Vạch trần những vụ 'ăn theo' thông tin tử tù trốn trại

Trong thời gian vừa qua, thực trạng báo tin giả hoặc báo tin sai sự thật với cơ quan chức năng đang diễn ra ngày một nhiều.

Mới đây nhất, liên tiếp xuất hiện tình trạng một số cá nhân trình báo sai sự thật về các vụ cướp tài sản cũng như thông tin liên quan đến vụ 2 tử tù trốn khỏi trạm giam T16 - Bộ Công an. Hành vi này đã gây hoang mang trong nhân dân, tạo dư luận không tốt về tình hình an ninh trật tự, đồng thời làm mất thời gian xác minh của cơ quan chức năng.

“Tự vẽ” ra bị tử tù cướp rồi… trình báo công an

Mới đây nhất, liên quan đến vụ việc 2 tử tù bỏ trốn khỏi trại giam, trên địa bàn TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đã liên tiếp xuất hiện tình trạng một số cá nhân trình báo sai sự thật về các vụ cướp tài sản. Cụ thể, trong lúc lực lượng công an đang ráo riết truy lùng tử tù Lê Văn Thọ (tức Thọ “sứt”) và Nguyễn Văn Tình vượt ngục táo tợn thì Công an TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) bất ngờ nhận được trình báo về việc một số người dân bị 2 đối tượng này cướp tài sản. Tại cơ quan công an, nạn nhân Đoàn Văn Tính (36 tuổi, ở phường Phương Đông, TP Uông Bí, Quảng Ninh) khai, vào sáng sớm ngày 14/9 có chở 2 nam thanh niên có đặc điểm giống với 2 tử tù trốn trại từ Hạ Long đi huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình). Khi đến khu vực huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng) lái xe Tính bị đối tượng ngồi trên ghế phụ cướp 1 điện thoại rồi tiếp tục bắt anh Tính chở về Đông Hưng?! Tuy nhiên, trước thái độ khai báo không thành khẩn, thông tin trình bày bất nhất, cơ quan điều tra đã làm rõ rằng việc khai báo của anh Tính là sai sự thật và nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân.

Đoàn Văn Tính, người trình báo sai sự thật vụ cướp tài sản liên quan đến vụ việc 2 tử tù bỏ trốn. (Ảnh: Cơ quan công an cung cấp).

Cũng vào ngày 14/9, chị Dương Thị Giang (25 tuổi, ở phường Hà Khẩu, TP. Hạ Long), gọi điện đến công an trình báo vừa bị 1 nam thanh niên đột nhập vào nhà mình qua đường mái ngói khống chế lấy 2 nhẫn vàng ta, 1 dây chuyền vàng tây, 10 triệu đồng cùng 1 điện thoại di động rồi bỏ trốn. Tiến hành khám nghiệm hiện trường, cơ quan công an xác định phần ngói bị dỡ trên mái nhà mà nạn nhân khai kẻ gian đã đột nhập để vào có kích thước là 12x28cm, không thể chui được người qua. Ngoài ra, phần trần nhựa phía dưới mái ngói được cắt từ phía dưới lên. Ngay sau đó, cơ quan điều tra đã triệu tập chị Giang đến làm việc nhưng chị này không hợp tác để làm rõ các mâu thuẫn trong trình báo của mình (?!).

Trước đó, vào chiều ngày 13/9, Nguyễn Thành Công (SN 1995, ở tổ 11, khu 4B, phường Hùng Thắng, TP. Hạ Long) đến trình báo về việc tối hôm trước sau khi rút tiền tại cây ATM của Ngân hàng BIDV gần khách sạn Novotel thì bị một nam thanh niên đội mũ bảo hiểm gí dao vào lưng khống chế, cướp 1 điện thoại di động và 1 dây chuyền vàng tây trị giá 7 triệu đồng. Sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, lực lượng chức năng đã tiến hành xác minh thì Công mới khai nhận thực ra chiếc dây chuyền bị mất từ hai hôm trước, tiếp đó Công đi hát karaoke, do say rượu không nhớ để quên điện thoại ở đâu. Sau đó về nhà bị bố mẹ mắng nên Công đã nói dối là bị cướp rồi lên cơ quan công an... trình báo.

Hậu quả khôn lường từ hành vi tung tin giả

Liên quan đến các hành vi trên, Đại tá Lê Duy Tấn, Trưởng Công an TP. Hạ Long, Quảng Ninh cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn liên tiếp xuất hiện tình trạng một số cá nhân trình báo sai sự thật về các vụ cướp tài sản, đặc biệt là đưa ra thông tin liên quan đến các tử tù trốn khỏi trại giam. Kết quả xác minh của công an cho thấy, những người này do ăn chơi, chi tiêu cá nhân quá đà hoặc làm mất tài sản nên đã “tự vẽ” ra việc mình bị cướp rồi trình báo với cơ quan công an. Hiện Công an TP. Hạ Long đang hoàn thiện hồ sơ để xử phạt một số cá nhân về hành vi “báo thông tin giả đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Tử tù Lê Văn Thọ (áo trắng) trốn trại đã bị lực lượng công an bắt giữ, tuy nhiên những tin giả từ người dân đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến lực lượng chức năng.

Đáng chú ý, việc tung tin giả về các đối tượng tử tù bỏ trốn khỏi trại giam trong thời điểm lực lượng công an đang trong quá trình truy bắt các đối tượng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến lực lượng chức năng. Những thông tin “ăn theo” đó đã khiến cơ quan điều tra mất thêm một khoảng thời gian để xác minh, tìm hiểu. Trong khi đó, thời gian trong điều tra là yếu tố mang tính quyết định, bởi chỉ chậm vài phút, đối tượng có thể trốn đi nơi khác. Cái giá của sự ăn theo này, không chỉ là những mất mát về thời gian, công sức và tiền của của cơ quan điều tra mà còn là yếu tố gây nguy hại cho xã hội. Bởi, nếu các tử tù trốn thoát vì sự chậm trễ của cơ quan điều tra, rất có thể những tai họa khác lại có dịp giáng xuống đầu những người dân lương thiện khác.

Hiện nay, việc trình báo sự việc sai sự thật đến các cơ quan chức năng nhằm mục đích này hay mục đích khác ngày càng trở nên phổ biến. Với nhiều người còn sẵn sàng tung những tin đồn thất thiệt và xem như đây là một hình thức để giải tỏa stress khá hiệu quả. Tuy nhiên, đôi khi những câu chuyện tưởng chừng như vô hại này lại có thể trở thành hành vi cấu thành tội phạm vì những hậu quả khôn lường mà nó gây ra. Đối với các vấn đề về an ninh trật tự, tin đồn thất thiệt gây hoang mang, bất an trong dư luận. Liên quan đến đời tư với những thông tin không chính xác, hậu quả sẽ làm cho bản thân và gia đình người bị đưa tin điêu đứng. Do đó, trước mọi thông tin “nhạy cảm” được đồn thổi, nhất là hiện nay khi mạng xã hội đang phổ biến, mọi người cần kiểm chứng kỹ càng trước khi lan truyền hoặc chia sẻ, tránh rơi vào bẫy kẻ xấu, để pháp luật phải xử lý theo những mức độ vi phạm khác nhau.

T. Vinh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/vach-tran-nhung-vu-an-theo-thong-tin-tu-tu-tron-trai-n136530.html