Uy thế của TT Putin có thể hóa giải thế đối đầu của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong 'bài toán' hóc búa Syria?

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi các đối tác của mình ở Syria là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran triển khai việc đối thoại hòa bình với các lực lượng đối lập ở Syria nhằm nỗ lực chấm dứt cuộc chiến tranh 9 năm ở quốc gia Trung Đông. Động thái này của nhà lãnh đạo Nga có thể khiến Iran và Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau?

Phát biểu trong cuộc họp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và người đồng cấp Iran Rouhani hôm 1/7, nhà lãnh đạo Nga cho biết: “Một cuộc thảo luận về vấn đề Syria nên được tăng cường theo tinh thần đề ra của Ủy ban hiến pháp tại Thụy Sỹ. Tôi đề nghị hỗ trợ quá trình này nhằm trợ giúp những người tham gia cuộc gặp và bắt đầu một cuộc đối thoại trực tiếp”.

Tuy nhiên, ở mức độ nào đó, việc ba nước đồng thuận về quá trình chuyển đổi chính trị còn chưa rõ ràng, tuy nhiên, Ankara và Tehran đã hỗ trợ rất nhiều cho các chương trình nghị sự khu vực.

Dẫu vậy, Galip Dalay, chuyên gia tại Đại học Oxford, tin rằng có một điều chắc chắn: Ở Idlib, cái gọi là “ Astana ba bên” thực sự chỉ là “Astana hai bên”, giữa Moscow và Thổ Nhĩ Kỳ mà không có Iran.

Tổng thống Putin trong cuộc họp trực tuyến

Tổng thống Putin trong cuộc họp trực tuyến

Điều này khiến Iran càng thêm quyết tâm làm suy yếu các thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, ông Galip Dalay cho biết.

Iran và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đồng điệu ở việc lợi ích của cả hai nước đều gắn với sự phản đối sự tan rã lãnh thổ của Syria và vai trò lớn hơn của Mỹ, còn lại mối quan tâm của hai nước hầu hết đều khác nhau, chuyên gia cho biết.

“Sự khác biệt giữa họ chỉ ngày càng lớn hơn’, ông Galip Dalay cho biết.

Nga và Iran là những người ủng hộ chính của chế độ Tổng thống Bashar Assad, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phe đối lập. Ba nước bắt đầu hợp tác nhằm giảm xung đột trong cuộc nội chiến ở Syria từ chương trình ngoại giao hồi năm 2017.

Bedir Mulla Reshid, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược Omran ở Istanbul cho biết Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã đối đầu gián tiếp với Syria kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu.

“Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phe đối lập chính trị và quân sự của chính phủ Syria, đối đầu với cả chính quyền ông Assad lẫn lực lượng được Iran gửi đến Syria. Đối với Iran, ngay từ ngày đầu tiên, Iran đã ủng hộ chính quyền ông Assad”, ông Bedir Mulla Reshid cho hay.

Trong cuộc họp video được truyền hình trực tiếp, một lần nữa, ông Rouhani đã cam kết Iran hỗ trợ chính phủ hợp pháp của Tổng thống Bashar Assad.

Cuộc họp ba bên tiếp theo giữa các quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức tại Iran, nhưng ngày vẫn chưa được ấn định.

Trong khi đó, vòng thứ ba đàm phán của ủy ban lập hiến Syria được LHQ giám sát sẽ được tổ chức vào tháng tới.

Ủy ban gồm 150 thành viên, ra mắt tại Geneva vào tháng 10/2019, bao gồm chính phủ Syria và các nhà lãnh đạo phe đối lập, cũng như các đại diện dân sự.

Ankara đã ngăn chặn Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd Syria (PYD) mà họ coi là một nhóm khủng bố, tham gia các cuộc đàm phán ở Geneva.

Theo ông Reshid, Iran hy vọng sẽ tăng cường ảnh hưởng ở Syria thông qua các lực lượng dân quân và các tổ chức cứu trợ.

Joe Macaron, một nhà phân tích chính sách đối ngoại ở Trung Đông tại Trung tâm Ả Rập có trụ sở tại Washington, nói rằng các động thái ở khu vực, đặc biệt là lệnh trừng phạt của Đạo luật Caesar Mỹ áp đặt với Syria đã gây trở ngại cho việc tiến tới hình thành sự ổn định chính trị.

Đạo luật Caesar có hiệu lực vào ngày 17 tháng 6 năm 2020, với các lệnh trừng phạt nhắm vào chính phủ Syria vì cáo buộc gây “tội ác chiến tranh”.

“Idlib vẫn là một vấn đề gây tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, trong khi đó xung đột vẫn tiếp diễn giữa Moscow và Washington ở phía đông bắc Syria”, ông Mac Macaron cho hay.

Theo chuyên gia này, các quốc gia đối thủ, dường như rất quan tâm đến việc dành thời gian để củng cố ảnh hưởng của họ và không sẵn sàng giải quyết xung đột theo các điều khoản hiện tại.

Tuy nhiên, chính quyền Syria sẵn sàng thực hiện một quá trình chuyển đổi chính trị bằng cách nhượng bộ cũng là điều có thể xảy ra.

Ông Anton Mardasov, học giả của Viện Trung Đông tại Syria cho rằng, giải pháp thỏa hiệp của Syria có thể diễn ra trong khoảng thời gian dài.

Và Moscow tiếp tục nắm giữ vai trò là trung gian hòa giải. Trong khi đó, trọng tâm chính của các cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga dường như là về phần phía đông của Syria. Moscow có khả năng sẽ phê duyệt các hoạt động của Ankara để gây áp lực lên người Kurd một lần nữa, chuyên gia nhận định.

Vũ Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/uy-the-cua-tt-putin-co-the-hoa-giai-the-doi-dau-cua-iran-va-tho-nhi-ky-trong-bai-toan-hoc-bua-syria-a481217.html