Vài suy nghĩ nhân 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt: Đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (*)

Mùa xuân năm 968, cách đây 1050 năm, Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước đã lên ngôi hoàng đế, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự chủ lâu dài, xuyên suốt của dân tộc Việt Nam. Trải qua những thăng trầm và biến thiên của lịch sử, vùng đất Cố đô Hoa Lư ngày nay còn lưu giữ nhiều di sản, trở thành tài nguyên vô giá, nguồn lực vật chất, tinh thần quan trọng của tỉnh, của quốc gia và thế giới.

Du khách bơi thuyền quanh thủy đình trong khu du lịch Tràng An. Khối núi phía sau được du khách so sánh với con đại bàng đang tung cánh. Ảnh: Sơn Tùng

Nhận thức sâu sắc về tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực to lớn ấy, trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn coi trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất Cố đô ngàn năm văn hiến. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.500 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 342 di tích đã được xếp hạng, gồm 79 di tích cấp quốc gia, 263 di tích cấp tỉnh. Cố đô Hoa Lư đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt; Danh lam thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ và 2 Long sàng thuộc Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Lễ hội Hoa Lư được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Di sản hỗn hợp đầu tiên ở Đông Nam Á...

Xác định giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan là tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, do vậy trong những năm gần đây, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế du lịch, như: Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 18.12.2001 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2010; Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13.7.2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17.8.2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 4.2.2016 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/BCS của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An... Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã xác định “Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả du lịch, dịch vụ” là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Quán triệt sâu sắc các chủ trương của tỉnh, đặc biệt là khâu đột phá quan trọng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI về phát triển du lịch, UBND tỉnh đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và triển khai chi tiết một số khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; tăng cường công tác khôi phục, bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Cố đô Hoa Lư. Huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch; đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, quảng bá, xúc tiến; từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử để từng bước xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch trọng điểm của miền Bắc và cả nước, có tầm quốc tế. Công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển các dịch vụ, du lịch và đổi mới cơ chế, chính sách được đẩy mạnh, nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng du lịch, dịch vụ du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là dịch vụ khách sạn, nhà hàng, khu giải trí, khu nghỉ dưỡng, làng ẩm thực, chợ đêm, phố đi bộ, tăng lượng khách lưu trú, mua sắm, sử dụng các dịch vụ. Cùng với đó là các dự án: Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử Cố đô Hoa Lư; Khu du lịch sinh thái Tràng An; Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế; phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn; cơ sở hạ tầng Cồn Nổi; Kênh Gà - Vân Trình; Công viên động vật hoang dã; Chiến khu cách mạng Quỳnh Lưu... được triển khai xây dựng, tạo ra diện mạo mới và bước phát triển có tính đột phá của du lịch Ninh Bình. Du lịch Ninh Bình ngày một phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn, một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của vùng Đồng bằng Sông Hồng và cả nước. Lượng khách du lịch đến với Ninh Bình ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước: Năm 2015 số du khách đến Ninh Bình đạt 6 triệu lượt (gấp 2 lần so với năm 2010), doanh thu đạt 1.200 tỉ đồng; năm 2016 đạt 6,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 1.725 tỉ đồng, đến năm 2017, số lượng du khách đến Ninh Bình vượt ngưỡng 7 triệu lượt, doanh thu đạt 2.489 tỉ đồng. Ninh Bình hiện đang là điểm đến hấp dẫn, nằm trong tốp 5 địa phương có nội lực phát triển du lịch ở Việt Nam. Du lịch Ninh Bình dần khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực và điều kiện thuận lợi chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng phát triển theo hướng bền vững.

Để tiếp tục phát huy mạnh mẽ những giá trị lịch sử văn hóa vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử gắn với phát triển du lịch theo hướng bền vững, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình (khóa XXI) về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; Kết luận số 03-KL/TU ngày 26.06.2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 05-NQ/BCS ngày 21.1.2015 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Ninh Bình về nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân biết được những tiềm năng, thế mạnh về lịch sử văn hóa cảnh quan thiên nhiên, du lịch, nhất là Di sản thế giới Tràng An. Từ đó, có ý thức trách nhiệm đúng đắn trong bảo vệ Di sản và phát triển du lịch, không được có những hoạt động xâm hại và làm mất đi nguyên trạng cảnh quan của vùng Di sản.

