Vaccine COVID-19 không có khả năng gây ra chứng viêm đa hệ hiếm gặp ở trẻ em

Theo phân tích dữ liệu của Mỹ được công bố hôm 22/2, vaccine COVID-19 không có khả năng gây ra tình trạng viêm hiếm gặp liên quan đến virus SARS-CoV-2 ở trẻ em.

Một bé trai ở Anh nghi mắc hội chứng viêm đa hệ thống liên quan đến COVID-19. Ảnh: Daily Mail

Một bé trai ở Anh nghi mắc hội chứng viêm đa hệ thống liên quan đến COVID-19. Ảnh: Daily Mail

Theo hãng tin AP, tình trạng viêm hiếm gặp ở trẻ em sau khi mắc COVID-19 chính thức được gọi là hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). Hội chứng này thường gây ra các triệu chứng như sốt, ảnh hưởng đến ít nhất hai cơ quan nội tạng lớn trong cơ thể, thường bao gồm đau dạ dày, phát ban trên da hoặc mắt đỏ. Một số trường hợp MIS-C còn ảnh hưởng đến tim. Một nửa số trẻ mắc MIS-C bị suy giảm chức năng tâm thất trái, buồng tim có chức năng bơm máu giàu ôxy đi nuôi cơ thể.

Đây là biến chứng hiếm gặp ở trẻ em đã sau khi khỏi bệnh COVID-19 và rất hiếm khi ảnh hưởng đến người lớn. Tình trạng này thường khiến trẻ phải nhập viện, nhưng hầu hết bệnh nhân đều hồi phục.

Hội chứng viêm đa hệ thống được ghi nhận lần đầu tại Anh vào đầu năm 2020. Tình trạng này đôi khi bị nhầm với bệnh Kawasaki ở trẻ, có thể gây phù nề và các vấn đề về tim. Kể từ tháng 2/2020, Mỹ đã ghi nhận trên 6.800 trường hợp trẻ mắc hội chứng MIS-C, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ.

Trong nhiệm vụ giám sát an toàn vaccine COVID-19, CDC và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã bổ sung tình trạng MIS-C vào danh sách một số tác dụng phụ tiềm ẩn cần được quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện một số trường hợp mắc hội chứng này chưa từng nhiễm virus SARS-CoV-2 và họ đã tiến hành phân tích mới. Kết quả được công bố trên tạp chí The Lancet Child & Adolescent Health hôm 22/2.

Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Buddy Creech - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa của Đại học Vanderbilt, người đứng đầu một nghiên cứu về vaccine Moderna cho trẻ em - cho biết khả năng vaccine COVID-19 gây ra tình trạng MIS-C chỉ là lý thuyết và phân tích không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy điều đó xảy ra.

Nhân viên y tế tiêm chủng cho học sinh tại một trường học ở New Orleans vào ngày 25/1. Ảnh: AP

Phân tích liên quan đến dữ liệu giám sát trong 9 tháng đầu tiên tiêm vaccine COVID-19 ở Mỹ, từ tháng 12/2020 đến tháng 8/2021. Trong thời gian đó, FDA đã phê duyệt vaccine Pfizer cho thanh thiếu niên trên 16 tuổi, sau đó là nhóm trẻ từ 12-15 tuổi. Nhóm trên 18 tuổi được tiêm vaccine của hãng Moderna và Johnson & Johnson.

Trên 21 triệu người trong nhóm từ 12-20 tuổi đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19 trong thời gian này. Tuy nhiên chỉ có 21 người trong số đó phát triển tình trạng viêm đa hệ thống. Phân tích cho thấy tất cả mọi người đều đã được vaccine của Pfizer. Họ phát hiện 15 trong số 21 người này đã từng nhiễm COVID-19 trước đó và các chuyên gia cho rằng đây có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng MIS-C.

Sáu người còn lại không có bằng chứng đã nhiễm virus SARS-CoV-2 trước đó. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết họ không thể kết luận rằng những người này chưa từng mắc COVID-19 hoặc một số bệnh nhiễm trùng khác có thể dẫn đến tình trạng viêm. Trong khi trẻ em mắc COVID-19 thường không có triệu chứng và nhiều trẻ không được xét nghiệm.

Kết quả cho thấy tình trạng viêm chỉ có thể xảy ra sau khi tiêm chủng ở 1/1 triệu trẻ em đã từng mắc COVID-19 và 1/3 triệu triệu trẻ em không có bằng chứng mắc COVID-19 trước đó.

Tiến sĩ Mary Beth Son của Bệnh viện Nhi đồng Boston đã viết trong một bài bình luận đi kèm với nghiên cứu: “Nhìn chung, phát hiện này khá an tâm”.

Tiến sĩ Adam Ratner, nhà khoa học nhi khoa tại Đại học New York Langone Health, cho biết kết quả này chỉ ra rằng vaccine COVID-19 có cơ hội “siêu hiếm” gây ra tình trạng viêm đa hệ thống. Ngược lại, có nhiều bằng chứng chắc chắn rằng tiêm chủng có thể bảo vệ trẻ em trước nguy cơ mắc COVID-19 và tình trạng này.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/vaccine-covid19-khong-co-kha-nang-gay-ra-chung-viem-da-he-hiem-gap-o-tre-em-20220223120946784.htm