Vaccine cúm mùa và nỗi lo 'dịch chồng dịch'

Dịch cúm mùa thường bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 2 hằng năm. Nhằm giảm nguy cơ quá tải bệnh nhân cúm tại các cơ sở y tế trong lúc dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường nhiều nước đã và đang tăng cường sản xuất, dự trữ vaccine cúm mùa.

Từng là một trong những ổ dịch Covid-19 của thế giới và đang nỗ lực tránh những đợt dịch mới, châu Âu hiểu rằng họ cần phải thực sự nghiêm túc và khẩn trương trong công tác phòng, chống dịch cúm mùa trước viễn cảnh “dịch chồng dịch” có thể xảy ra. Theo Reuters, Ủy ban châu Âu (EC) đã kêu gọi 27 quốc gia thành viên khởi động chương trình tiêm chủng cúm mùa sớm hơn và rộng hơn trong năm nay để giảm nguy cơ bùng phát cả bệnh cúm mùa và dịch Covid-19 vào mùa đông. Phó chủ tịch EC Margaritis Schinas nhấn mạnh, các chính phủ cần đầu tư mua dự trữ nhiều liều vaccine hơn và mở rộng đối tượng được tiêm chủng hơn. “Các nước nên bắt đầu tiêm chủng cho người dân ngay khi vaccine cúm sẵn sàng, thay vì đợi đến tháng 10-thời điểm tiêm phòng cúm mùa thường lệ ở lục địa già”, ông Margaritis Schinas khuyến nghị.

 Nhiều nước bắt đầu chương trình tiêm vaccine cúm mùa cho người dân sớm hơn mọi năm (Ảnh minh họa). Ảnh: CNN

Nhiều nước bắt đầu chương trình tiêm vaccine cúm mùa cho người dân sớm hơn mọi năm (Ảnh minh họa). Ảnh: CNN

Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, các công ty dược phẩm sẽ cung cấp gần 200 triệu liều vaccine cúm mùa trong năm 2020, tăng 20% so với năm 2019. Nhiều chuyên gia y tế Mỹ còn kêu gọi chính phủ liên bang phải phát động một chiến dịch tiêm chủng vaccine cúm mùa sâu rộng, thậm chí nếu cần sẽ bắt buộc tại các trường học, trong bối cảnh nước này vẫn đang gồng mình ứng phó với virus SARS-CoV-2. “Chúng tôi rất lo ngại mùa đông tới đây khi cúm mùa trở lại. Mọi người hiện chỉ quan tâm về dịch Covid-19 chứ không màng tới cúm mùa”, AFP trích lời Giáo sư Lawrence Gostin tại Đại học Georgetown (Mỹ). Năm 2019, CDC Mỹ ước tính số người Mỹ mắc cúm mùa dao động từ 39-56 triệu ca, trong đó từ 24.000-62.000 trường hợp tử vong.

Với động thái tương tự, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã chuẩn bị 31,2 triệu liều vaccine cúm mùa, tăng 7% so với năm ngoái và là mức cao nhất kể từ năm 2015. Giới chức của quốc đảo mặt trời mọc cũng khuyến cáo những người có triệu chứng cúm phải gọi điện đến đường dây nóng y tế trước khi đi xét nghiệm để đề phòng lây nhiễm tại các cơ sở khám chữa bệnh. “Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung ngăn ngừa cúm mùa cho các đối tượng có bệnh lý mạn tính hoặc sức đề kháng yếu”, Tiến sĩ Enami Takeshi, Giám đốc Văn phòng Tiêm chủng thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, chia sẻ.

Tại Hàn Quốc, nhà chức trách nước này cũng đang mua 30 triệu liều vaccine cúm mùa cho mùa đông, tăng 20% so với năm 2019. Theo thống kê, khoảng 30% dân số xứ sở kim chi, tương đương 19 triệu người, sẽ được tiêm phòng cúm mùa miễn phí, cao hơn nhiều so với mức 13,8 triệu người vào năm ngoái. Chính quyền Seoul cũng mở rộng các đối tượng tiêm phòng miễn phí, bao gồm trẻ em từ 6 tháng tới 18 tuổi, người trên 61 tuổi và phụ nữ có thai. Công ty sản xuất vaccine cúm lớn nhất Hàn Quốc là GC Pharma cho biết sẽ sản xuất hơn 10 triệu liều vaccine cúm mùa trong năm nay, tăng 1,5 triệu liều so với năm 2019.

Nhu cầu tiêm vaccine cúm mùa ở một số địa phương của Trung Quốc cũng tăng mạnh dù việc tiêm phòng này không được miễn phí, trong đó, riêng ở quận Trường Ninh, thành phố Thượng Hải đã tăng tới 50% so với cùng kỳ. Trong khi đó, Đài Loan coi cúm mùa là mối quan ngại lớn nhất cùng với dịch Covid-19 và lên kế hoạch cung cấp hơn 6 triệu liều vaccine cúm mùa miễn phí cho năm nay. Tại Anh, Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) cho biết nước này cần tăng số lượng vaccine cúm mùa thêm 30-40% so với thông thường. Australia cũng đã mua 16,5 triệu liều vaccine cúm mùa, tăng 3,3 triệu liều so với năm 2019; còn chính quyền thành phố Moscow của Nga bắt đầu chương trình tiêm chủng cúm mùa đại trà từ ngày 1-9 vừa qua.

Bệnh cúm mùa không quá nguy hiểm nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ với những biến chứng có thể gặp phải, như: Viêm phổi, viêm não, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh cúm, trong đó trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người bị các bệnh mạn tính và người già thường dễ mắc bệnh hơn và dễ bị biến chứng của bệnh hơn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cách phòng ngừa bệnh cúm mùa tốt nhất là tiêm vaccine phòng bệnh và thời điểm tốt nhất là trước khi cúm “vào mùa” từ 2 tuần đến 1 tháng. WHO khẳng định, điều này giúp giảm khoảng 60% các căn bệnh liên quan đến cúm và giảm khoảng 70-80% tỷ lệ bị tử vong do cúm gây ra.

Trong trường hợp làn sóng lây lan virus SARS-CoV-2 mới ập đến cùng thời điểm nhiễm cúm mùa, các cơ sở y tế sẽ đối mặt với tình trạng quá tải. Việc sớm tiêm chủng cúm mùa diện rộng được kỳ vọng làm giảm bớt số bệnh nhân đến chữa trị bệnh này vào mùa đông sắp tới, qua đó giúp các nước tập trung nguồn lực đối phó hiệu quả hơn với dịch Covid-19.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/vaccine-cum-mua-va-noi-lo-dich-chong-dich-635346