'Vắc xin' khen - chê

Khen và chê, có thể được xem như hai 'gia vị' của cuộc sống. Nhưng chê thế nào cho hợp lý và khen thế nào để tạo động lực là điều không phải dễ, đặc biệt với mỗi đứa trẻ.

Ảnh có tính chất minh họa. Ảnh: Thủy Thái.

Đầu năm học, gặp các thầy cô giáo, họp phụ huynh, rồi kiểm tra chất lượng đầu năm, chắc chắn sẽ có không ít bà mẹ bị cô giáo than phiền. Cháu chậm quá, kém quá, lười chơi quá, học toàn lo chơi, không chú ý, thua các bạn nhiều quá. Chết mất thôi, cháu viết tay trái à? Tình hình này thì lo lắm, không theo kịp chương trình đâu! Gay quá chị ơi…

Rơi vào tình cảnh đó, có bà mẹ nào sẽ đau khổ tự oán trách mình: Biết vậy cho con đi học thêm nhiều nhiều… Vì thế này mà thế này… Có mẹ nào lại rơi vào lo lắng: Bị bạn bè cười, cô giáo chê, con sẽ tủi thân, tự ti, mặc cảm, chán học luôn thì sao?

Bản thân tôi rất hiểu điều đó bởi đã từng rơi vào suy sụp bế tắc khi mình từng bị chê, bị hiểu nhầm hoặc bị đánh giá thấp. Cảm giác này ám ảnh, đeo bám như một căn bệnh. Một căn bệnh có thể quật ngã hoàn toàn một người to cao khỏe mạnh, có thể điều khiển một người rất giỏi rớt hoài không phanh.

Vậy tại sao không tiêm vắc xin cho “căn bệnh” ấy nhỉ!

Loại “vắc xin” số 1 mà tôi luôn muốn nhắc với các mỗi đứa trẻ: Tất cả chúng ta đều khác nhau. Phong độ chỉ là nhất thời, nên đừng quá tin vào những sự so sánh xếp loại.

Bộ môn quan trọng mà nhà trường chưa dạy các em chính là định vị bản thân. Ta là ai? Ta có thế mạnh gì? Yếu lĩnh vực gì? Thiếu điều gì? Ta đam mê cái gì? Điều này tất cả những đứa trẻ cần phải biết. Bình tĩnh và càng tỉnh càng tốt!

"Vắc-xin" số 2 là làm quen với khen, chê: Thực ra, được yêu thương, được ghi nhận, là mong muốn của mọi người không chỉ riêng gì những đứa trẻ. Cuộc sống luôn bao gồm nhiều mặt, có mặt tốt và mặt xấu. Có người yêu ta nhưng cũng sẽ ngay lập tức có người ghét ta. Có người khen sẽ có người chê. Không ai chỉ có fans mà không có antifans cả!

Tôi cũng đã từng trải qua cảm giác bị tổn thương đau đớn ấy. Những ngày đầu tiên khi bị ai đó chê hoặc chửi mình, mình sẽ lao vào thanh minh, giải thích, rồi khóc, rồi mất ngủ. Mình sợ làm người thân thất vọng về mình.

Nhớ hồi mới thay đổi công việc, tôi cũng từng được khen, lao vào làm việc hùng hục, bất kể giờ giấc. Đêm khuya 2, 3g sáng vẫn thao thức suy nghĩ, rồi 5g sáng dậy ôm ngay máy tính. Cứ điên cuồng như thế được hơn 1 năm thấy mình đuối quá phải nghỉ. Sau đó, suốt 3 tuần liền, dù không sốt, không ho, tôi vẫn nằm li bì ngủ cả ngày. Cơ thể công bằng lắm, nó lấy lại đủ số thời gian lẽ ra mình phải nghỉ ngơi trong suốt năm.

Vậy nên, các ba mẹ chú ý nhé, ở nhà đừng để con “đói” lời khen quá, rồi khi được ai đó nịnh cho vài câu là quên hết trời đất, sẵn sàng lao vào làm bất cứ việc gì, đôi khi không đủ bình tĩnh để phán đoán đúng - sai!

"Vắcxin" thứ 3: phải biết mình cũng bình thường như bao người khác vậy. Mẹ của mình cũng vậy và ai cũng vậy, ai cũng từng bị chê, bị khen, bị uất ức, khóc lóc.

Đố các bạn cái gì nguy hiểm nhất với con mình? Không phải bắt cóc, không phải thi trượt đâu. Nguy hiểm nhất là áp lực từ bạn bè đấy. Áp lực của bạn bè lên tâm hồn non nớt của một đứa trẻ nặng nề khủng khiếp. Hậu quả có thể con cái bạn sẽ hút điếu thuốc đầu tiên, thử ma túy lần đầu tiên, bỏ nhà đi bụi lần đầu tiên, quan hệ tình dục lần đầu tiên... Đứa trẻ sẽ đánh mất chính mình và sẵn sàng phản bội lại những lời cha mẹ dày công dạy dỗ!

Con cái chúng ta cần thấy rằng, ngay cả những người mình rất yêu quý, thậm chí ngay cả bố hay mẹ của mình, cũng sẽ có lúc không công bằng về mình! Đôi khi mình có thể sẽ là “không là gì cả” với người mà mình coi là quan trọng nhất.

Không thể nào biến cả xã hội này thành “vô trùng”, không thể cứ ai bước lại gần con là ngay lập tức ba mẹ bắt họ đeo bao tay, chụp tóc, để bảo vệ con mình.

Quá khó để ngăn người khác buông lời chê. Chỉ còn cách cùng con đóng mỗi lời chê một cái khung nho nhỏ, biến chuyện to thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không có, rồi tập “bước qua”.

Facebook đôi khi nhân văn hơn cuộc đời thật với nút block thần thánh, bạn có thể sẵn sàng ấn nút để ai đó biến mất khỏi cuộc đời mình. Còn "nút bấm" của cuộc đời thực, tự mỗi đứa trẻ hãy cố gắng tìm cho riêng mình và sử dụng thật hữu ích.

Tập cho con đối diện với khen, chê, hiểu nhầm, đánh giá sai... Tập đừng vội vã, đừng sốt sắng, bất chấp cả những việc nguy hiểm với mình.

Thu Hà

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279094/vac-xin-khen--che.html