Vaccine Covid-19 về Việt Nam có thể bị chậm

Do nguồn cung trên thế giới gặp khó khăn, số vaccine Covid-19 về Việt Nam có thể bị chậm hơn so với dự kiến ban đầu...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bộ Y tế ngày 23/3 thông tin số vaccine phòng Covid-19 về Việt Nam có thể bị lùi thời gian so với dự kiến, do nguồn cung trên thế giới cũng đang gặp khó khăn.

Theo Bộ Y tế, hiện các nguồn cung ứng vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam bao gồm nguồn hỗ trợ của COVAX Facility, Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), UNICEF, Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), các nhà sản xuất vaccine.

Trước đó, theo thông báo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), ngày 25/3 lô vaccine đầu tiên từ nguồn COVAX Facility với 1,37 triệu liều vaccine của AstraZeneca trong cam kết hỗ trợ 30 triệu liều sẽ về đến Việt Nam. Lô tiếp theo với 2,8 triệu liều sẽ tiếp tục về Việt Nam vào cuối tháng 4.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết do nguồn cung trên thế giới khó khăn, việc xuất khẩu vaccine tại các nước sản xuất bị hạn chế, các lô vaccine này có thể bị lùi thời gian cung ứng. Bên cạnh đó, số vaccine được COVAX cung ứng còn lại dự kiến về Việt Nam vào quý 3/2021 có thể bị lùi thời gian sang năm 2022.

Ngoài ra, lô vaccine với tổng số 29,87 triệu liều được Bộ Y tế đặt mua thông qua Hệ thống tiêm chủng VNVC dự kiến về đến Việt Nam vào tháng 4 (1,48 triệu liều), tháng 5 (2,76 triệu liều), tháng 6 (5,04 triệu liều), tháng 7 (7,32 triệu liều) và tháng 8 (13,27 triệu liều) cũng có thể bị chậm so với dự kiến ban đầu.

Hiện nay, để có nguồn cung ứng vaccine với mục tiêu đảm bảo bao phủ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người dân Việt Nam, Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán mua vaccine Pfizer của Mỹ. Cuối tuần qua, hãng này đã thông báo có thể cung ứng cho Việt Nam 31 triệu liều, song hiện chưa rõ lộ trình cung ứng chi tiết.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cho biết, vaccine của Pfizer yêu cầu bảo quản ở âm 70 độ C và tiêm trong 5 ngày sau khi rã đông, nên nếu không tiêm kịp trong thời hạn đó vì những lý do khách quan thì sẽ gây lãng phí. Thực tế tiêm vaccine này tại Mỹ cho thấy tỷ lệ không sử dụng ở mức cao.

Trong tuần này, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đàm phán với hãng Johnson& Johnson và các nhà sản xuất khác để tìm nguồn cung ứng vaccine.

Trong ngày 23/3, Bộ Y tế đã phê duyệt thêm vaccine Covid-19 Sputnik V của Nga, đây là vaccine ngừa Covid-19 thứ 2 được Việt Nam phê duyệt cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sau vaccine của AstraZeneca.

Trước đó, hồi cuối tháng 2, đã có 117.600 liều vaccine của hãng AstraZeneca do SK Bio Hàn Quốc sản xuất đã về đến Việt Nam và được triển khai tiêm chủng từ ngày 8/3. Đến hết ngày 22/3, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 36.082 người.

Từ nay đến cuối tháng 3, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia sẽ tổ chức các khóa tập chuyên môn cho 44 tỉnh còn lại để sẵn sàng cho triển khai khi đợt vaccine Covid-19 tiếp theo về đến nước ta.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/vaccine-covid-19-ve-viet-nam-co-the-bi-cham-20210323162420142.htm