V-Pop 2018 có gì lạ?

Nửa đầu năm đã đi qua phần nào vẽ ra bức tranh về âm nhạc Việt 2018, đủ để nhìn nhận được xu hướng đã và sẽ diễn ra trong nửa năm còn lại.

Theo nhận xét trong giới chuyên môn, bức tranh âm nhạc Việt hoàn toàn có thể được quyết định bởi lực lượng thống trị V-Pop trong 25 tuần đầu tiên của năm. Thể loại âm nhạc nào nằm trong top bảng xếp hạng (BXH) thì đó sẽ là xu hướng của nửa năm cuối.

Nhạc Indie/Underground, sáng tác của sinh viên, ca khúc những năm trước và ca sĩ chưa thành danh thống trị các bảng xếp hạng. Và gu thưởng thức nhạc của người Việt chuộng Pop/Ballad gam buồn, đang là xu hướng của VPop nửa cuối năm 2018.

K-ICM và Đạt G với ca khúc "Buồn của anh".

Indie/Underground và ca khúc cũ bất ngờ thăng hạng

Nửa đầu năm 2018, các giọng ca mainstream bất ngờ vắng bóng, sức ảnh hưởng mờ nhạt trên #zingchart nói riêng và các bảng xếp hạng âm nhạc nói chung của V-Pop như Sơn Tùng M-TP, Soobin Hoàng Sơn, Min, Erik...

Thị trường âm nhạc Việt hiện nay đang chứng kiến một thế lực mới và mạnh mẽ mang tên Indie/Underground, khiến những ca sĩ, nghệ sĩ có tiếng tăm phải chùn bước.

Những giọng ca không chuyên đến từ Indie/Underground hiện là chủ nhân của thị trường VPop: K-ICM-Đạt G với Buồn của anh, Ngọc Dolil với Cùng anh, HuyR-Tùng Viu và Cô gái M52, Osad với Người âm phủ...

Sau nhiều tuần thống trị top 5, rồi trước sự tấn công ồ ạt của loạt ca khúc mainstream phải xuống hạng, nhưng 2 bản hit Cô gái M52Người âm phủ vẫn kiên cường trụ vững Top 10. Đặc biệt, Cô gái M52 là ca khúc phát hành vào tháng 2 duy nhất còn trụ lại top 10 cho đến bây giờ.

Một trong số hiếm hoi những tên tuổi không đến từ cộng đồng Indie/Underground, nhưng vươn lên trên top của #zingchart là JayKii-Sara Lưu với Đừng như thói quen, Orange-Karik và Người lạ ơi..

Tuy nhiên, Indie/Underground có gì và đã làm được gì để khiến công chúng yêu thích đến vậy, là câu hỏi chưa có lời giải đáp cụ thể với các ca sĩ mainstream.

Ca khúc cũ bất chợt thăng hạng. Nguyễn Đình Vũ và Thanh Hưng là hai giọng ca còn chưa được cộng đồng V-Pop chú ý, thì vừa qua đồng loạt tăng 5 hạng, vượt qua các tên tuổi lớn và lọt vào Top 5 #zingchart từ hai ca khúc ra mắt từ 3 năm trước Lỡ thương một ngườiSai người sai thời điểm .

Lỡ thương một người là bài hát có thành tích trên #zingchart tốt nhất của Nguyễn Đình Vũ, trong khi đó, Sai người sai thời điểm lại là thành công đầu tiên sau 5 năm theo đuổi con đường ca hát của Thanh Hưng, tính tới 15h ngày 12//7, Sai người sai thời điểm đã vươn lên hạng 4 realtime (BXH thành tích tính theo giờ).

Hiện ca khúc sở hữu lượng unique listeners (lượng người nghe thực) không chênh lệch nhiều so với Top 3 Đừng như thói quen, đang "bỏ túi" 38 triệu lượt nghe trên Zing MP3 sau nửa năm phát hành. Phía sau em của Kay Trần và Binz bỗng "sốt" trở lại trong thời gian gần đây và liên tục tăng hạng trong các tuần qua, đang đuổi sát ngay phía sau Top 5.

Sinh viên không chuyên âm nhạc thành sao

Từ đầu năm đến nay, V-pop chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của những nhân tố mới, trẻ trung, không có chuyên môn âm nhạc nhưng chinh phục người nghe bằng sự tự nhiên và cá tính của riêng mình. Osad, Huy và Ngọc Dolil là chủ nhân 3 ca khúc đang thống trị top 5 #zingchart như một sự kiện bất ngờ thú vị đầy hào hứng với VPop năm 2018.

Cả ba đều đang là sinh viên và không có chuyên môn sâu về âm nhạc. Trong đó, Người âm phủ của chàng sinh viên năm 3 Osad nắm giữ vị trí cao nhất, Cô gái M52 của Huy R-Tùng Viu kế sau.

Osad (Mai Quang Nam, đang là sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội) - Người âm phủ, khimới ra mắt do chính Osad thể hiện không được công chúng chú ý dù đây là một ca khúc thú vị, ca từ dễ thương, vì là gương mặt vô cùng lạ lẫm. Tuy nhiên, qua bản cover do “hot girl nói 7 thứ tiếng” Khánh Vy thực hiện, Người âm phủ nhanh chóng được quan tâm, lan tỏa trên mạng xã hội, vươn lên vị trí số 1 trên #zingchart với gần 12 triệu lượt nghe.

