Vạch màn bí mật loạt bom thư gửi đến các chính trị gia Dân chủ Mỹ?

Ít nhất 5 thiết bị nổ tự chế và bưu kiện khả nghi gửi đến nhà của các thành viên kỳ cựu của đảng Dân chủ Mỹ và trụ sở hãng CNN tại New York bị phát hiện trong tuần qua, phải chăng nhằm mục đích tung hỏa mù, gây nhiễu trước thềm bầu cử giữa kỳ.

Cựu Tổng thống Barack Obama và chính trị gia Hillary Clinton là hai mục tiêu bị gửi bom thư. Ảnh: Getty

Ngày 24/10, báo chí bất ngờ đưa tin về hai bưu kiện nguy hiểm đã bị chặn đứng trước khi được gửi vào nhà của cựu Tổng thống Barack Obama và cựu Tổng thống Bill Clinton. Một bưu kiện khác chứa bom tự chế dạng ống cùng một bì thư chứa chất bột trắng đã được phát hiện tại phòng văn thư của CNN.

Tin tức này đã khởi đầu một làn sóng dồn dập các báo cáo về việc thêm nhiều bưu kiện khả nghi được gửi đến các chính trị gia khác, bao gồm cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân chủ Debbie Wasserman Schultz cùng nữ nghị sĩ Maxine Moore Waters. Theo tiết lộ ban đầu của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), tất cả các gói khả nghi trên đều ghi cùng địa chỉ người gửi là bà Debbie Wasserman Schultz.

Trong khi đó, những thông tin giả mạo về một quả bom được gửi đến Nhà Trắng nhanh chóng lan rộng khiến thành viên của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa xôn xao đưa ra những giả thuyết về kẻ đứng đằng sau loạt vụ bom thư có chủ đích này.

Theo tờ Wired, với bất kỳ mẩu tin nóng giật gân nào xuất hiện trên mạng, thông điệp bạn nhận được từ chúng không phải lúc nào cũng đại diện cho sự thật. Dưới đây là những gì chúng ta nắm được về vụ việc này cho đến hiện tại.

Chuyện gì đã xảy ra?

Tối 22/10, một thiết bị nổ được tìm thấy tại nhà tỷ phú George Soros – người ủng hộ rất nhiều tiền cho đảng Dân chủ - ở ngoại ô thành phố New York. Một nhân viên chăm sóc cho ông Soros đã phát hiện quả bom dạng ống gắn kíp nổ, được cho là chuyển tay đến chứ không qua đường đưa thư, rồi báo cảnh sát. Lực lượng chống khủng bố của FBI đang điều tra vụ việc, song chưa đưa ra kết luận.

Tiếp đến, sáng sớm 24/10, tin tức về ba quả bom khác lại xuất hiện tràn ngập mặt báo. Theo Cơ quan Mật vụ Mỹ, tối hôm trước, các mật vụ đã ngăn chặn thành công môt “gói khả nghi” gửi đến bà Hillary Clinton theo địa chỉ nhà riêng của bà tại Chappaqua, New York. Sáng hôm sau, cơ quan an ninh này lại phát hiện một gói bưu kiện thứ hai gửi đến nhà ông Obama ở Washington, D.C.

"Các bưu kiện ngay lập tức được giám định qua các thủ tục kiểm tra thư từ thông thường là thiết bị nổ tiềm năng và được xử lý thích hợp", Cơ quan Mật vụ thông báo, "Cả hai gói bưu phẩm đã bị ngăn chặn trước khi được chuyển đến địa chỉ dự định”.

Gói bưu kiện khả nghi được gửi đến trụ sở văn phòng CNN, khiến cả tòa nhà Trung tâm Time Warner phải sơ tán. Ảnh: Getty

Không lâu trước khi tin tức này nổ ra, văn phòng CNN tại Trung tâm Time Warner ở New York đã phải sơ tán nhân viên sau khi phòng văn thư nhận được một gói khả nghi. Phát biểu trước báo chí, Cảnh sát trưởng New York James O'Neill xác nhận bưu kiện chứa một “thiết bị nổ hoạt động” và một phong thư đựng đầy bột trắng. Theo FBI, thiết bị này được gửi đến cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan.

