Vài điểm sáng, nhiều bài học

Năm 2018, ngoài một vài điểm sáng của điện ảnh nước nhà, khán giả và người làm điện ảnh tiếp tục thất vọng khi đề án Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh vẫn chỉ là dự thảo, mặc dù ý tưởng và lộ trình đến nay đã qua 11 năm. Cùng với đó là câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam chưa có hồi kết; phim do tư nhân đầu tư ra rạp thảm hại doanh thu…

Vài điểm sáng

Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ 5 (HANIFF) diễn ra dịp tháng 10, được đánh giá thành công khi thu hút gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 500 phim ở các thể loại tham gia. Tuy nhiên, trong những hoạt động chính của HANIFF lại khó có thể bắt gặp những người làm điện ảnh chính của Việt Nam (lực lượng đông đảo các đạo diễn, tác giả, quay phim, nhà sản xuất của lĩnh vực tư nhân, thị trường). Hoạt động rời rạc, vắng vẻ của sự kiện thảm đỏ trước lễ khai mạc và bế mạc, người đoạt giải không có mặt nhận giải thưởng… khiến người đứng ngoài chạnh lòng với những nỗ lực của ban tổ chức về khát vọng xây dựng một “thương hiệu” liên hoan phim có uy tín và tầm cỡ trong khu vực. Đạo diễn gạo cội, NSND Đặng Nhật Minh bày tỏ tiếc nuối rằng đến liên hoan phim giờ đây chỉ toàn người còn ít khả năng sáng tạo, làm phim; còn những người trẻ thì đang mải mê trên phim trường, không thể bắt ép họ khi mà các kỳ cuộc như thế này chưa đủ độ hấp dẫn và mang lợi ích cho họ.

Phim “Song lang” được đánh giá chất lượng tốt nhưng không mang lại doanh thu cho nhà sản xuất.

Người làm điện ảnh Việt cũng đang chờ đợi công bố cuối cùng của việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Cần một đơn vị có những người tâm huyết để gìn giữ “thương hiệu” của điện ảnh Việt và vì sự phát triển của những bộ phim mang dấu ấn Việt trong tương lai.

Năm nay, những người làm điện ảnh háo hức trước thông tin về sự ra đời của Quỹ Đầu tư giải trí Việt Nam (VEF). Đây là dạng quỹ đầu tư về giải trí mở, hoạt động theo mô hình công ty holdings (sở hữu cổ phần trong các công ty khác) triển khai tại Việt Nam với số vốn ban đầu khoảng 1.150 tỷ đồng. Mô hình được triển khai từ lâu và thành công ở nhiều nước có ngành công nghiệp phim phát triển của thế giới, như: Quỹ Hoạt hình CA-Cygames, Quỹ Marvel Studio... Ban đầu, quỹ tập trung mở các khóa đào tạo điện ảnh cho tất cả học sinh trên toàn quốc, với mong muốn hình ảnh Việt Nam sẽ được xuất hiện nhiều, đa dạng và đáp ứng yêu cầu nghệ thuật. Mức tài trợ cao nhất cho một dự án làm phim có thể lên đến 250.000 euro.

Những bài học đắt giá

Tính đến giữa tháng 12-2018, Việt Nam có 40 phim ra rạp. Nhưng theo thống kê của nhà phát hành, chỉ có 5 bộ phim được xem là thành công về doanh thu, gồm: “Siêu sao siêu ngố”, “Lật mặt 3”, “Tháng năm rực rỡ”, “Chàng vợ của em” và “798Mười”. Trong số này, mức doanh thu 108 tỷ đồng của “Siêu sao siêu ngố” (đạo diễn Đức Thịnh) được xem là bất ngờ vì bộ phim này chỉ là một sản phẩm giải trí trung bình với đề tài cũ . Những phim còn lại có khá hơn về nội dung, đạt mức doanh thu 80-85 tỷ đồng.

“Người bất tử”-phim được cho là “bom tấn” của đạo diễn Victor Vũ-người luôn được giới điện ảnh cũng như khán giả chờ đợi lại hoàn toàn làm khán giả thất vọng. Trong phòng chiếu bộ phim này tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, sau khi kết thúc phim, một khán giả thốt lên rằng: Tài nghệ của Victor Vũ đã tụt dốc nhanh thế sao? Theo thông tin do nhà phát hành cung cấp, doanh thu của “Người bất tử” có khoảng cách rất xa so với vốn đầu tư sản xuất.

Trong năm 2018, có hai phim được đánh giá chất lượng khá tốt và phong cách làm phim đáng được khích lệ, là “Nhắm mắt thấy mùa hè” và “Song lang” được truyền thông phản hồi tích cực. Nhưng “Nhắm mắt thấy mùa hè” thu về khoảng 12 tỷ đồng và “Song lang” gần 5 tỷ đồng lại là kết quả đáng buồn cho hai bộ phim. Có lẽ, khán giả Việt vẫn chưa mặn mà với phong cách cá nhân và mang tinh thần độc lập của đạo diễn khi thực hiện những bộ phim này-điều xảy ra tương tự với các phim: “Cha cõng con”, “Đảo của dân ngụ cư” sản xuất năm 2017.

Điều đáng buồn cho điện ảnh là những ý đồ dùng tình cảm hòng thao túng khán giả. Năm nay, câu chuyện này đã đi quá xa khi sự việc của diễn viên Kiều Minh Tuấn-An Nguy-Cát Phượng vỡ lở, tưởng rằng có thể lấy được sự tò mò của khán giả với “Chú ơi đừng lấy mẹ con”, hóa ra "trò lố" này được xem như quả bóng nổ tung vấn đề “phim giả tình thật” của phim trường bấy lâu nay vẫn được các diễn viên vin vào nhằm lấp liếm khả năng diễn xuất và chất lượng phim kém. Kết quả bất ngờ là nhà sản xuất kiện ngược diễn viên và đòi bồi thường thiệt hại nặng nề mà cặp đôi này gây ra, khán giả tẩy chay ngay cả khi phim chưa ra rạp. Bài học này có thể là lời cảnh tỉnh cho các nhà sản xuất, nhà làm phim, để tới đây khán giả sẽ không phải chứng kiến những trường hợp tương tự.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho rằng, ở Việt Nam năm nào cũng có phim dở và phim thất bại. Nhưng có lẽ trong 10 năm trở lại đây, chưa năm nào số phim dở lại tỷ lệ thuận với số lượng phim được sản xuất trong năm 2018.

Bộ phim hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc mang tên “Thiên đường” với sự góp mặt của đạo diễn Park Hee Jun, đồng đạo diễn Nguyễn Hoàng Hạnh Nhân có sự góp mặt của ngôi sao Hàn Quốc-nam diễn viên Han Jae Suk, được nhà sản xuất tiết lộ là bộ phim đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của điện ảnh Việt Nam. Tưởng rằng sẽ là điểm sáng cho điện ảnh Việt 2018, hóa ra đến tháng cuối của năm, phim đang quay thì nhà sản xuất tuyên bố phá sản và giải tán đoàn làm phim. Đến nay, câu chuyện ai vi phạm hợp đồng chưa có lời giải, tuy nhiên đã để lại cho người làm phim Việt bài học đắt giá về khả năng thiếu chuyên nghiệp và tính “hoắng”, làm mất niềm tin của khán giả.

CHÂU XUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/vai-diem-sang-nhieu-bai-hoc-559329