Vaccine Covid-19 Việt Nam đặt mua hiệu quả vượt xa mong đợi

Vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer là sản phẩm đầu tiên Mỹ cấp phép sử dụng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết vaccine này có hiệu quả chống virus tới 91,3%.

Cho đến thời điểm hiện tại, vaccine ngừa Covid-19 vẫn là dược phẩm được săn đón nhiều nhất thế giới. Hầu hết quốc gia đều mong muốn tiếp cận nguồn vaccine ngừa Covid-19 sớm nhất có thể.

Việt Nam cũng nỗ lực để có được nguồn vaccine đủ tiêm chủng cho người dân, từ đó đạt miễn dịch cộng đồng. Việt Nam đã đăng ký mua vaccine của AstraZeneca và Pfizer từ nhiều kênh, với hơn 170 triệu liều. Hai loại vaccine này có những hiệu quả và tỷ lệ gây tác dụng phụ khác nhau.

Hiệu quả

Theo New York Times, ngày 9/11/2020, Công ty Pfizer (trụ sở tại New York, Mỹ) và Công ty BioNTech (của Đức) đã làm nên lịch sử khi thông báo kết quả nghiêm cứu cho thấy vaccine Covid-19 của họ hiệu quả tới 91,3%, vượt xa mong đợi. Đây là vaccine đầu tiên trên thế giới đạt tới hiệu quả này trong thời điểm công bố nghiên cứu.

Chỉ hơn một tháng sau, ngày 11/12/2020, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine này và cũng là loại đầu tiên được nhận “giấy thông hành” ở xứ cờ hoa.

Vaccine của Pfizer/BioNTech có nhiều tên gọi như Comirnaty, Tozinameran hay BNT162b2; gồm 2 liều tiêm, mỗi mũi cách nhau 3 tuần. Nó được điều chế bằng phương pháp di truyền, đưa một hoặc nhiều đoạn gene của SARS-CoV-2 vào cơ thể để kích thích phản ứng miễn dịch.

Chế phẩm sinh học này cần phải bảo quản ở tủ đông trong nhiệt độ từ -25 độ C đến -15 độ C.

 Vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech là loại đầu tiên được cấp phép ở Mỹ. Ảnh: CNN.

Vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech là loại đầu tiên được cấp phép ở Mỹ. Ảnh: CNN.

Công trình nghiên cứu vaccine bắt đầu vào tháng 1/2020, khi các chuyên gia của BioNTech bắt đầu tạo ra phân tử di truyền hay mRNA (RNA thông tin) và xây dựng protein đột biến của nCoV. Khi được tiêm vào tế bào, vaccine khiến chúng tạo ra các protein đột biến, giải phóng vào cơ thể và kích thích phản ứng từ hệ thống miễn dịch.

Thử nghiệm giai đoạn 2, 3 của nó gồm 30.000 tình nguyện viên. Ngày 8/12/2020, FDA công bố phân tích độc lập cho thấy vaccine của Pfizer đạt hiệu quả tới 95%. Báo cáo cũng lưu ý vaccine không gây tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng nó thường khiến người tiêm mệt mỏi trong thời gian ngắn, sốt, đau cơ.

Ngày 2/12/2020, Chính phủ Anh cấp phép khẩn cấp cho vaccine này, sau đó, nhiều quốc gia khác cũng mở cửa đón chào sản phẩm của Pfizer. Ngày 31/12/2020, Tổ chức Y tế Thế giới thêm vaccine Pfizer vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đây là vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới đạt được điều này.

Sau đó, Israel, quốc gia đi đầu trong tiêm chủng hàng loạt, công bố nghiên cứu cho thấy vaccine có hiệu quả với cộng đồng tương tự các thử nghiệm lâm sàng trên người. Công trình của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khẳng định vaccine của Pfizer có hiệu quả tới 91,3% sau 2 liều.

Khi các biến chủng virus xuất hiện, nhiều chuyên gia lo ngại hiệu quả của vaccine sẽ bị giảm sút. Tháng 2, công ty sản xuất tiết lộ họ đang chỉnh sửa công thức vaccine để tăng cường khả năng phòng ngừa trước biến chủng Nam Phi B.1.351 và loại dành riêng cho phụ nữ có thai.

