ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG GIÁM SÁT TẠI THÁI BÌNH: KINH PHÍ ĐẦU TƯ CHO VĂN HÓA CÒN THẤP

Báo cáo với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tại buổi làm việc sáng ngày 15/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình nêu ra nhiều khó khăn, trong đó kinh phí đầu tư cho lĩnh vực văn hóa ở một số địa phương thấp; cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, khu vực tập luyện… phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao còn hạn chế; thiếu cán bộ chuyên môn và quản lý văn hóa cấp huyện, xã.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Văn Tuyết chủ trì buổi làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Văn Tuyết chủ trì buổi làm việc

190/565 di tích cấp tỉnh có bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện hoàn thành việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại 5/8 huyện, thành phố (Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Hưng Hà, Vũ Thư, Thành phố), đang thực hiện kiểm kê tại 2 huyện Kiến Xương và Tiền Hải. Toàn tỉnh hiện có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 115 di tích quốc gia và 565 di tích cấp tỉnh; trong đó 2 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích quốc gia, và 190 di tích cấp tỉnh có bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích. Những năm gần đây, bên cạnh một số di tích được cấp ngân sách để tu bổ, tôn tạo, rất nhiều di tích được nhân dân tự nguyện đóng góp để trùng tu, sửa chữa. Tuy vậy, cũng có những di tích xuống cấp nghiêm trọng không huy động được các nguồn lực để tu bổ, tôn tạo như: Chùa Bến, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy; đền Buộm, xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà...

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa 11 di sản văn hóa phi vật thể vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều giao nhiệm vụ cho Nhà hát Chèo Thái Bình và Trung tâm Văn hóa tỉnh bố trí một phần ngân sách để bảo tồn nghệ thuật truyền thống như: Các làn điệu chèo cổ, hát ca trù, múa dân gian... Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, thành phố thường xuyên mở các lớp dạy dân ca, dân vũ, tạo điều kiện cho các câu lạc bộ, đội tế nam quan, nữ quan được thực hành nghi lễ tại các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chỉ rõ, công tác phối hợp trong quản lý các di tích, cơ sở tín ngưỡng và cơ sở tôn giáo chưa chặt chẽ; một số cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo làm lấn, làm trái trong tu bổ, tôn tạo, mở rộng diện tích. Công tác quản lý di tích ở một số địa phương còn lơi lỏng. Kinh phí đầu tư cho lĩnh vực văn hóa thấp, ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng các hoạt động văn hóa. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao còn khó khăn, thiếu thốn. Đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn thiếu và yếu, chưa được đào tạo bài bản. Chưa có chế độ ưu đãi đặc thù đối với nghệ sĩ, nghệ nhân.

Phát triển du lịch bền vững, có chiều sâu

Thái Bình chủ trương phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển các sản phẩm đặc trưng, khai thác các lợi thế về truyền thống văn hóa, đặc điểm sinh thái địa phương. Phát triển du lịch Thái Bình đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với du lịch các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, đặc biệt với các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình… để phát huy lợi thế về vị trí cũng như những giá trị đặc trưng về sản phẩm du lịch. Duy trì phát triển du lịch tâm linh để tăng cường thu hút khách du lịch nội địa; đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với văn minh lúa nước sông Hồng; mở rộng phát triển du lịch sinh thái biển để đa dạng hóa sản phẩm du lịch và tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình Trương Thị Hồng Hạnh báo cáo một số vấn đề Đoàn giám sát quan tâm

Tỉnh tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng: Điểm du lịch Đền Trần (khu mộ các vua Trần), khai thác gắn với cụm di tích Đình - Đền - Bến Tượng, A Sào; Điểm du lịch chùa Keo (tham quan nghiên cứu kiến trúc, nghệ thuật); Khu du lịch cộng đồng trải nghiệm nông nghiệp gắn với văn minh lúa nước sông Hồng; Khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ mát, tắm biển cuối tuần Cồn Đen; Khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ mát, tắm biển cuối tuần Cồn Vành.

Khai thác đúng hướng các di sản văn hóa

Đoàn giám sát đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình, qua báo cáo và trao đổi thẳng thắn đã cung cấp nhiều thông tin cho đoàn về các lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đoàn giám sát cũng ghi nhận, Thái Bình đã có một số cơ chế, chính sách cụ thể như hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, xã, hay chính sách hỗ trợ một lần cho vận động viên…

Thành viên Đoàn giám sát mong muốn tỉnh có cơ chế, chính sách để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, khai thác đúng hướng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Với cơ sở vật chất đã có, Đoàn giám sát lưu ý, tỉnh cần trang bị thiết bị và bố trí con người vận hành, để người dân được hưởng thụ các thiết chế văn hóa đó, nâng cao đời sống tinh thần. Tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách huy động thêm các nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa, khai thác đúng hướng để phục vụ phát triển du lịch, từ đó đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Quan tâm xây dựng phong trào xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở bảo đảm thực chất, tránh chạy theo số lượng một cách hình thức.

Về phát triển du lịch, tập trung nghiên cứu xây dựng các sản phẩm đặc thù, riêng có của Thái Bình, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương…

+ Cũng trong buổi làm việc sáng 15/9, Đoàn giám sát đã nghe các báo cáo và trao đổi về công tác tín ngưỡng, tôn giáo, và lĩnh vực thông tin, báo chí, xuất bản trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=48322