Ủy ban Về các vấn đề xã hội tán thành chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu

Về nguyên tắc, Ủy ban tán thành chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung đối với người lao động nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Sáng 20/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ủy ban - cơ quan thẩm tra dự án Bộ luật Lao động sửa đổi)) cho biết, về tuổi nghỉ hưu, Chính phủ đã trình quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Bên cạnh các ý kiến đồng tình, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn về quy định tuổi nghỉ hưu, về việc áp dụng cùng một lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu chung cho các đối tượng lao động khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban cho biết, về nguyên tắc, tán thành với chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung đối với người lao động nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng với mục tiêu lâu dài để chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Tuy nhiên, cùng với ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, qua quá trình lấy ý kiến về dự thảo bộ luật cho thấy, trong số các ý kiến đồng tình với quy định về tuổi nghỉ hưu, vẫn còn có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, chỉ nên quy định về nguyên tắc để giao Chính phủ quy định, hướng dẫn cho phù hợp căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số... và không nhất thiết phải có lộ trình như nhau đối với các nhóm lao động khác nhau.

Quan điểm thứ hai cho rằng, cần quy định rõ lộ trình thực hiện trong dự thảo Bộ luật như phương án Chính phủ trình tại kỳ họp Quốc hội.

Do còn có ý kiến khác nhau và đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động nên Ủy ban báo cáo đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai phương án quy định về tuổi nghỉ hưu để xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý về ý kiến: Bên cạnh Bộ luật Lao động còn một số luật chuyên ngành có quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn. Ví dụ như khoản 3 Điều 187 giao Chính phủ quy định những trường hợp nào được làm việc kéo dài thêm; Luật Tổ chức tòa án, kiểm sát đã luật hóa một số trường hợp có thể làm việc thêm nhưng không giữ chức vụ, đang là Giáo sư, Phó giáo sư thì thôi chức Viện trưởng, thôi chức Hiệu trưởng... nhưng vẫn được tiếp tục làm giảng dạy và nghiên cứu.

Do đó, vấn đề nào mà đã được chứng minh trong thực tiễn đúng đắn thì kỳ họp này cần luật hóa để giảm bớt các điều, khoản mà Chính phủ phải hướng dẫn.

H.HÀ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chinh-tri-xa-hoi/uy-ban-ve-cac-van-de-xa-hoi-tan-thanh-chu-truong-tang-tuoi-nghi-huu-3521255.html