Ủy ban Về các vấn đề xã hội thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Chiều 13/9, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp còn có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành có liên quan.

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, việc phòng, chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cần thiết phải được Nhà nước và xã hội quan tâm giải quyết với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, góp hạn chế tác hại của rượu, bia; hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Thứ trưởng Bộ Y tế trình bày Tờ trình

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, rượu, bia là thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển con người bền vững bởi những ảnh hưởng tiêu cực đến cả ba khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế. Sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Trên thực tế, tình hình sử dụng rượu, bia đang ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh qua các năm. Do đó, rất cần thiết ra đời một đạo luật để thể chế các chính sách nhằm giảm hậu quả do sử dụng rượu bia gây ra, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, hoàn thiện thể chế về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm. Đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập, khoảng trống của pháp luật về phòng chống tác hại rượu bia hiện nay. Tăng tính khả thi, đồng bộ của các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nhất là quản lý sản xuất rượu thủ công, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo hài hòa với các lợi ích sức khỏe cộng đồng.

Các đại biểu tại phiên thảo luận

Thảo luận tại cuộc họp, các Thành viên Ủy ban và đại biểu tham dự cho rằng, cơ bản nội dung của Dự thảo đã đảm bảo được yêu cầu; Dự thảo Luật lần này cũng đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu tại phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội ngày 30.8. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cụ thể trong Dự thảo Luật cần được nghiên cứu, xem xét cho kỹ lưỡng để đảm bảo sự thống nhất của Dự luật với các Bộ luật, Luật trong hệ thống pháp luật hiện hành, tránh chồng chéo; đảm bảo tính khả thi của từng quy định khi luật đi vào cuộc sống.

Cho ý kiến vào từng nội dung cụ thể của dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, một số đại biểu cho rằng, cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng về tên Luật. Cụ thể, nếu dùng tên gọi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia thì mặc nhiên khẳng định rượu bia chỉ có tác hại và không có lợi cho sức khỏe, còn nếu sử dụng ở mức độ vừa phải, liều lượng chuẩn, thời gian đúng thì rượu, bia cũng có một số lợi ích nhất định. Do đó một số đại biểu đề nghị cân nhắc nên sử dụng tên Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia. Một số đại biểu cũng cho rằng, hiện tại, ở Việt Nam đang không kiểm soát được 200 triệu lít rượu nấu thủ công, rượu lậu và 28% sản lượng bia, rượu trên thị trường là bất hợp pháp. Do đó, việc xây dựng luật hiện nay cần tập trung vào các vấn đề quản lý rượu do người dân tự nấu; tăng cường việc thực thi các chính sách pháp luật liên quan đến việc sản xuất kinh doanh và sử dụng rượu, bia; đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi hành vi và xây dựng văn hóa uống rượu, bia..

Ngoài ra, một số đại biểu cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đối với đồng bào dân tộc phải có hình thức tuyên truyền bằng tiếng dân tộc, có như vậy thì việc phòng chống tác hại của rượu bia mới đạt được kết quả cao nhất.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Thường trực Ủy ban ủng hộ việc trình Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thống nhất tên gọi cua luật là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh các quy định cụ thể của dự luật, bảo đảm tính khả thi; đồng thời, hoàn thiện các vấn đề về thủ tục hồ sơ dự án Luật, bảo đảm đúng yêu cầu và tiến độ trình sang các cơ quan của Quốc hội thẩm tra chính thức./.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=37225