Hai là, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch đồng bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch. Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng các khu du lịch quan trọng của tỉnh: Quần thể danh thắng Tràng An, Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế, khu Công viên động vật hoang dã Quốc gia, Khu du lịch tổng hợp Kênh Gà - Vân Trình, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Xây dựng các tuyến, điểm du lịch mới có khả năng cạnh tranh cao, mang tính nội vùng và liên vùng. Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, phố đi bộ - mua sắm, chợ đêm chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm và đầu tư sản xuất các mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch (sản phẩm thêu ren, cói, đá, gỗ mỹ nghệ, mây tre đan, gốm sứ... gắn các hình ảnh đặc trưng của Ninh Bình).

Ba là, tiếp tục nâng cao các sản phẩm du lịch hiện có, đông thời phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Xây dựng các tuyến, điểm du lịch mới có khả năng cạnh tranh cao, mang tính nội vùng và liên vùng... Phát triển du lịch theo hướng mà tỉnh có thế mạnh, đó là du lịch dựa vào thiên nhiên, du lịch sinh thái (tham quan các danh thắng như Tam Cốc – Bích Động; Tràng An, Khu du lịch Vân Long, Vườn quốc gia Cúc Phương)... tập trung phát triển du lịch văn hóa tâm linh; bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; khai thác, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể để phục vụ du lịch (Khu di tích Cố đô Hoa Lư, hệ thống nhà cổ Việt Nam, nhà thờ đá Phát Diệm, Núi chùa Bái Đính); du lịch làng nghề (thêu ren Văn Lâm, chạm khắc đá Ninh Vân, làm nón me Gia Viễn)... gắn với phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa trong du lịch, đưa hát chèo, hát xẩm, hát văn, múa rối nước vào phục vụ ở các khu điểm, tua du lịch. Khôi phục một số lễ hội văn hóa dân gian như: Lễ hội cồng chiêng, hát ru, hát đúm của đồng bào Mường, hát xẩm... đa dạng hóa sản phẩm du lịch phục vụ du khách.

Bốn là, tổ chức các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý di sản. Tập trung đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của mỗi khu vực theo hướng đa dạng văn hóa, khai thác lợi thế của các khu vực, các địa phương trong tỉnh để phát triển du lịch. Đổi mới cơ chế quản lý văn hóa và du lịch, tăng cường vai trò của doanh nghiệp và sự tham gia của người dân vào bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nhằm phát triển du lịch. Đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa du lịch trong tỉnh, trước hết là xây dựng môi trường văn hóa trong các doanh nghiệp du lịch và trong cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch. Đi đôi với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể hiện có, đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể ở các địa phương để phục vụ cho phát triển du lịch. Nâng cao vai trò của truyền thông đại chúng trong việc giới thiệu quảng bá các giá trị văn hóa của tỉnh Ninh Bình nhằm phát triển du lịch.

Năm là, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng nét đẹp văn hóa thanh lịch, thân thiện, mến khách của người dân Cố đô Hoa Lư. Kênh thông tin quảng bá phải đến được từng phân đoạn thị trường. Có chính sách hỗ trợ, liên kết nguồn lực công để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp lữ hành đủ mạnh có khả năng cùng thực hiện tốt chiến lược marketing cho Ninh Bình để định vị sản phẩm du lịch trên thị trường. Chú trọng đầu tư, định vị và quảng bá sâu rộng giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Quần thể Danh thắng Tràng An ở trong và ngoài nước, thu hút khách du lịch tới tham quan, nghiên cứu về di sản, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư địa phương.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên vừa góp phần bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa, đồng thời vừa góp phần thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển mạnh trong thời gian tới. Từ đó, làm cho ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phát triển, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển văn hóa, xã hội; giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo..., góp phần đưa Ninh Bình ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

(*) Tựa bài do Lao Động đặt

Đinh Văn Điến - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/du-lich/vai-suy-nghi-nhan-1050-nam-nha-nuoc-dai-co-viet-dua-du-lich-ninh-binh-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon--602472.ldo