của mình, cùng với yêu cầu về trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên,… các cơ quan báo chí cần xác định rõ ràng, cụ thể về vai trò, cố gắng bảo đảm mọi sản phẩm báo chí được công bố luôn phù hợp tôn chỉ, mục đích, tích cực tham gia đưa Nghị quyết T.Ư 4 vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu thông tin, thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, giúp công chúng học hỏi, nâng cao trình độ nhận thức. Và điều này trước hết phụ thuộc vào người đứng đầu cơ quan báo chí. Bởi, khi người đứng đầu ý thức nghiêm túc về việc nêu cao trách nhiệm của cơ quan báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì mỗi cơ quan báo chí sẽ có tiền đề cơ bản để tổ chức, lãnh đạo, sản xuất, công bố sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội, đáp ứng một cách có trách nhiệm, hiệu quả yêu cầu “chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt” như Nghị quyết T.Ư 4 đã khẳng định.

HÀ NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/38987902-vai-tro-cua-cac-co-quan-bao-chi-trong-thuc-hien-nghi-quyet.html