Vai trò châu Âu trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Cam kết duy trì hệ thống thương mại dựa trên luật lệ hiện tại là 'lá bài' mà Trung Quốc đang sử dụng để lôi kéo châu Âu đứng về phía nước này trong xung đột thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa chắc nhận được sự ủng hộ.

Trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh thương mại với Mỹ tăng cao, Trung Quốc, với mục tiêu muốn củng cố vị trí là “người bảo vệ” cho toàn cầu hóa và thương mại tự do, đang bận rộng tăng cường quan hệ với các đối tác từ châu Á đến châu Âu.

Cuối tuần qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tiếp đón Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tại Bắc Kinh, thảo luận việc khiến toàn cầu hóa trở nên “ngày càng cởi mở, hòa nhập, cân bằng và cùng có lợi”. Trong cuộc gặp, ông Guterres nhấn mạnh chủ nghĩa bảo hộ “chỉ làm tổn thương bản thân lẫn nước khác”.

Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 8.4 vừa qua cũng đã hội kiến Tổng thống Áo Van der Bellen. Hai lãnh đạo trong cuộc gặp nhất trí thông qua việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược để “cùng nhau bảo vệ cơ chế thương mại đa phương và xây dựng nền kinh tế mở”.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng hội đàm với người đồng cấp Singapore Vivian Balakrishnan. Hai bên đều cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ, duy trì hệ thống thương mại toàn cầu với cốt lõi là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) hội kiến Tổng thống Áo Van der Bellen ngày 8.4 - Ảnh: SCMP

Theo chuyên gia kinh tế Tommy Wu của công ty tư vấn quốc tế Oxford Economics, trên đây đều là những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang cố gắng tỏ ra mình “có đạo đức hơn” trong vấn đề thương mại.

Xây dựng hình tượng nước bảo vệ cho hệ thống thương mại toàn cầu là việc được Bắc Kinh thực hiện trong nhiều năm qua, để đối lập với một nước Mỹ “bảo hộ” dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2017, Chủ tịch Tập đã công kích những nhà phê bình toàn cầu hóa và khẳng định theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ cũng giống như tự giam mình lại.

Gần đây nhất, phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao ngày 10.4, lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố cải cách và mở cửa đem lại tiến bộ, còn tư tưởng Chiến tranh Lạnh, quan điểm “người được kẻ mất” và chủ nghĩa bảo hộ sẽ chỉ dẫn đến bế tắc.

Allan von Mehren, nhà kinh tế của đơn vị cung cấp dịch vụ ngân hàng Danske Bank Markets, đánh giá thái độ “kiên quyết tuân thủ luật chơi” mà Trung Quốc đang thể hiện có thể giúp giành được sự ủng hộ của một số nước châu Âu.

“Trung Quốc sẽ nhấn mạnh rằng mọi thỏa thuận thương mại đều đạt được thông qua hệ thống các quy tắc đa phương toàn cầu, đồng thời cũng muốn chứng minh hành động đơn phương sẽ không có hiệu quả. Đây là một nguyên tắc quan trọng, và cũng là điều mà Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều nước khác đồng tình với Trung Quốc”, theo Mehren.

Ông cho rằng Bắc Kinh có vẻ sẽ không mất đi lợi thế trong vấn đề thương mại. Ông Trump sẽ sớm phải nhượng bộ, đem lại kết quả là Mỹ-Trung ngồi vào bàn đàm phán.

Tuy nhiên, Michael Every, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tài chính châu Á-Thái Bình Dương của Công ty Rabobank, lại nhận định giữa lúc căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang, Trung Quốc sẽ khó tìm được đồng minh tại châu Âu.

Ông phân tích cả Trung Quốc và Mỹ đều đang tiến hành xây dựng các liên minh ủng hộ quan điểm về cách hệ thống kinh tế hoạt động của mình. Trong đó, vấn đề của Bắc Kinh chính là có rất nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước châu Âu, lo ngại trước những quy định hạn chế tiếp cận thị trường mà cường quốc châu Á đang áp dụng.

“Số quốc gia có thể tham gia chống lại Trung Quốc rất nhiều và đang tăng lên. Nếu ông Trump hành động tốt hơn, thì sẽ có nhiều nước lên tiếng kêu gọi Trung Quốc thay đổi cách họ tiến hành hoạt động thương mại. Tôi thực sự nghĩ rằng Bắc Kinh đang trong tình huống nguy hiểm”.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/vai-tro-chau-au-trong-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-85771.html