Vạch trần 'đại mưu đồ' thôn tính khu Bờ Tây của Israel

Theo dự kiến, ngày 1-7 là ngày chính phủ Israel chính thức sáp nhập 30% lãnh thổ Bờ Tây và Thung lũng Jordan, song sự kiện này đã không diễn ra. Âm mưu lớn của Israel nhằm thôn tính khu Bờ Tây đang bị vạch trần.

Hôm 5-7, Tổng thư ký Ủy ban điều hành Phong trào Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat tuyên bố Palestine đang vận động sự ủng hộ của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm xây dựng một liên minh quốc tế để phản đối kế hoạch sáp nhập một phần Bờ Tây của Israel. Ông cho biết Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã trao đổi với nhiều nhà lãnh đạo thế giới để tìm kiếm sự đồng thuận nhằm đảm bảo mọi hành vi sáp nhập lãnh thổ của Palestine mà Israel thúc đẩy đều sẽ đồng nghĩa với việc người Palestine không còn bị ràng buộc bởi các cam kết đã ký với Israel và Mỹ.

Trang mạng wrp.org.uk bình luận: “Sau 5 thập kỷ chiếm đóng, Israel đã quyết định giờ là thời điểm để mở rộng chủ quyền tới các vùng định cư Do Thái bất hợp pháp trên 1/3 lãnh thổ Bờ Tây. Netanyahu cho rằng chính quyền Trump đã đem lại cho họ một cơ hội “ngàn năm có một” để thúc đẩy tham vọng này. Netanyahu đang từng bước tiến đến mục tiêu sáp nhập, với bước đầu là sáp nhập ba khu định cư chính liền kề sông Jordan.

Điều này sẽ mở đường cho Israel thâu tóm vĩnh viễn vùng đất lịch sử của Palestine. Nhưng Netanyahu sẽ không dừng ở đó. Để gia tăng danh tiếng, bất chấp những vết nhơ vì cáo buộc tham nhũng, Netanyahu đang cố xây dựng hình ảnh mình như “Quốc vương Israel”, người hoàn thành kế hoạch của phe cánh hữu Phúc âm tại Mỹ và Israel về quyền kiểm soát của Israel đối với Palestine”.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ dù hành vi xâm chiếm bất hợp pháp các vùng đất Palestine của Israel được truyền thông đăng tin ồ ạt với một tuyên bố về chủ quyền và dù chiến dịch gia tăng sau từng ngày, từng tuần, và từng tháng, thì trên thực tế Israel đã thâu tóm toàn bộ khu Bờ Tây – không phải 30% diện tích mà là toàn bộ vùng đất này.

Luật pháp quốc tế xem mọi khu định cư Do Thái mà Israel xây dựng trên vùng lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine sau chiến tranh năm 1967 là phi pháp. Điều đáng nói là Israel cũng dùng từ “phi pháp” khi nhắc đến những khu định cư, nhưng chỉ để nói về những “tiền đồn” được dựng nên tại Vùng Lãnh thổ Chiếm đóng mà không có sự đồng thuận của Chính phủ Israel.

Một khu định cư bất hợp pháp của Israel ở khu Bờ Tây. Ảnh tư liệu

Một khu định cư bất hợp pháp của Israel ở khu Bờ Tây. Ảnh tư liệu

Nói cách khác, Israel xem phần lớn các khu định cư ở phần lãnh thổ chiếm đóng là “hợp pháp,” và những phần còn lại có thể được hợp pháp hóa thông qua các kênh chính thức. Trên thực tế, phần nhiều trong số khoảng 132 khu định cư “hợp pháp” tại Bờ Tây – nơi sinh sống của gần nửa triệu người định cư Do Thái – được xác định là các tiền đồn bất hợp pháp.

