Vài lời với nghệ sĩ Hoài Linh

Tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt phải đến kịp thời mới gọi là cứu trợ, để chậm trễ thì Hoài Linh cần chân thành xin lỗi, chứ không thể tươi cười giải thích như ở video.

Video: Nghệ sĩ Hoài Linh trần tình về việc chậm trao tiền từ thiện

Về câu chuyện 14 tỷ ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt vẫn trong tài khoản của Hoài Linh, tôi đã đọc trần tình và đặc biệt là video nghệ sĩ này quay để nói chuyện với khán giả, xin có vài ý kiến.

1. Hoài Linh nói mong qua dịch để trao số tiền này đến với bà con miền Trung và sẽ công khai, minh bạch, đúng đối tượng và không dại gì “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, không lấy sự nghiệp 30 năm để đổi 14 tỷ đồng…

Nên nhớ, tiền này do người dân tin yêu mà ủy thác cho Hoài Linh chuyển đến bà con miền Trung từ tháng 10 năm ngoái. Tiền cần ngay, thần tốc trong lúc dầu sôi lửa bỏng, tiền giúp bà con cầm cự để vượt qua bão lũ. Tiền này có tính thời điểm, mục đích, đối tượng rất rõ ràng, đó là "ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt", nó phải đến đúng lúc, kịp thời mới phát huy hiệu quả, mới gọi là cứu trợ.

Mọi thứ chẳng có ý nghĩa nếu sai thời điểm. Việc này Hoài Linh cần phải chân thành xin lỗi, chứ không thể tươi cười giải thích như ở video. Biết đâu sự chậm trễ trong cứu trợ đã gây ra nhiều điều mà ta chưa nhìn thấy. Không cười trừ thế được.

2. Hoài Linh nói, đây là lần đầu tiên trao đổi chuyện này với công chúng (nếu không có thắc mắc thì liệu anh có chủ động giải thích không?). Tôi để ý câu “lần đầu tiên…”, đây là cách quen thuộc của không ít nghệ sĩ thành danh. Việc nói chuyện, giải thích với khán giả, với công chúng về việc gì đó đối với một số nghệ sỹ cứ như một dạng ban ơn, chiếu cố. Nên nhớ, nghệ sỹ là cá, công chúng là nước. Không có nước, cá sống được không?

Các nghệ sỹ nổi tiếng, giàu sang là do số đông khá giả, có cả khán giả nghèo khổ, khán giả yếu thế (và cả khán giả miền Trung gặp lũ lụt) yêu mến mà có. Việc làm từ thiện, việc giao tiếp đúng mực, có trách nhiệm, lễ phép với khán giả, xét ở góc độ nào đó là sự trả ơn, biết ơn. Đó là lẽ sống, là đạo lý của nghệ sỹ, của người nổi tiếng.

3. Người Việt chúng ta rất thương nhau. Càng khó, càng đau khổ càng thương nhau. Nhưng thương không đúng cách cũng là một dạng hại nhau. Thời gian qua, nhiều người nổi tiếng làm từ thiện, người được hoan nghênh, người mang tai tiếng. Tai tiếng là vì khả năng quản lý tài chính yếu (vì là cá nhân), sức lực, lực lượng không đủ để bao phủ, không đủ kịp thời ở diện rộng, gây ra những thắc mắc, hoài nghi trong công chúng.

Tôi nghĩ, người nổi tiếng khi làm từ thiện, nếu số tiền và quy mô vượt quá sức (đặc biệt trong thiên tai, thảm họa), để bảo vệ sự trong sáng, đúng đắn của mình, bảo vệ sự ủy thác của công chúng thì nên kết hợp với một cơ quan có trách nhiệm cùng làm thì mới kịp thời, hiệu quả. Đừng lo cơ quan đó không minh bạch vì hoàn toàn có thể thống nhất cơ chế làm để giám sát. Như vậy sẽ vừa giúp các cá nhân tránh khỏi lùm xùm vừa để câu chuyện từ thiện vốn rất tốt đẹp, nhân ái không mang lại phiền lòng cho nhiều người. Để người nổi tiếng tự làm, tự báo cáo, tự minh bạch thì trước sau cũng dính lùm xùm!

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Lê Anh Đạt

Nguồn VTC: https://vtc.vn/vai-loi-voi-nghe-si-hoai-linh-ar614287.html