Vắc-xin COVID-19 sẽ được sản xuất phân phối mở rộng toàn cầu?

Tổng thống Mỹ Joe Biden lên tiếng ủng hộ việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các vắc-xin COVID-19, khi thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ. Bước đi này khiến nhiều tổ chức và quốc gia hưng phấn, dù nhiều hãng dược lớn giận dữ.

Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala bên ngoài trụ sở WTO ngày 1/3. Ảnh: AP

Trong phát biểu trước báo giới, ông Biden bày tỏ ủng hộ việc chấm dứt bảo vệ quyền sở hữu - đảo ngược lại quan điểm trước đây của chính phủ Mỹ. Sau phát biểu của ông, đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai ra thông báo: “Đây là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, những trường hợp bất thường của đại dịch COVID-19 đòi hỏi những biện pháp khác thường”, bà Tai nói.

Đại diện thương mại Mỹ ủng hộ thực hiện đàm phán về bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc-xin tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Thông báo được đưa ra trong bối cảnh đang có nỗi lo ngại lớn rằng đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng ở Ấn Độ hiện nay có thể tạo ra những biến chủng virus kháng vắc-xin, cản trở sự hồi phục toàn cầu. Ấn Độ đang chìm trong khủng hoảng, chiếm tới hơn 46% số ca mắc của toàn thế giới trong tuần trước, và có nhiều dấu hiệu cho thấy dịch bệnh nghiêm trọng đang lan sang các nước làng giềng Nepal, Sri Lanka và nhiều quốc gia khác.

“Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về đề xuất của Mỹ về việc bỏ bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin COVID-19 để chấm dứt cuộc khủng hoảng. Nhưng trong ngắn hạn, chúng tôi kêu gọi các quốc gia sản xuất vắc-xin cho phép xuất khẩu và tránh những biện pháp cản trở hoạt động cung ứng”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen

Trên Twitter, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi bước đi của ông Biden là “khoảnh khắc phi thường trong cuộc chiến chống COVID-19”, phản ánh “sự khôn ngoan và vai trò lãnh đạo của Mỹ”.

Trước đây, Mỹ và nhiều nước ngăn chặn WTO thảo luận về đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi về việc bỏ bảo vệ một số bằng sáng chế và công nghệ để tăng sản xuất vắc-xin ở những nước đang phát triển. Năm ngoái, chính phủ Mỹ rót hàng tỷ đô la vào nghiên cứu và mua vắc-xin COVID-19, khi các loại vắc-xin vẫn ở giai đoạn đầu và chưa rõ loại nào sẽ mang lại hiệu quả. Ông Biden ủng hộ việc bỏ bằng sáng chế với vắc-xin ngay từ khi còn vận động tranh cử năm 2020. Ông cũng đang chịu sức ép phải chia sẻ vắc-xin và công nghệ với các nước khác để hỗ trợ cuộc chiến chống dịch bệnh toàn cầu.

Thông báo của Mỹ sẽ mở ra giai đoạn đàm phán có thể kéo dài nhiều tháng để lên được một kế hoạch cụ thể. Bà Tai cảnh báo rằng việc cân nhắc sẽ mất thời gian, nhưng Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy mở rộng sản xuất và phân phối vắc-xin, cũng như nguyên liệu cần để sản xuất vắc-xin trên khắp thế giới.

Thay đổi của Mỹ sẽ giúp Washington đáp lại nhu cầu của các nước đang phát triển, trong khi sử dụng cơ chế đàm phán của WTO để giới hạn phạm vi miễn trừ, một nguồn tin nắm được tình hình cho biết. Cách này cũng sẽ tạo thêm thời gian để tăng cường cung cấp vắc-xin qua các kênh thông thường.

Chờ bước đi tiếp theo

Nhóm vận động hành lang lớn nhất của ngành dược cảnh báo rằng bước đi chưa từng có tiền lệ của ông Biden sẽ làm suy yếu nỗ lực của các công ty trong đại dịch và làm giảm sự an toàn. Một nguồn tin trong ngành nói rằng các công ty Mỹ sẽ đấu tranh để bảo đảm việc bỏ bằng sáng chế sẽ ở mức hẹp và hạn chế nhất có thể, Reutersđưa tin. Các nhà phân tích nói rằng bước đi này của chính quyền Biden sẽ không dẫn đến những thay đổi lớn trong luật sở hữu trí tuệ.

Những người trong ngành nói rằng việc sản xuất vắc-xin COVID-19 rất phức tạp và việc xây dựng cơ sở sản xuất mới sẽ tiêu tốn nguồn lực đáng ra được dùng để tăng cường sản xuất ở các nhà máy hiện tại. Họ nói rằng các hãng dược và nhiều quốc gia đang phát triển đã ký hơn 200 thỏa thuận chuyển giao công nghệ để mở rộng sản xuất vắc-xin, một dấu hiệu cho thấy hệ thống hiện nay đang hoạt động tốt.

WTO có cuộc họp trong ngày 6/5, nhưng chưa rõ quyết định của Mỹ có thay đổi được những ý kiến phản đối khác, như của Liên minh châu Âu (EU) và Anh, hay không. Chú ý hiện nay đang dồn sang các nước giàu khác, nhất là EU. Bất kỳ quyết định nào của WTO cũng phải có sự đồng thuận của 164 quốc gia thành viên, nghĩa là một quốc gia cũng có thể ngăn chặn.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, nhóm 27 quốc gia thành viên này sẵn sàng bàn về đề xuất của Mỹ, nhưng không đưa ra cam kết nào. “Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về đề xuất của Mỹ về việc bỏ bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin COVID-19 để chấm dứt cuộc khủng hoảng. Nhưng trong ngắn hạn, chúng tôi kêu gọi các quốc gia sản xuất vắc-xin cho phép xuất khẩu và tránh những biện pháp cản trở hoạt động cung ứng”, bà nói. Phát biểu đó phản ánh quan điểm của các hãng dược lớn, cho rằng một giải pháp nhanh hơn là các nước giàu chia sẻ kho vắc-xin của mình với những nước nghèo hơn.

THU LOAN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vac-xin-covid-19-se-duoc-san-xuat-phan-phoi-mo-rong-toan-cau-post1334193.tpo