Huy (Vũ Văn Huy, hiện là sinh viên năm cuối Đại học Công nghệ giao thông vận tải)- Cô gái M52, đứng thứ 2 trên #zingchart. Trước Cô gái M52, Huy đã sáng tác khoảng 30 ca khúc và đều được giới thiệu tới bạn bè thay vì hướng tới lợi nhuận. Huy từng thú thực mình không hề am hiểu âm nhạc, thậm chí, một nốt nhạc cũng không nắm rõ. Việc sáng tác, thể hiện các ca khúc của giọng ca trẻ hoàn toàn xuất hiện từ cảm nhận của anh.

Ngọc Dolil (sinh năm 1997, hiện là sinh viên năm 3 chuyên ngành truyền thông tại Đại học Tôn Đức Thắng,TP.HCM)- Cùng anh (thực hiện cùng với Hagi, Stee). Ca khúc đứng hàng thứ 5 trong top #zingchart. Tương tự Huy, Ngọc Doli cũng chỉ là “tay ngang”, chưa qua bất cứ trường lớp thanh nhạc nhưng lại sở hữu bản hit được công chúng yêu thích dịp đầu năm 2018.

Ca khúc được Ngọc Dolil sáng tác sau khi bị đánh trượt khỏi vòng loại của chương trình Sing My Song Đây là một trong những ca khúc bám trụ bảng xếp hạng lâu nhất dịp đầu năm 2018.

Khán giả Việt chuộng Pop/Ballad khi thế giới thích sôi động

Khán giả yêu nhạc Việt nói riêng và công chúng trên thế giới nói chung có sở thích nghe nhạc theo mùa khá rõ rệt. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là guot chọn nhạc của khán giả Việt đang có xu hướng trái ngược với khán giả quốc tế, thường lựa chọn các ca khúc Pop/Ballad để nghe vào thời điểm giữa năm.

Nghe nhạc theo mùa được coi như một thói quen khá rõ ràng của những người yêu nhạc tại các quốc gia có nền công nghiệp âm nhạc phát triển mạnh. Vào mùa xuân, các bản nhạc lãng mạn, êm dịu và tạo không khí tươi mới được ưa chuộng. Mùa hè là thời điểm các ca khúc nhạc dance sôi động được tung ra nhiều nhất.

Các sản phẩm âm nhạc đều chuyển sang tông màu trầm cùng chất nhạc buồn, lắng đọng khi đến mùa thu và đông. Không chỉ những ca khúc mới, các bản hit cũ cũng được "khai quật" mỗi khi đến thời điểm thích hợp.

Ca khúc được coi là bản tình ca bất tử Cherry Blossom Ending của Busker Busker luôn lội ngược các BXH mỗi khi mùa xuân đến. Hay khi trời mưa, công chúng Hàn Quốc đều tìm nghe On Rainy Day của BEAST. SISTAR thường được gọi là các "nữ hoàng mùa hè" khi nhóm nhạc 4 thành viên thường xuyên ra các bản nhạc dance sôi động vào tháng 7-8 hàng năm.

EXO hay phát hành album mùa đông đặc biệt vào tháng 12 hàng năm với các ca khúc ballad buồn làm chủ đạo. Các nghệ sĩ US-UK cũng có xu hướng phát hành những bản nhạc dance sôi động, phù hợp với không khí vào mùa hè và những bản ballad lãng mạn khi thời tiết vào đông.

Tại các trang nghe nhạc trực tuyến của Việt Nam, xu hướng phân hóa các ca khúc được ưa chuộng cũng chịu ảnh hướng khá nhiều vào yếu tố thời tiết. Nhưng trái với sở thích chọn âm nhạc của thế giới, cách lựa chọn của khán giả Việt yêu mến V-Pop lại không tương đồng với công thức "êm dịu vào mùa xuân, sôi động vào mùa hè và u buồn lãng mạn vào mùa đông" của thế giới, chuộng nghe Pop/Ballad trầm buồn vào mùa hè.

Trên #zingchart, 9/10 ca khúc trong Top 10 ca khúc được nghe nhiều nhất thời gian gần đây là các bản ballad buồn. Tại Việt Nam, những ca khúc có giai điệu vui tươi, sôi động có xu hướng được ưa chuộng vào khoảng thời gian đầu năm hơn là mùa hè, vì thế Sau tất cả, Em gái mưa, Đừng hỏi em... là lựa chọn.

Nắm bắt được đặc điểm này, các nghệ sĩ Việt đã biết lựa chọn thời điểm cho ra mắt sản phẩm âm nhạc để đánh trúng thị hiếu khán giả hơn. Điều này phần nào lý giải cho các thành công vượt bậc, tạo nên các siêu hit như Em gái mưa, Sống xa anh chẳng dễ dàng, Người lạ ơi, Đừng như thói quen... trong thời gian qua./.

CTV Hoài Hương/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/vpop-2018-co-gi-la-791386.vov