Một số nghiên cứu cảnh báo vaccine kém hiệu quả hơn với các biến chủng virus nCoV mới. Ảnh: National Geographic.

Hiện nay, ít nhất 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức chấp thuận sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer.

Trái ngược với Pfizer, vaccine của Công ty AstraZeneca (Thụy Điển) và Đại học Oxford (Anh) được điều chế theo công thức vector virus, tương tự Sputnik V. Nhà sản xuất thiết kế adenovirus vô hại mang gene của nCoV trong vaccine. Khi được tiêm vào cơ thể, virus vector sẽ xâm nhập tế bào, kích thích tạo ra protein đột biến.

Vaccine của AstraZeneca có tên gọi Vaxzevria hay AZD1222. Tại Ấn Độ, phiên bản của nó có tên Covishield và được chứng minh có hiệu quả cao trong chống lại biến chủng kép B.1.617 đang lây lan mạnh ở quốc gia này.

Vaccine của AstraZeneca được nhiều quốc gia lựa chọn vì dễ bảo quản, giá thành hợp lý. Ảnh: Reuters.

Ưu điểm của vaccine này là giá thành thấp, dễ bảo quản hơn Pfizer (nhiệt độ 2-8 độ C thay vì đông lạnh, trong ít nhất 6 tháng). Theo dữ liệu do đơn vị sản xuất công bố, hiệu quả ngừa Covid-19 của vaccine này là 76%, trong vòng 22-90 ngày sau khi tiêm một liều duy nhất. Ngoài ra, nó có hiệu quả 100% đối với bệnh nặng và nhập viện. Dữ liệu tạm thời trước đó cho thấy hiệu quả của vaccine này là 70,4% trong các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn.

Chi phí thấp và dễ bảo quản là ưu điểm giúp nó trở nên hấp dẫn với các quốc gia đang tìm cách thoát khỏi đại dịch. Anh và Argentina là những quốc gia đầu tiên cấp phép khẩn cấp sử dụng vaccine của AstraZeneca trong trường hợp khẩn cấp. Sau đó là đến Ấn Độ. Quốc gia này phê duyệt phiên bản có tên Covidshield do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất.

Ngày 16/2, WHO khuyến nghị sử dụng vaccine của AstraZeneca trong trường hợp khẩn cấp ở người trên 18 tuổi.

Vaccine của AstraZeneca đang là loại được sử dụng tại Việt Nam. Ảnh: Chí Hùng.

Tuy nhiên, một số lo ngại xuất hiện xung quanh vaccine này khi Chính phủ Nam Phi buộc phải dừng việc tiêm chủng vào ngày 7/2 vì nó kém hiệu quả với biến chủng mới B.1.351.

Sau đó, nhiều quốc gia tại châu Âu từ chối hoặc dừng tiêm vaccine AstraZeneca vì hiện tượng xuất hiện các cục máu đông ở những người trẻ tuổi. Tháng 5, Na Uy xóa bỏ sản phẩm này khỏi chiến dịch tiêm chủng của họ.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu và WHO kết luận đây là tác dụng phụ rất hiếm gặp. Hiệu quả của vaccine vượt trội hơn nguy cơ có thể xảy ra.

Tỷ lệ gặp tác dụng phụ

Vấn đề này được nghiên cứu trong công trình của nhóm tác giả Đại học King's College London, Anh, công bố trên tạp chí The Lancet ngày 27/4. Nghiên cứu so sánh mức độ an toàn của hai loại vaccine này trên người dân đã tiêm chủng tại Anh với kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Số lượng điều tra gồm 672.383 người (từ 16–99 tuổi); trong đó, 282.103 tiêm một mũi, 28.207 người tiêm 2 mũi Pfizer; 345.280 người tiêm một mũi AstraZeneca. Kết quả được đưa ra như sau:

Nhóm chuyên gia cũng đưa kết luận phản ứng sau tiêm của cả hai vaccine trên đều thấp hơn so với thử nghiệm giai đoạn 3. Chúng đều có tác dụng (hiệu lực) bắt đầu từ ngày thứ 12 sau tiêm.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vaccine-covid-19-viet-nam-dat-mua-hieu-qua-vuot-xa-mong-doi-post1217405.html