Lập luận trên có thể thỏa mãn ý đồ của Chính phủ Israel nhằm đảm bảo kế hoạch thâu tóm lãnh thổ Palestine diễn ra theo đúng lộ trình đã vạch sẵn, song lại hoàn toàn mâu thuẫn với luật pháp quốc tế. Trên thực tế, Israel đã nhiều lần vi phạm cam kết luật pháp quốc tế với tư cách một quốc gia chiếm đóng khi việc nước này xâm phạm lãnh thổ Palestine là hành vi đi ngược lại các quy định về chiếm đóng quân sự. Chiếm đóng quân sự khác với sáp nhập. Chiếm đóng quân sự chỉ là hình thức diễn ra tạm thời, và sau đó quốc gia chiếm đóng phải dần rút lực lượng kiểm soát vùng lãnh thổ chiếm đóng. Trong khi đó, sáp nhập lại là việc làm vi phạm nghiêm trọng Công ước Geneva và Công ước LaHaye, thậm chí có thể bị so sánh với các tội phạm chiến tranh.

Phản ứng gay gắt của cộng đồng quốc tế trước kế hoạch sáp nhập 1/3 khu Bờ Tây là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là trên thực tế, việc Israel vi phạm các quy định về chiếm đóng lại chỉ là “vỏ bọc” để họ âm thầm sáp nhập toàn bộ khu Bờ Tây. Bởi vậy, khi EU yêu cầu Israel từ bỏ kế hoạch sáp nhập kể trên, liên minh về cơ bản chỉ có thể đòi hỏi Israel tôn trọng hiện trạng – nói cách khác là “tự tôn trọng” việc họ đã sáp nhập khu vực này.

Israel lợi dụng các Vùng Lãnh thổ Chiếm đóng như thể đây là các khu vực liền kề vốn thuộc về Israel ngay từ sau chiến tranh tháng 6-1967. Chỉ trong vòng vài năm, Israel đã dựng nên hàng loạt khu định cư bất hợp pháp và giờ là những TP đông đúc, đưa hàng trăm nghìn cư dân tới sinh sống tại những vùng lãnh thổ mới có được này.

Âm mưu ngày càng trở nên tinh vi hơn theo thời gian, trong khi người Palestine từng bước trở thành nạn nhân của một cuộc truy quét sắc tộc chậm rãi nhưng không thể ngăn chặn. Kịch bản sau năm 1967 là sự tái diễn của những gì từng xảy ra sau năm 1948, dẫn đến việc hình thành nhà nước Israel trên tàn dư của Palestine. Israel có cùng cách tiếp cận với Đông Jerusalem và khu Bờ Tây sau chiến tranh. Đông Jerusalem được chính thức sáp nhập vào năm 1980, trong khi Bờ Tây được sáp nhập một cách âm thầm bởi lý do duy nhất là nhân khẩu học. Khi lần đầu tiên chiếm đóng phía Đông Jerusalem, Israel đã mạnh tay thực hiện một chiến dịch thay đổi cư dân và giờ số lượng người Palestine tại khu vực này đã bị thu hẹp đáng kể.

Do diện tích lớn và số dân cư đông đúc tại Bờ Tây, Israel không thể dùng cùng một chiến thuật như ở phía Đông Jerusalem. Chia khu bờ Tây thành Khu A, Khu B, và Khu C – kết quả của Hiệp ước Oslo – là cách để Israel xoay xở với tham vọng của mình. Israel vẫn có thể từng bước đẩy mạnh các hoạt động định cư tại Khu C mà không tạo áp lực quá lớn gây nên mất cân bằng về nhân khẩu học. Khu C, nơi diễn ra kế hoạch sáp nhập dự kiến, là ý tưởng của chủ nghĩa đế quốc Israel, bởi đây là khu vực giàu tài nguyên, có diện tích đất canh tác lớn và dân cư thưa thớt.

Những tuyên bố chính thức của Israel về thời gian hay cách thức sáp nhập một phần Bờ Tây chẳng còn mấy ý nghĩa. Điều dư luận cần làm không nên bị những định nghĩa “kỳ quặc” của Israel làm cho bối rối. Sự thật là Israel vẫn thường xuyên hành xử như một quốc gia không chỉ tha thứ hay chấp nhận hành vi truy quét sắc tộc và diệt chủng, mà trên thực tế còn “hợp pháp hóa” những điều đáng lên án này.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vach-tran-dai-muu-do-thon-tinh-khu-bo-tay-cua-israel-200784.html