Và khoảng trống một bản tin

'Đàng sau một bản tin nhà báo đã viết đã công bố và đã chìm rơi vào lãng quên của chính mình và bạn đọc theo bước đi tới lạnh lùng của con lũ thời sự và thời gian biết đâu vẫn ẩn tàng phần sâu thẳm vô thanh một phận người hoặc một thời kỳ đặc trưng trong dòng chảy không ngừng và không thiếu bất ngờ của lịch sử…'. Là điều tự nhủ riêng tư tôi nhặt ra từ quãng đời làm báo nhiệt thành ở Lao Động - mái hiên tinh thần mùa trở gió của tôi.

Vĩnh Quyền ở Trường Sa năm 1993.

Năm 1998 tôi dự hội nghị đánh giá thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh miền Trung thời kỳ đầu cải tổ và mở cửa. Ngoài bản tin thời sự tôi dự tính viết phóng sự hoặc bút ký về một doanh nhân trẻ nổi bật. Trên đường đến hội nghị, tôi đọc qua tập kỷ yếu để ước định nhân vật sẽ chọn. Và tôi bị thuyết phục bởi những dòng giới thiệu về Trung - chàng thương binh - thành công với dự án phủ xanh đất trống đồi trọc, trồng mới hàng chục nghìn hecta rừng cây công nghiệp tại huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa - Thiên Huế.

Hội nghị khai mạc tôi mới biết nhân vật của mình đã đến nhưng nhận được tin dữ ở nhà phải vội quay về. Tôi điện thoại cho Trung, tự giới thiệu và hỏi thăm tình hình. Anh cảm ơn, cho biết đã tìm được người chị bị lạc rừng. Nghe kế hoạch bài báo, anh nói sẵn sàng chia sẻ thông tin.

Một tuần sau, Trung đích thân lái chiếc Korando đưa tôi lên thung lũng A Sầu thăm sơn trại.

Lúc rảo bước qua khoảng sân rộng tôi không thể không chú ý một phụ nữ trung niên hẳn đã có một thời nhan sắc ngồi tựa lưng gốc khế lão và không phản ứng rõ rệt trước cái cúi chào của tôi. Trung đặt tay vào lưng tôi vỗ nhẹ như giục đi tiếp, giọng áy náy: Anh đừng bận tâm. Chị Lan tôi đó, là người lạc rừng khiến tôi phải bỏ ngang hội nghị. Khổ, nghễnh ngãng vậy mấy chục năm rồi.

Lát sau, chúng tôi ngồi đối diện ở bàn làm việc, trong không gian bày biện giống nhà riêng một doanh nhân thành đạt hơn là văn phòng dự án. Trung thư thả mời trà, nói đây là lần thứ hai được tôi đưa lên báo Lao Động. Tôi bảo anh nhầm với ai, chứ đây lần đầu chúng ta gặp nhau. Trung cười tủm, giọng nghe khang khác: Tất nhiên anh không thể nhớ hết những gì đã viết, còn tôi không thể nào quên những gì anh viết về tôi.

Rồi Trung khẽ đẩy kẹp bìa đựng hồ sơ đặt sẵn trên bàn về phía tôi: Anh xem tôi nói đúng không?

Là tờ Lao Động gập đôi, xuất bản 5 năm trước và tên tôi nằm dưới một bản tin trang 1. Không phải đọc, tôi bỗng nhớ tất cả. Một cán bộ phòng thương binh xã hội huyện bị kỷ luật thôi việc vì lợi dụng chức vụ làm giả một bộ hồ sơ vợ liệt sĩ. Chi tiết không nhớ nổi là họ tên nhân vật thì lúc này không cần thiết nữa vì anh ta đang trước mặt tôi, vừa nhấm nháp trà nóng vừa nhìn tôi với ánh mắt tinh quái.

Tôi bật cười ngượng ngập: Ờ, thì đúng là tôi đã đưa anh lên báo. Nhớ lần đó tôi lấy thông tin từ hội nghị giao ban báo chí hằng tháng của Ban Tuyên giáo tỉnh. Ngừng một lát, tôi nâng tờ báo lên, trỏ vào bản tin của mình, giọng thành thật: Thẳng thắn nhé Trung, tôi đã viết sai điều gì không?

