Vai gầy 'đắp tương lai' trên đỉnh Sìn Hồ

'Chỉ có chữ mới thay đổi tương lai, chắp cánh cho những ước mơ trên cao nguyên lạnh giá…'.

Tỷ lệ học sinh ở huyện vùng cao Sìn Hồ đến trường ngày một tăng cao. Ảnh: NVCC

Tỷ lệ học sinh ở huyện vùng cao Sìn Hồ đến trường ngày một tăng cao. Ảnh: NVCC

Đó là tâm sự của cô Gấm - giáo viên trên vùng cao nguyên lạnh giá huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Gần 23 năm qua, cô miệt mài với từng trang giáo án dù đầy rẫy những lúc khó khăn đè nặng lên đôi vai gầy…

Từ “ngõ cụt” bước vào nghề “bụi phấn”

Đến nay, đã gần 23 năm cô Trần Thị Hồng Gấm, giáo viên Tiểu học Làng Mô, huyện Sìn Hồ gắn bó với nghề giáo. Cũng là ngần ấy thời gian cô nỗ lực vượt qua khó khăn để cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Cô Gấm sinh ra và lớn lên tại xã vùng cao Y Can (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái). Nơi đó có nhiều điểm tương đồng với mảnh đất Làng Mô nơi cô đang công tác. Nơi đây đã trở thành quê hương thứ 2 của cô.

Từ nhỏ, cô Gấm mơ ước trở thành bác sĩ. Song bởi nhà quá nghèo, ước mơ ấy đành dang dở. Tương lai tưởng như đi vào “ngõ cụt” thì mẹ cô lại là người khơi gợi cho cô con đường theo nghề “bụi phấn”. Nghe lời mẹ, cô quyết tâm theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái.

Năm 1998, sau khi tốt nghiệp, cô Gấm được phân công về một ngôi trường ở “đất ngọc” Lục Yên (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái). Nghe theo tiếng gọi của trái tim, cô đã đến với mảnh đất Lai Châu, lại dấn thân vào nơi cao nhất, xa nhất và khó khăn nhất. Năm 2005, cô bắt đầu lên mảnh đất Làng Mô, tiếp tục sự nghiệp trồng người. Quyết định công tác phân cho cô giảng dạy tại điểm trường Lù Suối Tổng.

“Ấn tượng đầu tiên với tôi khi về đây là những con đường mòn trên đá gập ghềnh và dốc cao. Mỗi ngày, phải mất hơn 2 giờ đồng hồ “đánh vật” với con đường này tôi mới tới được điểm trường, dù cách trung tâm xã chưa đến 10km. Điểm trường Lù Suối Tổng ngày ấy còn hoang vu lắm. Khi mình về đây, điểm trường là nhà tạm”, cô Gấm kể.

“Nói là tạm bởi đó chính là cái lán nương cũ của bà con bỏ lại. Trưởng bản thấy có thể sử dụng được nên xin lại để làm lớp học. Lớp được làm bằng khung gỗ, tường tre, mái rơm. Ở đó không có sóng điện thoại, không mạng

Internet và cũng chẳng có điện lưới quốc gia. Ở nơi này sương núi không tan được trước 7 giờ sáng. Hồi mới về trường mình cũng buồn, cũng khóc, vì nhớ nhà, vì sợ màn đêm của núi rừng nơi này. Nhưng rồi tình yêu với đám trẻ vùng cao, lại được người chồng tạo chỗ dựa vững chắc thì mới phấn đấu được như bây giờ”, cô Gấm chia sẻ thêm.

Cô giáo Gấm tận tình hướng dẫn học sinh học Toán.

Niềm vui vỡ vụn trong đau đớn

6 năm đầu gắn bó với điểm trường Hồ Suối Tổng, sau vài đợt ốm nặng, sức khỏe giảm sút, cô Gấm được ưu tiên chuyển về trường trung tâm xã Làng Mô. Nói là trung tâm nhưng nơi này cũng chỉ cách điểm trường cũ vẻn vẹn 3km. Cô vẫn chưa “thoát” khỏi khó khăn. Chỉ có điều ở đây người dân ở tập trung hơn. Việc huy động trẻ đến trường dễ dàng hơn một chút.

