Uy lực tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm B-05 của Ấn Độ

Ấn Độ vừa gia nhập hội các quốc gia có trong biên chế tên lửa chiến lược phóng từ tàu ngầm trang bị đầu đạn hạt nhân. Trước đây, công nghệ này chỉ được sở hữu bởi Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc và Pháp.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã hoan nghênh 2 nhà khoa học phát triển tên lửa chiến lược phóng từ tàu ngầm B-05 trong một buổi lễ của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) vào hôm 14-5.

Các nhà khoa học Ấn Độ từng thử nghiệm phóng tên lửa B-05 lần đầu tiên vào năm 2013. Sau nhiều cải tiến, loại tên lửa này đã được triển khai lên tàu ngần INS Arihant và Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển phiên bản phóng từ trên bộ của B-05.

B-05 từng có tên gọi K-15 Sagarika và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Nguyên bản ban đầu có chiều dài 6,5m, trọng lượng 7 tấn, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, đạt tầm bắn 650km, sau số mục tiêu khoảng 25m.

Tuy nhiên, sau các cải tiến, B-05 được cho là đang có chiều dài là 10m, đường kính 1m, trọng lượng phóng 10 tấn và tầm bắn 750km.

Trước đây, có thông tin, Ấn Độ sẽ phát triển B-05 thành 2 biến thể, một là tên lửa đạn đạo, hai là tên lửa hành trình. Cả 2 biến thể này đều được thiết kế để phóng từ tàu ngầm.

Các nhà khoa học Ấn Độ hiện cũng đang nghiên cứu thêm các tên lửa phóng từ tàu ngầm khác trong nhiều năm qua. Tên lửa K-4 với tầm bắn 3500km được cho là đã thử nghiệm thành công 3 lần.

Trong khi đó, tên lửa K-5 với tầm bắn 5000km và K-6 với tầm bắn 6000km cũng đang được phát triển.

Đặng Vũ (Theo Sputnik)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-uy-luc-ten-lua-hat-nhan-phong-tu-tau-ngam-b05-cua-an-do/767891.antd