“Đây rõ ràng là một hành vi khủng bố nhằm làm suy yếu tự do báo chí và các nhà lãnh đạo quốc gia thông qua các hành động bạo lực”, Thị trưởng thành phố New York Bill De Blasio phát biểu.

Cũng trong ngày 24/10, cảnh sát đã ghi nhận vụ việc một bưu kiện khả nghi gửi đến văn phòng của nữ chính trị gia Wasserman Schultz tại Floria. Tất cả các bưu kiện này đều được gói bằng phong bì giấy manila, với 6 dấu tem và giấy in địa chỉ. Trong khi FBI mới chỉ xác nhận 5 mục tiêu, bưu kiện thứ 6 do một cơ quan văn thư của Quốc hội Mỹ phát hiện và được gửi đến Nghị sĩ Maxine Waters của đảng Dân chủ tại California đang được điều tra. FBI hiện chưa xác định bà Waters là một mục tiêu bị tấn công.

Giới chức năng nói gì?

Đầu tiên, giới chức liên bang và địa phương đang tiến hành điều tra các vụ việc.

“Cuộc điều tra này là ưu tiên cao nhất của FBI. Chúng tôi cam kết triển khai toàn bộ sức mạnh các nguồn lực của FBI và cùng với các đối tác Lực lượng Đặc nhiệm chống Khủng bố, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để xác định và bắt giữ bất cứ ai chịu trách nhiệm gửi những bưu kiện này”, Giám đốc FBI Christopher Wray nói.

Họ không hề bình luận về khả năng đối tượng chế bom là ai hay động cơ tiềm tàng của chúng. Tổng thống Donald Trump lên án: “Các hành động hoặc đe dọa bạo lực chính trị dưới bất kỳ dạng nào đều không được chấp nhận tại Mỹ. Chúng tôi vô cùng tức giận, buồn, hài lòng về những gì chúng tôi chứng kiến sáng nay, và chúng tôi sẽ đi đến tận cùng của vấn đề”.

Chó nghiệp vụ được đưa đến tìm kiếm vật khả nghi bên ngoài tòa Time Warner. Ảnh: Getty

Tuy nhiên, việc các thông tin về thủ phạm hầu như chưa sáng tỏ đã khiến cánh tả cáo buộc phe đối lập của họ âm mưu tấn công. Đáp lại, phe cánh hữu lại khăng khăng loạt vụ bom thư là tấn công “cờ giả” tung hỏa mù.

Gây nhiễu thông tin

Giới quan sát cho rằng, nỗi lo sợ đánh bom đã tạo nên một cơn bão hoàn hảo để tung hỏa mù thông tin trước tình hình cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ sẽ diễn ra vào ngày 6/11 tới.

Ban đầu, loạt tin nóng xuất hiện, luôn cùng với các lỗ hổng chưa có lời giải như: Ai đã gửi các bưu kiện? Ai là người nhận? Thứ gì bên trong? Chúng có thật sự đều là bom? Cùng với thực tế những người liên quan đều là các chính trị gia cấp cao, nhân vật nổi tiếng trong chính trường Mỹ - những người luôn là đối tượng thường xuyên của các chiến dịch thông tin sai lệch và việc Mỹ chỉ còn ít ngày nữa sẽ tổ chức bầu cử giữa kỳ.

Công tác điều tra sẽ tốn thời gian, không chỉ bởi những bức thư này được gửi dạng thường qua hệ thống bưu cục. FBI cảnh báo rất có khả năng còn tồn tại những bưu kiện khả nghi khác nữa. Với việc các chính trị gia Mỹ được đưa vào tầm cảnh báo, khả năng sẽ còn nhiều thông tin giả mạo được phát đi khiến tình hình trở nên khó kiểm soát, trong lúc FBI và Cơ quan Bưu điện Mỹ đang phối hợp xâu chuỗi các sự việc lại với nhau.

Hoàng Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/vach-man-bi-mat-loat-bom-thu-gui-den-cac-chinh-tri-gia-dan-chu-my-20181025111236182.htm