Vài kỷ niệm làm báo

Phát hành số báo Xuân Mậu Thân – 1968 vừa xong, tôi cùng Đội tuyên truyền xung kích của Phan Triêm được Ban Tuyên huấn tỉnh chỉ đạo đi theo Tiểu đoàn 502 mở trận đánh trước Tết âm lịch ở vùng Hòa Đông Tây (Hòa An, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây). Cùng đi với tôi có Chí Tâm - Đài Minh Ngữ.

Nhà báo Nguyễn Đắc Hiền. Nguồn: THĐT

Nhà báo Nguyễn Đắc Hiền. Nguồn: THĐT

Do hợp đồng trong ngoài không ăn khớp, ta không đánh được đồn Sáu Quốc. Bộ đội trụ lại ở rạch Bà Bướm giáp Xẻo Bèo, để theo kế hoạch đêm sau đánh đồn Tân Thuận Đông và Tân Thuận Tây. Sáng ngày sau (27 tháng Chạp – Đinh Mùi) địch từ Cao Lãnh theo rạch Xép Lá mò lên. Ta chận đánh chúng cho máy bay trực thăng, phản lực tới phóng hỏa tiễn, ném bom. Trận đánh kéo dài tới chiều tối. Bộ đội rút qua Mỹ Ngãi, bỏ kế hoạch đánh tiếp hai đồn.

Về tới cơ quan báo, nửa đêm 28 tháng Chạp, có giao liên đưa thơ và tài liệu in gấp đến nhà in sáp ở chung cụm tràm với chúng tôi ở sau nhà ông Hai Đâu ở Kinh Nhứt. Thơ Tỉnh ủy qui định tất cả tài liệu in phải xong mang đến giao bưu tỉnh đúng 10 giờ 29 tháng Chạp (năm này không có ngày 30) theo chế độ tốc hành.

Sáng sớm mùng Một Tết Mậu Thân, chúng tôi được lịnh Ban đi ngay lên Nhị Mỹ, cùng Tiểu đoàn 502 đánh vô thị xã Cao Lãnh. Tôi đi với Bình - báo vụ Đài Minh Ngữ. Cùng đi có anh Công Đoàn, Quốc Việt, Hoàng Dũng, Lê Chí Hải và Đội tuyên truyền xung kích.

15 giờ ngày mùng Ba, ta gỡ đồn Cái Vừng. Tôi viết tin và Bình căng dây ăng-ten, mở máy đánh mọt-sơ chuyển tin về Phân xã và Tổng xã Thông tấn. Đánh vừa xong, hai đứa vội vã đóng thùng máy, cuốn dây ăng-ten chạy theo bộ đội đã hành quân. Qua ngang An Bình, đồn An Bình đã bỏ chạy. Qua Xóm Bún, đào xong công sự là trời rạng sáng. Chúng tôi đi dài trong xóm, họp dân từng cụm để tuyên truyền. Đến đêm, quân ta đánh vô nội ô thị xã Cao Lãnh. Do yếu tố bất ngờ không còn, địch chiếm các lầu cao kháng cự, nên quân ta chỉ vào đến trường Tiểu học (Trường Lê Quí Đôn bây giờ) thì rút ra Xóm Bún. 23 giờ đêm, mặc cho chiếc máy bay cánh xéo ném pháo sáng và bắn từng tràng đạn dài, ngồi trong công sự, tôi rọi đèn pin và Bình coi bản tin đánh mọt-sơ chuyển bản tin nóng hổi.

Đêm sau, tôi theo bộ đội lên đào công sự ở Kinh Thầy Cừ, dự định đánh tiếp vô thị xã và trụ lại tại đây. Song trận đánh cũng không đạt kết quả và quân ta rút luôn về Xóm Bún. Buổi chiều, trực thăng tới phóng hỏa tiễn xuống nơi đóng quân. Một trái hỏa tiễn nổ tung bờ mương gần công sự tôi và anh Lê Chí Hải. Đất văng phủ phục. May là nếu nó trịch lên một thước là hai đứa tôi “bay” hết.

Bộ đội chuyển qua Hòa An, đào công sự dọc rạch Cái Tôm. Sáng hôm sau, địch mò ra bị ta đánh. Trận đánh ác liệt kéo dài tới tối. Bộ đội lại kéo lên rạch Bà Đương, gỡ các đồn ven thị xã như Bình Trị, Xẻo Bèo, Tân Thuận Đông, Sáu Quốc... và vây đánh đồn Tân Thuận Tây. Máy bay khu trục tới ném bom giải tỏa cho bọn đồn tháo chạy. Vô đồn, tôi đổi liền cây súng cạc-bin cũ của mình, lấy cây cạc-bin mới và vô lô cốt lấy cục pin khối mang về cho Đài Minh Ngữ. Dọc đường đi, bà con nấu cơm gói từng gói để trong thúng giạ đặt theo đường.

Suốt cả tháng trời theo bộ đội, chúng tôi ăn cơm gói của dân, hành trang chỉ một bộ đồ dính da cùng cái quần cụt, cây súng, cuốn sổ tay ghi chép diễn biến và kết quả ta đánh từng ngày, cùng một vật bất ly thân là cái leng để đào công sự. Cứ tối hành quân tới điểm mới, đào công sự tới rạng sáng, đánh nhau suốt ngày, rồi lại hành quân... Ăn ngủ thất thường, căng mình chịu bom đạn, lại hành quân, lại đào công sự, lại đánh nhau liên miên... nhưng niềm phấn khởi đã lướt qua nỗi mệt nhọc. Với người làm báo, chưa có bao giờ được dự trận và đưa tin nóng hổi như lúc này.

Cứ vậy, hết cao điểm một, cao điểm hai, cao điểm ba của đợt A, lại lao vào đợt B; hết đánh vô thị xã Cao Lãnh, đánh Chi khu Kiến Văn lại đánh Chi khu Thanh Bình, chống địch bung ra phản kích... Chúng tôi đi cùng bộ đội tỉnh viết tin, viết tường thuật, viết mẫu chuyện người thật việc thật, vừa gởi về trên, vừa in báo và bản tin của tỉnh, hừng hực tính thời sự.

Đó là những ngày tháng hạnh phúc nhứt trong đời của những người làm báo.

NGUYỄN ĐẮC HIỀN

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/vai-ky-niem-lam-bao-91701.aspx