Trung chậm rãi: Có thể nói quyết định kỷ luật dành cho tôi là đúng người đúng tội. Anh viết theo báo cáo nên cũng có thể nói là làm tròn nhiệm vụ thông tin. Nhưng giá hồi đó anh gặp tôi, bản tin sẽ đầy đủ hơn, thậm chí có phần khác đi, nhưng vẫn đúng…

Trong lúc chưa biết tiếp tục câu chuyện thế nào, và tránh đôi mắt soi mói của Trung, tôi nhìn quanh vu vơ, dừng lại ở khung ảnh một phụ nữ đứng tuổi trên tường, có dòng ghi chú là lạ bên dưới và ký tên Trung: Mỗi ngày con hằng nhớ mẹ.

Hồ sơ ấy anh làm cho mẹ? Tôi thăm dò.

Không, mẹ mất khi tôi còn nhỏ, bản thân mẹ là liệt sĩ.

Cho chị Lan? Tôi tiếp tục.

Trung gật đầu và sau đó chia sẻ câu chuyện của anh:

Chị Lan không phải chị ruột tôi. Nhà chị cách nhà tôi mỗi hàng chè tàu. Tôi sống với bà nội, còn chị một mình, nên từ bé tôi đã xem như chị của mình. Bà tôi quý chị lắm. Cả hai người cưng chiều tôi, trừ một chuyện, lại là chuyện tôi ưa thích nhất trong thời thơ ấu: Đưa tôi đi xem văn nghệ. Tôi đang nói đến những đêm có đoàn “văn nghệ tâm lý chiến” ghé đến xã tôi biểu diễn, mỗi tháng một lần thời chiến tranh.

Nhà chúng tôi ở xa khu trung tâm xã, gần như tách biệt cộng đồng. Những đêm đi xem văn nghệ tôi phải một mình vượt cánh đồng mênh mông vắng để đến sân bóng đá, nơi có một sân khấu ngoài trời bằng bêtông dành cho các hoạt động văn hóa của xã. Tôi chạy không dám nghỉ chân, lòng ngập tràn nỗi sợ yêu ma níu bắt, căm ghét lũ ệnh oạng nối nhau kêu ồm ộp chỉ điểm từng vị trí tôi trong đêm tối. Nhưng nỗi háo hức luôn thắng sợ hãi. “Văn nghệ tâm lý chiến” là hoạt động giải trí hấp dẫn và gần như duy nhất ở nông thôn bấy giờ.

Chẳng cần nghe thông báo từ loa sắt rè rè tôi cũng biết chính xác khi nào đoàn văn nghệ đến xã. Là vì lần nào trở lại gã trưởng đoàn cũng tạt qua nhà chị Lan trước tiên. Hắn chòng ghẹo, làm khó dễ đủ điều, rồi cuối cùng mượn chị cái mũ cối đồng phục thời Việt Minh làm đạo cụ sân khấu. Chiếc mũ kỷ vật người chồng chưa cưới để lại trước khi lên đường tập kết ra Bắc năm 1954, năm chị tròn 19 tuổi. Kể từ đó chị âm thầm chờ đợi ngày trở lại của anh, mà theo Hiệp định Genève sẽ xảy ra hai năm sau. Nhưng hiệp định đã không được thực thi. Miền Bắc miền Nam chỉ có thể thống nhất vào mùa xuân 1975, khi chị trở thành người phụ nữ ở tuổi bốn mươi. Trong hơn 20 năm đó chị Lan, người đàn bà xinh đẹp nhất huyện, đã từ chối mọi lời cầu hôn, sống lặng lẽ với chiếc mũ cối.

Ai cũng biết dù căm ghét gã tâm lý chiến đến mấy thì chị Lan cũng phải giao cái mũ cho hắn, bởi hiểu ngầm đó là “lệnh”, là một lối răn đe dành cho người có liên hệ với cộng sản. Và ai cũng biết thực ra trong số đạo cụ của đoàn luôn có một mũ cối giống hệt chiếc của chị Lan. Đó là đạo cụ không thể thiếu trong các đêm “văn nghệ tâm lý chiến”.

Chương trình biểu diễn luôn được khép lại bằng tiết mục kịch ngắn, mà phần kết của nó bao giờ cũng có cảnh nhân vật “phản diện” cộng sản bị bắn chết, mũ cối của anh ta rơi xuống lăn lông lốc gây thêm ấn tượng dữ dội. Trước khi lên đường lưu diễn địa phương khác, lấy cớ trả “đạo cụ”, gã trưởng đoàn lại đến nhà chị Lan, lại chòng ghẹo và ngầm răn đe. Khi còn lại một mình, chị ôm chiếc mũ vào lòng, lặng lẽ khóc, rồi lặng lẽ treo trở lại trên vách, ngay đầu giường.

