V-League 2020 và những cột mốc khó quên

Viettel vô địch và Quảng Nam rớt hạng phản ánh đúng cục diện V-League 2020 trong một mùa phải điều chỉnh lịch đấu và điều lệ vì dịch COVID-19.

Hai lần phải tạm hoãn vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, những người trong cuộc đã từng nghĩ đến phương án xấu nhất là V-League không thể tiếp tục diễn ra. Thế rồi…

Vượt qua đại dịch…

Nhiều đội bóng ở dưới đáy bảng xếp hạng đi đầu trong việc gửi đơn và phát ngôn xin dừng cuộc chơi khiến các nhà làm giải rối bời. Rất may bóng vẫn lăn trở lại trong sự nỗ lực của mọi giới, thậm chí là những khán đài còn nóng bỏng lực lượng cổ động viên cuồng nhiệt.

Cách thay đổi thể thức thi đấu vì cần rút ngắn thời gian sau dịch COVID-19 cũng mang lại nhiều kịch tính hơn cho giải đấu. Nó giảm thiểu đi những cái bắt tay của một số đội bóng thân thuộc có dấu hiệu liên minh từ các mùa giải trước. V-League 2020 có nhiều trận đấu hấp dẫn hơn nhờ cách phân nhóm đua vô địch và tránh rớt hạng.

Cựu vô địch chia tay V-League

Quảng Nam rớt hạng là nỗi thất vọng của riêng họ chứ không phải nuối tiếc từ những người làm và yêu bóng đá. Những cuộc thay tướng bất đắc dĩ của bóng đá xứ Quảng như hồi chuông dài báo động cho một cái kết tương xứng với trình độ, lối chơi và con người có hạn. Họ từng gặp may trong trận thắng Nam Định và đến trận cuối vẫn không thể nắm quyền tự quyết ở cuộc đua với chính đối thủ này. Quảng Nam phải rớt hạng, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Cách đây ba năm, Quảng Nam lên ngôi vô địch trong sự ngỡ ngàng của cả làng bóng dẫu họ vẫn nỗ lực nhiều. Tuy nhiên, đội trưởng Thanh Trung và đồng đội ở mùa này già cỗi đi nhiều, lại thiếu sự đầu tư mạnh mẽ, nhân sự nội đến ngoại binh đều không sánh bằng các đối thủ khác.

Viettel lên ngôi xứng đáng nhưng Hà Nội vẫn cho thấy là một đội bóng mạnh, giàu tiềm năng, đặc biệt là sự trưởng thành của lớp trẻ. Ảnh: NGỌC DUNG

Viettel lên ngôi xứng đáng nhưng Hà Nội vẫn cho thấy là một đội bóng mạnh, giàu tiềm năng, đặc biệt là sự trưởng thành của lớp trẻ. Ảnh: NGỌC DUNG

Viettel xứng đáng là tân vương

Sơ sẩy của Sài Gòn FC từng vô địch lượt đi chỉ trong vài trận lượt về lại là một cơ hội quý giá của Viettel khi cờ đến tay. Thầy trò HLV Trương Việt Hoàng không quá cách biệt về điểm số với các đội xếp sau như Hà Nội, Sài Gòn FC, Than Quảng Ninh nhưng con người và lối chơi của họ ổn định hơn. Viettel cũng không cần thắng lớn với 8/19 trận chỉ qua mặt đối thủ một bàn. Kiểu đá thực dụng của thầy trò ông Hoàng đã giúp họ bất bại ở giai đoạn 2 với sáu trận thắng, một trận hòa và xứng đáng lên ngôi vương. Quan trọng nhất là sau trận chung kết thua Hà Nội ở Cúp Quốc gia, Viettel đã khắc phục bằng trận hòa quan trọng với chính Hà Nội.

Thất bại cay đắng của Hà Nội

Đội bóng của bầu Hiển sau khi về nhì V-League 2020 đã sớm đề xuất mùa sau đá với thể thức cũ (26 trận lượt đi - về) thay vì phân nhóm sau giai đoạn 1. Mùa này ai cũng thấy Hà Nội đá rất hay ở lượt về với những màn tấn công đẹp mắt và ghi nhiều bàn thắng. HLV Chu Đình Nghiêm may mắn có một đội hình đẹp mang danh tuyển thủ và đồng đều ở mọi tuyến. Trở thành cựu vô địch nằm ngoài sự mong muốn của họ, khi tất cả cầu thủ Hà Nội xem ngôi á quân là một sự thất bại. Giai đoạn 2 với sự trở lại của một vài ngôi sao và nhiều gương mặt trẻ kịp trưởng thành vẫn không thể giúp Hà Nội giữ ngôi vua sau một lượt đi khập khiễng.

Sân Thống Nhất đã trở lại náo nhiệt sau thời gian dài nguội lạnh.

Ảnh: PHƯƠNG NGHI

Còn nỗi ám ảnh trọng tài

Rất nhiều hạt sạn do tiếng còi hoặc cái phất biên của trọng tài đã đẩy một số CLB rơi vào thế oan ức và thua cuộc. Hơn nửa số đội V-League lên tiếng về công tác trọng tài có trình độ chưa tương xứng với sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp. Và giống các mùa trước, Ban trọng tài VFF vẫn đưa ra nhiều nguyên nhân tồn tại cũ như trọng tài trong mùa chuyển giao, lứa trẻ chưa dày dạn kinh nghiệm, thiếu bản lĩnh ở những trận cầu căng thẳng, sai sót là bình thường của con người... Tuy nhiên, cứng cáp cỡ trọng tài FIFA Ngô Duy Lân vẫn hai lần sai làm ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Đáng nói là lỗi sai nghiêm trọng ở mùa này xảy ra nhiều, làm các đội chịu thiệt thòi lớn như CLB Nam Định, TP.HCM, hay Sài Gòn FC, Hà Nội, SHB Đà Nẵng...

Những trận cầu nhạt nhẽo

Mặt trái của việc phân nhóm tranh vô địch và đua trụ hạng ở giai đoạn 2 đã nảy sinh ra nhiều trận cầu thủ tục gây chán chường cho khán giả. Nổi tiếng đá sạch, đá đẹp như cầu thủ HA Gia Lai vẫn tự buồn nản cho chính mình vì thiếu động lực khi đã sớm trụ hạng và kém nội lực để chạy đua vô địch. Tương tự, Than Quảng Ninh tung cờ trắng vì biết chắc vào nhóm trên đã không ngần ngại cho Hải Phòng mượn ba cầu thủ giỏi nhất khiến cổ động viên tẩy chay.

Nhóm dưới ngoài sự tranh chấp của Quảng Nam và Nam Định đến lượt cuối, hay trước đó còn có Hải Phòng, Thanh Hóa, thì những đội bóng khác như SL Nghệ An, SHB Đà Nẵng đều tự cho mình cái quyền chơi không hết sức.•

GIA HUY - NHƯ QUỲNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-thao/trong-nuoc/vleague-2020-va-nhung-cot-moc-kho-quen-949041.html