VAC và vai trò của thức ăn từ thực vật với sức khỏe người Việt

Vườn - ao - chuồng (viết tắt là VAC) là mô hình sáng tạo từ lâu đời của cha ông ta, xuất phát từ thực tiễn sản xuất nông nghiệp và kinh nghiệm đúc rút từ nhiều thế hệ.

Điểm độc đáo của mô hình VAC chính là chiến lược tái sinh, sử dụng một cách hiệu quả tài nguyên đất - nước - năng lượng mặt trời, tính khoa học trong quản lý, tái sinh nguồn chất thải, tạo ra một hệ sinh thái bền vững, thân thiện với môi trường, và vì thế, mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường mà còn góp phần giảm suy dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe.
Hiệu quả của hệ sinh thái VAC với dinh dưỡng và sức khỏe

Góp phần giảm suy dinh dưỡng: Các nghiên cứu tại nước ta cho thấy ở các gia đình có phát triển mô hình VAC thì giá trị dinh dưỡng của khẩu phần ăn bảo đảm cân đối và đầy đủ hơn so với các hộ gia đình không phát triển mô hình VAC. Các sản phẩm của VAC có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho con người, một trong các sản phẩm ấy là các loại thức ăn nguồn gốc thực vật (như các loại ngũ cốc, các loại rau, củ, quả, hạt).
Góp phần tăng cường sức khỏe: Khi cao tuổi, các cụ được nghỉ ngơi một cách tích cực, lao động vừa sức, ở trong một môi trường gần gũi với thiên nhiên, lại được hưởng thụ những thành quả lao động của mình, với những sản phẩm VAC tươi ngon, lành mạnh, do đó sức khỏe tăng, sức chống đỡ bệnh tật cũng tăng, các bệnh cấp tính, mạn tính đều giảm.

Các nhóm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày.Vai trò của thức ăn từ thực vật

Các nhóm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày.Vai trò của thức ăn từ thực vật

Đã từ lâu, cha ông ta đã nhận thức được vai trò của thức ăn nguồn thực vật trong bữa ăn của người Việt Nam. Về dinh dưỡng, nếu một bữa ăn kết hợp nhiều thực phẩm nguồn thực vật như chất đạm từ đậu đỗ, vừng lạc; chất bột đường từ ngũ cốc, khoai củ; chất béo từ các loại hạt và quan trọng là thức ăn nguồn thực vật có chứa nhiều các loại vitamin (như caroten, là tiền chất của vitamin A; hoặc các loại vitamin C, B1, PP, E, K...), các khoáng chất (kali, magiê...), chất xơ, chất kháng sinh thực vật (có nhiều trong các loại rau gia vị), các yếu tố bảo vệ (isoflavon, phytosterol, antioxydant... có nhiều trong các loại hạt) có tác dụng loại trừ các gốc tự do trong cơ thể, thì sẽ làm cho cơ thể chúng ta trẻ lâu, tăng sức đề kháng... Mặt khác, một khẩu phần ăn có đầy đủ rau xanh sẽ làm cho bữa ăn của chúng ta ngon miệng hơn, dễ tiêu hóa. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi mà chưa thể kiểm soát hết nguy cơ các loại rau củ quả không an toàn lưu thông trên thị trường, chúng ta có thể phát triển ô dinh dưỡng trong vườn gia đình, hoặc ngay cả ở khu vực đô thị cũng có thể sản xuất được rau xanh để đáp ứng nhu cầu bữa ăn cho gia đình đảm bảo an toàn và giàu dinh dưỡng.
Phát triển ô dinh dưỡng trong vườn gia đình cần chú ý gì?

Đảm bảo đủ rau ăn: Vào vụ giáp hạt rau có thể ít hơn do đó phải tính toán bố trí cơ cấu cây trồng thâm canh, gối vụ để đảm bảo rau ăn. Sử dụng một số giống rau có thời gian sinh trưởng nhanh có thể thu hoạch sớm để giải quyết giáp vụ rau như các loại cải, củ cải, thời gian sinh trưởng 35 - 55 ngày, trong các tháng nóng từ 7 - 15 ngày cho thu hoạch một lứa hoặc trồng bí đỏ để lấy lá, lấy hoa làm rau ăn cũng là món rau được nhiều người ưa chuộng.
Nâng cao chất lượng rau: Nên phối hợp nhiều loại rau, giữa rau ăn lá với rau ăn thân, củ, quả, hạt, hoa. Nên sử dụng rau mùa nào thức ấy.Lợi dụng tối đa không gian nhiều chiều: Như chiều rộng, chiều ngang, chiều dài, chiều sâu để tận dụng tối đa năng lượng mặt trời của vùng nhiệt đới. Có thể trồng trên luống, leo trên giàn, trồng ở mép ao, thả bè để tranh thủ đất trồng được nhiều vụ trong năm, có thể trồng xen, trồng gối. Ở các khu đô thị, có thể có các giàn treo với góc độ nghiêng, vừa tận dụng tối đa diện tích, vừa tận dụng được ánh nắng mặt trời.Bố trí mùa vụ thích hợp: Loại rau có thể trồng được nhiều tháng trong năm (như các loại rau: rau muống, rau dền, rau mồng tơi, rau ngót, các loại cải, một số loại rau gia vị); rau vụ đông xuân (cải bắp, cà chua, khoai tây, su hào, súp lơ, cà rốt, hành tây, dưa chuột, sà lách...); rau trồng vụ xuân hè (bầu bí, mướp, rau muống, rau ngót, các loại dưa, các loại cà, đỗ đũa).Biết dự trữ chế biến để khi giáp vụ: Thiếu rau thì đem ra dùng bí ngô, bí xanh; muối cà, muối dưa, làm tương cà chua, bột cà chua, sấy khô su hào, củ cải...Biết kỹ thuật gieo trồng: Kết hợp với chăm bón, thâm canh rau và chủ động để được giống cho vụ sau.Nên tận dụng hết các nguồn thực phẩm và khả năng sẵn có để bổ sung thêm vào chủng loại rau ăn thêm phong phú. Ví dụ: cây chuối (có thể sử dụng cả thân, củ, quả và hoa chuối làm rau).

Thông điệp truyền thông “Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển”
“Bảo đảm an ninh lương thực và Phát triển nông thôn: nền tảng để giảm suy dinh dưỡng bền vững”. Để giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng, góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe cho toàn dân, chúng ta cần: 1. Phát triển VAC để tăng thu nhập và tạo nguồn thực phẩm sẵn có, an toàn cho bữa ăn gia đình. 2. Thực hiện chăm sóc dinh dưỡng sớm trong 1.000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển tối ưu cả về thể chất, trí tuệ và tầm vóc khi trưởng thành. 3. Tăng cường hoạt động thể lực để phòng chống thừa cân béo phì. Hạn chế ăn mặn. 4. Chủ động ứng phó với thiên tai, bảo đảm chăm sóc dinh dưỡng hợp lý trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, ưu tiên trẻ em và phụ nữ. Thực hiện dinh dưỡng hợp lý để phòng chống suy dinh dưỡng bền vững và hạn chế các bệnh mạn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng.

Theo suckhoedoisong.vn

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/doi-song/201907/vac-va-vai-tro-cua-thuc-an-tu-thuc-vat-voi-suc-khoe-nguoi-viet-2449112/