Và họ diễn tuồng ở sân khu tập thể cũ...

Tối thứ Bảy trong tuần tháng 11/2020, người dân khu tập thể Văn Chương - một trong những khu tập thể lâu đời và cũ kỹ nhất của Hà Nội chứng kiến một cảnh tượng lạ lùng nhưng không kém phần hấp dẫn: Trong tiếng trống trận, tiềng kèn bóp và tiếng nhạc điện tử rộn rã, các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam trình diễn vở tuồng kinh điển nhất của sân khấu Việt Nam: Sơn Hậu, ngay tại mảnh sân bê tông chung của khu Văn Chương chật chội, đầy mùi bao cấp.

Hà Nguyên Long sinh năm 1990, tốt nghiệp ĐH nghệ thuật Paris. Có lẽ, chỉ cái thành phố lãng mạn ra đường cứ hai người dân thì có một nghệ sĩ này mới dung dưỡng nổi giấc mơ sáng tạo của những người trẻ hầu như tay trắng đến từ thế giới thứ ba.

Cũng có thể Long may mắn hơn nhiều bạn bè cùng lứa. Cha anh, danh họa Hà Trí Hiếu lừng danh với nhóm Gang of five từ thời đầu mở cửa, đủ tiềm lực kinh tế và bản lĩnh nhà nghề để truyền cho cậu lòng đam mê bướng bỉnh với nghệ thuật truyền thống quê nhà. Năm 2020 đầy tai ương đã kìm nén giấc mơ thể hiện và bung phá của Long và ê kip trên sân khấu Paris, trong khuôn khổ chương trình Pays à l’honneur 1er Edition Le Vietnam/ Vinh danh quốc gia lần thứ nhất tại Nhà hát TRC (Theatre de la Reine Clothilde) tại Paris vào tháng 6/2020. Nhưng bù lại, sân khấu Việt Nam ghi nhận một đêm diễn vô tiền khoáng hậu: Vở tuồng kinh điển nhất của nghệ thuật Việt Nam - Sơn Hậu đã được trình diễn tại một sân khấu bất ngờ độc đáo nhất: Sân đất của khu tập thể Văn Chương - Một khu tập thể rất cũ tại quận Đống Đa, Hà Nội.

Đạo diễn vở Sơn Hậu hiện đại này là Hà Nguyên Long, cùng với đạo diễn âm nhạc Nguyễn Quốc Hoàng người đồng thời là nhà sản xuất âm nhạc của vở diễn. Hoàng Anh, sau khi tốt nghiệp Đại học VHNT Quân đội đã đi một vòng 13 nước Đông Nam Á để tìm kiếm những nguồn cảm hứng từ các nền âm nhạc truyền thống lân cận và đặc biệt là các kinh nghiệm tổ chức biểu diễn kết hợp nghệ thuật dân tộc truyền thống với các kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và đặc biệt là cách sắp xếp sân khấu hiện đại. Và Sơn Hậu phiên bản “Văn Chương 2020” ra đời.

Vở Sơn Hậu cổ điển dài hơn 3 tiếng. Hà Nguyên Long dàn dựng lại chỉ với 55 phút, với 5 phân đoạn tiêu biểu.

Dàn trống trận, kèn bóp hòa quyện với keyboard, kèn Cor và các âm thanh điện tử khác. Các nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú từ Nhà hát tuồng vẫn hát Nam ai, Nam xuân, vẫn diễn lời tuồng cũ, tiết tấu vẫn rất chậm, nhưng lại được đẩy nhanh nhờ cắt hết các cảnh phụ, và nối kết rất chặt bởi hai vũ công hiện đại trong vai linh hồn của hai nhân vật được sáng tạo từ Sơn Hậu nguyên bản: Triệu Khắc Thường và Khương Linh Tá, quần jeans, áo pull đen, thể hiện các vũ điệu hiện đại, linh hồn là một bản thể khác của hai nhân vật cổ điển cứ thế trôi đi trong không gian tuồng xưa tích cũ một cách hòa quyện, êm thấm mà vẫn độc lập, đầy tính lắp ghép hiện đại, giúp người xem ý thức được các chiều thời gian một cách thú vị.

Hoàng Anh nói: Trong một talk show ở London do Hội đồng Anh tổ chức, trước rất nhiều nhà hoạt động nghệ thuật trẻ đến từ nhiều nước, tôi đã từng trả lời khi đuợc hỏi: Bản sắc dân tộc của nghệ thuật Việt Nam là gì?

Theo tôi, đó là sự tồn tại độc lập một cách bình thản bên cạnh các thang giá trị khác.

Ví dụ bạn thắc mắc sao nhạc truyền thống Việt Nam chỉ được ký âm bằng ngũ cung - 5 nốt, và cho rằng nó sẽ kém biểu cảm so với hệ thống ký tự phương tây 7 nốt. Nhưng chúng ta thì cần phải tự hiểu ngũ cung không chỉ là 5 nốt nhạc, nó còn là biểu tượng của ngũ hành trong triết học phương Đông. Nó là một hệ giá trị khác.

Cũng với tâm thế ấy, khi làm nhạc cho Sơn Hậu, tôi chú trọng đến chất tinh tế và sang trọng của tuồng cổ - triệt để khai thác nó để nâng hiệu quả của dàn nhạc hiện đại. Chúng ta thật may mắn có Tuồng. Tuồng Việt Nam vừa có chất Opera, vừa đậm chất Jazz. Khai thác thật đúng, bật ra được hết những cái đó, sẽ có khán giả trẻ.

Long chia sẻ một cách khá quyết liệt: Thế hệ chúng tôi là thế hệ đứt gãy: Hoàn toàn đánh mất truyền thống, lớn lên với Pop và phim truyền, lạc giữa mê trận văn hóa phương Tây với đầy tự ti mặc cảm của những đứa trẻ mất gốc. Và chúng tôi nghĩ giờ này, những đứa trẻ đó đã thấm đủ món ăn tinh thần từ các nền văn hóa khác để có thể quay về tìm kiếm bản sắc của chính mình, thế hệ mình, dân tộc mình.

Nghệ thuật Tuồng là giao điểm đầu tiên được bởi với Long, Tuồng (hay Hát bội theo cách gọi của đồng bào miền Trung và miền Nam Việt Nam) có lẽ là bộ môn nghệ thuật biểu diễn có tính tổng hợp cao nhất trong các loại hình nghệ thuật cổ truyền của dân tộc so với Chèo, Ca trù, Lên đồng hay hát Chầu văn... Một tác phẩm Tuồng hoàn chỉnh có sự kết hợp thống nhất của âm nhạc, thơ văn, vũ đạo, phục trang, hóa trang, thiết kế sân khấu, dựa trên tính ước lệ và tính tượng trưng. Nghệ thuật Tuồng giống như một tài nguyên phong phú các yếu tố nghệ thuật, vừa có tính kinh điển, vừa tiềm ẩn nhiều khả năng sáng tạo và tích hợp.

Nguồn Khỏe 365: https://khoe365.nguoiduatin.vn/va-ho-dien-tuong-o-san-khu-tap-the-cu-74853.html