Tôi chỉ là đứa nhỏ mê kịch, không muốn bỏ lỡ đêm văn nghệ nào, cho đến một đêm. Như thường lệ, cuối vở kịch, nhân vật cộng sản bị giết. Chiếc mũ cối rơi xuống, lăn lông lốc. Đúng lúc đó, tôi nghe hai người đàn ông ngồi sau lưng thầm thì. “Cảnh này làm tôi nhớ cha thằng Trung quá à…”. “Ừ, ảnh cũng bị bắn chết như rứa”. “Mới đó mười năm…”.

Tôi choáng váng suýt ngất. Khi thoát khỏi trạng thái tê dại, tôi vùng dậy chạy về nhà. Xen giữa tiếng khóc, tôi hỏi bà chuyện tôi nghe đúng với sự thật về cha tôi không. Thay vì trả lời, bà ôm chặt tôi vào lòng, cùng khóc. Nước mắt người từ lâu không còn khóc đã chứa đựng đầy đủ sự thật mà tôi chỉ muốn phủ nhận. Nghe tiếng khóc, chị Lan từ nhà bên chạy sang. Đoán được chuyện gì, chị ôm hai bà cháu, khóc theo.

Từ đó, những đêm có “văn nghệ tâm lý chiến”, hai bà cháu và chị Lan ngồi xúm bên nhau dưới mái hiên nhà tôi hoặc nhà chị, chuyện trò trong bóng tối, ăn khoai luộc hay bắp nướng tùy mùa vụ. Tuy nhiên, lần nào cũng vậy, tiếng súng chết chóc kết thúc vở kịch sẽ bay suốt cánh đồng hoang trúng vào tim óc chúng tôi, làm cả ba khựng lại, nghẹn ngào hồi lâu. Những phát súng đó thúc bách tôi trở thành một Việt Cộng nhỏ tuổi nhất huyện.

Rồi mùa xuân năm 1975 đến, mùa xuân đoàn tụ, thì chị Lan vẫn không nhận được tin tức nào về người chồng chưa cưới. Lời hẹn “hai năm nữa anh về” của người ra đi đã bị lịch sử kéo dài tới 20 năm, và không ai biết liệu ảnh còn sống hay đã chết. Chiếc mũ cối treo đầu giường chị Lan vẫn chưa có chủ. Chị tôi cũng vậy.

Vẻ đẹp, và cả niềm hy vọng đoàn tụ của chị lụi tàn theo năm tháng. Chị dần trở thành người đãng trí, rồi mất khả năng lao động. Lợi dụng vị trí ở phòng thương binh xã hội, tôi đã làm giả hồ sơ vợ liệt sĩ để chị Lan được hưởng trợ cấp chính sách. Việc làm của tôi bị phát hiện và tôi bị kỷ luật như anh đã đưa tin. Sau vụ đó tôi phải rời bỏ công tác chính trị…

Giọng Trung bình thản đáng ngạc nhiên khi kể những đắng cay đời mình. Lẽ nào anh đã vượt qua được rào chắn buồn của quá khứ? Tôi tự hỏi và lại phỏng đoán: Rồi anh đưa chị Lan về nuôi dưỡng…

Trung gật đầu xa xăm. Sau một lúc im lặng anh trở lại bằng giọng hùng biện trong khi rưng nước mắt, như thể lần nữa khẳng định với bản thân, chứ không phải với nhà báo tôi, rằng những gì anh đã làm là đúng đắn: Phải, và đó là điều tôi muốn. Nhà nước có chính sách cho gia đình liệt sĩ, tôi chỉ góp phần chăm lo một người vợ chưa cưới vẫn trọn đời chung thủy trong chiến tranh và trong lãng quên…

Tôi nắm bàn tay lên cơn co giật của Trung như một cách thay lời xin lỗi không còn thích hợp.

Ngoài kia gió lên, hoa khế tím li ti bay tơi tả, đậu lên mái tóc hoa râm người phụ nữ dường như ở nơi nào khác, không thời gian không gian, không buồn vui nhớ tiếc.

VĨNH QUYỀN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/va-khoang-trong-mot-ban-tin-624652.ldo