Uy lực tiêm kích Rafale - 'ngôi sao' của Không quân Pháp

Dassault Rafale là máy bay chiến đấu đa nhiệm hiện đại nhất do Pháp sản xuất, được xem là quân át chủ bài của không quân nước này và từng tham gia các chiến dịch quân sự nước ngoài gần đây mà Paris tham gia.

Rafale hiện là chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Pháp, do tập đoàn Dassault Aviation, một trong những hãng chế tạo máy bay lâu đời nhất thế giới sản xuất. Rafale phục vụ trong Không quân Pháp từ đầu những năm 2000 nhưng đã trải qua nhiều đợt nâng cấp với nhiều phiên bản khác nhau.

Nguyên mẫu thử nghiệm công nghệ mang tên "Rafale A", một tiêm kích cỡ nhỏ, cất cánh lần đầu vào ngày 4-7-1986, khởi đầu quá trình bay thử kéo dài 8 năm để mở đường cho dự án Rafale. Dự án này sau đó được Pháp chăm chút để cho ra đời loại chiến đấu cơ hiện đại, đủ sức thực hiện nhiều loại nhiệm vụ khác nhau.

Được kỳ vọng sẽ đưa vào biên chế năm 1996, nhưng Rafale chỉ được trang bị cho không quân và hải quân Pháp từ tháng 5-2001 do tình trạng cắt giảm ngân sách hậu Chiến tranh Lạnh. Dòng Rafale sau đó được phát triển thành ba phiên bản, gồm biến thể B hai chỗ ngồi và C một chỗ ngồi cho không quân, cùng mẫu Rafale M của hải quân.

Hiện tại, các phiên bản của Rafale đang tiếp tục được chế tạo để sử dụng cho cả các căn cứ trên mặt đất của Không quân Pháp và trên tàu sân bay của Hải quân Pháp. Một phiên bản rút gọn cũng sẵn sàng xuất xưởng nếu các đối tác quốc tế có nhu cầu.

Tiêm kích Rafale có thiết kế bất ổn định khí động học để tối ưu khả năng cơ động trong không chiến. Nó có một hệ thống điều khiển điện tử (FBW) cực kì tinh vi để bảo đảm an toàn. Dassault cho hay hệ thống điện tử hàng không trung tâm của Rafale được module hóa, giúp kiểm soát toàn bộ tính năng chính của tiêm kích như điều khiển bay, hợp nhất dữ liệu, dẫn bắn cho vũ khí...

Dù không được ứng dụng công nghệ tàng hình do chi phí quá cao, Rafale vẫn có diện tích phản xạ radar (RCS) thấp, khiến nó rất khó bị đối phương phát hiện. Trong khi đó, radar của Rafale là loại ASEA RBE2 AA, giúp nó phát hiện các mục tiêu đường không từ khoảng cách trên 200 km.

Rafale cũng có hệ thống trinh sát quang - điện bán cầu trước (OSF), có khả năng phát hiện mục tiêu trong dải ánh sáng thường và hồng ngoại để tránh "đánh động" đối phương khi ra đòn.

Nhờ khả năng tối ưu hóa tốt nên Rafale sở hữu một khoang lái (cockpit) rất gọn gàng và hiện đại. Nhà sản xuất Dassault nói rằng giá trị cho các hệ thống điện tử, thông tin chiếm tới 30% tổng giá trị của mỗi chiếc Rafale.

Về động cơ, Rafale được trang bị 2 động cơ phản lực Smecma M88, lực đẩy khoảng 50 kN/chiếc và lên đến 70 kN khi đốt nhiên liệu phụ trợ. Động cơ sử dụng hệ thống kiểm soát nhiên liệu kỹ thuật số giúp tăng lực đẩy, tiết kiệm nhiên liệu và giảm bức xạ hồng ngoại. Hai động cơ này đủ sức đưa Rafale di chuyển ở tốc độ tối đa 1.912 km/h ở cao độ lớn và 1.390 km/h ở độ cao thấp.

Phiên bản Rafale M cho Hải quân có khả năng mang từ 6-8 tấn vũ khí, trong khi mẫu Rafale B/C có 14 giá treo vũ khí, trong đó 5 giá treo có thể mang đến 9 tấn khí tài hạng nặng như tên lửa đối không và đối đất, bom dẫn đường, tên lửa chống hạm, tên lửa hạt nhân và các cụm thiết bị trinh sát. Máy bay cũng có một pháo GIAT 30 DEFA cỡ nòng 30 mm để sử dụng trong các nhiệm vụ không chiến tầm gần.

Theo các nguồn tin, tổng cộng có 165 tiêm kích Rafale đã được xuất xưởng, mỗi chiếc có giá khoảng 91-98 triệu USD, chưa kể tới các hệ thống vũ khí và chi phí phụ tùng bảo dưỡng. Đây được xem là một trong những loại tiêm kích đắt đỏ nhất thế giới.

Theo thông báo của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, có 3 tiêm kích đa năng Rafale B, một máy bay vận tải Airbus A400M, một máy bay tiếp vận C-135 và một chiếc C-310 cùng 100 sĩ quan Pháp đang có chuyến thăm tới Việt Nam trong khuôn khổ chiến dịch PEGASE.

PEGASE là tên viết tắt của chiến dịch Triển khai Đội hình không quân Tầm cỡ tại Đông Nam Á ở châu Á - Thái Bình Dương, diễn ra sau khi đội hình máy bay Pháp tham gia đợt diễn tập Pitch Black tại Australia. Dàn máy bay cũng ghé thăm Indonesia, Malaysia, Singapore và Ấn Độ trong khuôn khổ PEGASE.

Theo đại diện Đại Sứ quán Pháp, sự kiện trên nhằm kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược. Đây là lần đầu tiên sau năm 1954, máy bay quân sự của Pháp chính thức bay và hạ cánh xuống sân bay Việt Nam.

Thiện Minh (Ảnh: Tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vu-khi-chien-tranh/uy-luc-tiem-kich-rafale-ngoi-sao-sang-nhat-cua-khong-quan-phap-507757/