Ngày ngày cô đi dạy học còn chồng cô chạy xe ra huyện mang ít mắm muối, mì tôm... vào bản để bán kiếm chút lời, cải thiện cuộc sống. Lời lãi chẳng đáng là bao, song cũng nhờ anh mà bà con đỡ vất vả khi phải đi chợ xa. Cứ ngỡ hạnh phúc sẽ trọn vẹn, khi ngày con trai cô nhận giấy báo đỗ đại học. Cả nhà vỡ òa trong niềm vui, thì đó cũng là lúc cô đau đớn, hoang mang nhất. Nước mắt cứ lặng lẽ rơi khi biết tin chồng mắc “bạo bệnh”. Anh bị ung thư đại tràng. Cứ thế, từ năm 2019 đến nay, chồng cô ở viện nhiều hơn ở nhà.

“Khi cầm trong tay kết quả xét nghiệm của chồng, tôi sụp đổ hoàn toàn. Tôi đã tự hỏi: “Sao ông trời lại nỡ đối xử với mình như vậy? Bây giờ tôi biết sống sao đây? Chẳng lẽ cánh cửa cuộc đời mình sẽ đóng lại từ đây ư?”. Chính nhờ vào lời động viên của gia đình, bạn bè, Ban giám hiệu nhà trường, đặc biệt là những ánh mắt ngây thơ của các em nhỏ đã giúp tôi lấy lại tinh thần, vượt qua gian khó”, cô Gấm chia sẻ.

“Nơi đây, gia đình tôi luôn nhận được tình cảm yêu thương từ bà con dân bản. Mảnh đất này từ lâu đã là quê hương thứ hai của tôi rồi. Ước mong lớn nhất hiện giờ là chồng mau khỏi bệnh, mau về với gia đình. Còn sức khỏe thì tôi còn đi dạy. Các con còn nhỏ, chưa làm ra được gì để nuôi sống bản thân nên mình phải cố gắng thôi. Ở trường, các đồng nghiệp biết hoàn cảnh nên cũng giúp đỡ, hỗ trợ nhiều”, cô Gấm chia sẻ thêm.

Các thế hệ học trò của cô Gấm hôm nay, người làm cán bộ xã, người làm công an, có người lại làm cán bộ huyện… Gác lại những lo toan gia đình, ngày ngày cô Gấm vẫn cùng đồng nghiệp học hỏi, trau dồi kiến thức. Cô tìm cách đổi mới phương pháp dạy học, đưa tri thức đến với vùng đất nghèo khó nơi cô đang sinh sống.

Ông Dương Công Thảnh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Cô Gấm là thế hệ những người giáo viên cắm bản đầu tiên tại xã Làng Mô. Cô có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, chuyên môn vững vàng. Với đồng nghiệp, học sinh, cô luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất. Dù hoàn cảnh rất khó khăn, vất vả nhưng cô có nghị lực sống phi thường, vượt lên hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Điều đó khiến đồng nghiệp luôn kính phục, học trò và người dân quý mến”.

Ngôi trường nơi cô Gấm công tác giờ đã khang trang hơn trước, đã có đường ô tô đi vào tận nơi. Sự nghiệp “gieo chữ” của cô Gấm và đồng nghiệp phần nào vơi bớt khó khăn. Chất lượng giáo dục trên địa bàn xã Làng Mô, những năm qua không ngừng được nâng lên.

Có hàng trăm nỗi khổ ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn này mà các thầy, cô giáo “cắm bản” không thể nói hết được bằng lời. Họ cứ âm thầm lặng lẽ cống hiến dù tuổi thanh xuân cứ trôi dần sau những cánh rừng xa. Họ tình nguyện lên đây để “ươm mầm” nơi cao nguyên lạnh giá. Cuộc sống mưu sinh của đồng bào vùng cao vẫn ngày ngày trôi qua với bao khó khăn vất vả. Nhưng thấp thoáng hình ảnh về một lớp học, bóng dáng một người cô giáo mảnh khảnh cứ miệt mài ngày đêm dạy chữ cũng là để thắp lên hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/vai-gay-dap-tuong-lai-tren-dinh-sin-ho-stF2GP3Gg.html