'Vạ lây' vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Trung Quốc và Mỹ đang mắc kẹt trong một cuộc chiến tranh thương mại chưa có hồi kết nhưng họ không phải là hai nước duy nhất phải chịu 'sức nóng'.

Những nền kinh tế khác ở châu Á đang có mối liên hệ phức tạp với nền kinh tế Trung Quốc, thông qua chuỗi cung ứng trải rộng của nước này. Và điều gì khiến Trung Quốc tổn thương cũng có thể làm tổn thương họ với mức độ tương ứng, chẳng hạn như Hàn Quốc hay Singapore, theo BBC.

Tại khu vực ven quận trung tâm tài chính của Singapore, những âm thanh ồn ào của hệ thống máy sản xuất loa và máy làm mát không khí cho khách hàng khắp khu vực vang dội trong một nhà máy bề thế.

Doanh nghiệp này do bố của Joyce Seow thành lập vào những năm 1970. Ông Poh Eng Seow từng là quản lý phân xưởng vào thời điểm đó, khi nhà máy vẫn được vận hành bởi một doanh nghiệp đa quốc gia đặt trụ sở ở Singapore. Lúc công ty đa quốc gia rút lui, Poh quyết định vẫn tiếp tục phục vụ các khách hàng phương Tây và bắt đầu vận hành công việc với chỉ 7 công nhân tại nhà máy.

Joyce Seow và bố là chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Singapore và họ đang “thấm” những tổn thương đầu tiên từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: BBC.

Ngày nay, công ty Watson EP Industries của nhà Seow có hơn 350 đối tác thường xuyên. Họ có cả nhà máy ở Trung Quốc và Việt Nam. Doanh thu hàng năm đạt 40 triệu USD.

Poh Eng Seow là người quyết định mở nhà máy của Watson EP Industries ở Trung Quốc vào đầu những năm 2000. Bước đi này đã mang đến sự phát triển thần kỳ cho công ty. “Làm kinh doanh ở Trung Quốc là cả một quá trình học hỏi”, ông nói. “Bạn phải học làm sao cho đúng. Tốt nhất là nên thuê một chuyên gia tư vấn bản địa”.

Nhưng nay, Trung Quốc có thể là lý do khiến doanh nghiệp gia đình của Poh Eng Seow bị đe dọa.

Joyce và bố mới đây phát hiện ra rằng mặt hàng loa mà họ sản xuất ở nhà máy tại Trung Quốc sẽ bị đánh thuế 25% nếu chúng được bán vào Mỹ. Thông tin này khiến hai bố con cô vô cùng lo lắng bởi nhà máy của họ ở Trung Quốc chủ yếu sản xuất loa cho thị trường Mỹ.

“Chúng tôi rấ thất vọng và cảm thấy bất an trước tương lai”, Joyce nói. Cô cho biết lý do ban đầu khiến họ chuyển nhà máy sản xuất tới Trung Quốc bởi các khách hàng phương Tây muốn như vậy, nhằm tận dụng nguồn lao động giá rẻ tại đây.

“Chúng tôi bị kẹp như bánh mỳ sandwich”, Joyce ví von. “Tiếng nói của chúng tôi sẽ chìm nghỉm trước khi đến được với hai ông lớn”.

Singapore là quốc gia phụ thuộc mạnh mẽ vào thương mại và dường như sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Á bởi cuộc đối đồi Mỹ - Trung, theo DBS, ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á. Nếu Trung Quốc và Mỹ áp đặt mức thuế 25% lên tất cả các mặt hàng của nhau, Singapore sẽ thiệt hại 0,8% GDP trong năm nay và 1,5% vào năm sau.

Khu bến cảng của Singapore, một trong những cảng biển tấp nập nhất thế giới, là nơi người ta có thể nhìn thấy rõ hơn cả tác động của cuộc chiến tranh thương mại đối với đảo quốc bé nhỏ này.

Singapore nổi tiếng là trạm trung chuyển của thế giới, đồng nghĩa 9/10 container hàng tới đây sau đó sẽ được đưa tới quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc.

Nhiều hàng hóa có điểm đến cuối ở Trung Quốc thực tế bắt nguồn từ một số quốc gia ở Đông Nam Á như Malaysia và Indonesia. Chúng tới Singapore bởi chúng cũng cần bổ sung những sản phẩm khác tùy thời điểm khác nhau.

Đây là một trong những lý do giải thích tại sao Singapore lại hưởng lợi lớn từ toàn cầu hóa và thương mại tự do, có thể chuyển mình từ một làng chài nhỏ bé vươn lên thành trung tâm tài chính hàng đầu thế giới.

Thế nhưng, Singapore hiện lại mắc kẹt trong cuộc chiến giữa hai “ông lớn”. Và họ không thể làm gì nhiều để xoay chuyển tình hình.

Tuy nhiên, như Bộ trưởng Thương mại Singapore Chan Chun Sing cảnh báo, quốc đảo này không phải quốc gia duy nhất bị ảnh hưởng. “Để sản xuất một mặt hàng, thông thường, nó phải trải qua chuỗi sản xuất toàn cầu và nếu một mắt xích trong chuỗi bị đứt quãng, chúng không chỉ một quốc gia bị tổn thương mà là tất cả”, ông nhấn mạnh.

Cảng của Singapore là một trong những bến cảng đông đúc, tấp nập nhất thế giới. Ảnh: Getty Image.

“Nghĩ về cách mà nền kinh tế kết nối toàn cầu hoạt động, nếu hàng xóm của bạn ăn nên làm ra thì bạn cũng sẽ hưởng lợi”, Alice Fulwood, chuyên gia kinh tế nghiên cứu khu vực Đông Nam Á, bình luận.

Theo Fulwood, nhìn chung, chiến lược tăng thuế và công kích lẫn nhau thay vì hợp tác cùng phát triển, như cách Mỹ và Trung Quốc đang làm, “cuối cùng sẽ phản tác dụng bởi nó có chiều hướng làm giảm động lực tăng trưởng và khiến tất cả mọi người trở nên đề phòng hơn”.

Trở lại nhà máy của Joyce, cô và bố đang kiểm tra một số sản phẩm mới mà họ hy vọng có thể bán cho khách hàng. Họ đang tính chuyện chuyển nhà máy sang Việt Nam để tránh mối đe dọa về thuế ở Trung Quốc.

Với hàng triệu doanh nghiệp nhỏ như doanh nghiệp nhà Joyce, làm ăn ở Trung Quốc giờ đây trở nên quá mạo hiểm và sẽ vô cùng khó khăn, chỉ cho đến khi nào cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kết thúc.

HOÀNG PHI

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/va-lay-vi-chien-tranh-thuong-mai-my-trung-post228003.html