ỦY BAN TƯ PHÁP CỦA QUỐC HỘI HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 6: THẨM TRA PHÁP LỆNH XỬ PHẠT VPHC ĐỐI VỚI HÀNH VI CẢN TRỞ HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG

Sáng 29/7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể lần thứ 6.

Tham dự phiên họp có Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các cơ quan hữu quan cùng các Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp

Phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp

Theo chương trình, tại phiên họp này Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiến hành thẩm tra dự án Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng và làm việc với các cơ quan về kết quả giám sát “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân”.

Cần thiết ban hành Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Tại phiên thẩm tra dự án Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, các đại biểu đã nghe Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ trình bày Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao về dự án Pháp lệnh.

Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao cho biết, khoản 3 Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “Căn cứ quy định của Luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng”. Như vậy Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm vụ ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ trình bày Tờ trình

Bên cạnh đó, thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng cho thấy, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp. Trong khi đó, pháp luật nước ta chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng nằm rải rác trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Các loại hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng chữa được quy định cụ thể, dẫn đến việc xử phạt hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao, việc ban hành một văn bản pháp luật thống nhất và chi tiết là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tổ tụng, giáo dục công dân chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra, nâng cao uy tín của cơ quan nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của Tòa án, bảo đảm sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng, tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.

Dự thảo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng trình tại phiên họp gồm 04 chương, 46 điều. Cụ thể, chương I quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; áp dụng các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng; đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng; hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng; mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền; các biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đổi với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Chương II quy định về các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. Chương III quy định về thẩm quyền, thủ tục xử phạt của Tòa án nhân dân, Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy điều hành phiên thảo luận

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến tán thành với với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh và tên gọi là Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng thực hiện đúng và kịp thời theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số 443/NQ-UBTVQH15 ngày 30/12/2021 ban hành Chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự thảo Pháp lệnh đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và cơ bản thống nhất với Luật Xử phạt vi phạm hành chính, các luật, pháp lệnh có liên quan như: Bộ luật Tô tụng hình sự; Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Tô tụng hành chính; Pháp lệnh xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân; Pháp lệnh xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển và Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay. Đồng thời, các quy định của dự thảo Pháp lệnh cơ bản bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn thi hành, đáp ứng mục đích, yêu cầu của việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Đặc biệt các đại biểu đã đánh giá cao sự tích cực, chủ động trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Do dự thảo Pháp lệnh được xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại 01 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian gấp rút, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao tham gia từ sớm trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo; tổ chức nhiều cuộc họp trao đổi về các nội dung của dự thảo Pháp lệnh. Để từ đó nhiều nội dung lớn của dự thảo Pháp lệnh đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, đạt được sự đồng thuận của các cơ quan.

Nhất trí với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Phan Thị Nguyệt Thu cho biết, thực tiễn công tác tại Tòa án đã cho thấy các hành vi mà cản trở hoạt động tố tụng diễn ra rất nhiều và phức tạp trên tất cả các hoạt động từ hình sự, dân sự, hành chính... Nếu như những hành vi cản trở hoạt động tố tụng này mà không được xử lý một cách kịp thời không những ảnh hưởng về tiến độ, chất lượng và tính nghiêm minh của pháp luật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Phan Thị Nguyệt Thu phát biểu tại phiên họp

Mặt khác, việc quy định chưa rõ ràng và quy định rải rác ở nhiều văn bản dẫn đến khó khăn trong xử lý vi phạm các hành vi này dẫn đến mặc dù các hành vi vi phạm diễn ra nhiều nhưng trên thực tế lại chưa xử lý nhiều. Đại biểu nhấn mạnh cả về lý luận và thực tiễn đều cho thấy ban hành Pháp lệnh là cấp bách và cần thiết.

Tiếp tục rà soát để quy định về các chủ thể và hành vi bảo đảm đồng bộ, thống nhất

Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao cũng cho biết trong quá trình soạn thảo phát sinh vấn đề thẩm quyền xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra trong quá trình Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự Trung ương và Cơ quan điều tra của Quân đội nhân dân thực hiện các hoạt động tố tụng. Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định về người có thẩm quyền xử phạt của các chủ thể này vì vậy đã dẫn đến khó khăn, vướng mắc về việc xác định thẩm quyền xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Để khắc phục vướng mắc của thực tiễn, bảo đảm mọi hành vi cản trở hoạt động tố tụng phải được xử lý nghiêm minh, do đó dự thảo Pháp lệnh phân định thẩm quyền xử phạt cho người có thẩm quyền của Công an nhân dân, Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng khi Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự Trung ương và Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động tố tụng.

Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng, nên quy định cả hai chủ thể là Công an nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi xảy ra hành vi vi phạm có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự trong quá trình cơ quan, người có thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố và những hành vi vi phạm đối với các cơ quan nêu trên xảy ra ngoài trụ sở Tòa án hoặc ngoài phiên tòa, phiên họp trong giai đoạn Tòa án xét xử vụ án.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại phiên họp

Đây là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên họp. Theo đó, nhiều ý kiến tán thành với dự thảo Pháp lệnh quy định thẩm quyền xử phạt. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị đồng thời bổ sung cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thẩm quyền xử phạt hành chính đối với một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng phù hợp với phạm vi quản lý.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành không quy định thẩm quyền xử phạt của Viện kiểm sát nhân dân và của các Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương là chưa phù hợp với thực tiễn. Do đó, cần tiến hành rà soát để sửa đổi, bổ sung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính để bảo đảm đồng bộ, thống nhất.

Nhất trí với việc không quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho rằng đây là những xử phạt đối với những hành vi vi phạm trong hoạt động tố tụng. Do đó, chỉ nên quy định cho các cơ quan tiến hành tố tụng, những cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền xử phạt, không nên quy định Ủy ban nhân dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết, hoạt động tố tụng là quá trình xuyên suốt bắt đầu từ khi xử lý tin báo, tố giác tội phạm đến điều tra, truy tố, xét xử và đến giai đoạn thi hành án. Nhưng trên thực tế quy định xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng lại ngắt quãng. Trong thi hành án dân sự quy định tại Nghị định số 182/2004/NĐ-CP; trong lĩnh vực thi hành án hình sự lại được quy định trong Nghị định 144/2021/NĐ-CP và đến nay xử lý vi phạm hành chính tại tòa giao trong Pháp lệnh này. Còn giai đoạn điều tra, truy tố, xử lý tin báo, tố giác về mặt nguyên lý là quy định trong Pháp lệnh này nhưng lại không lật lại, không quy định thẩm quyền của chủ thể trong những giai đoạn tương ứng.

Ghi nhận dự thảo Pháp lệnh rà soát để quy định thống nhất các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính và có bổ sung theo Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay, Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa, Pháp lệnh trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa người nghiện từ 12 đến 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc,… Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đề nghị cần phải tiếp tục rà soát các văn bản liên qua, các giai đoạn có sự giải quyết trực tiếp giải quyết của tòa án và sự kiểm soát của Viện kiểm sát để cụ thể thêm, quy định đồng bộ trong Pháp lệnh này. Chỉ rõ Quốc hội vừa ban hành Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị rà soát để bổ sung theo luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga kết luận phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Tư pháp sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra; đồng thời tiếp tục phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao trong quá trình hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh để trình Ủy ban Thường vụ Quóc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọi tại phiên họp tháng 8 tới.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp toàn thể Ủy ban

Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban tham dự phiên họp

Các thành viên Ủy ban Tư pháp tham dự phiên họp

Phó Chánh án thường trực TAND Nguyễn Trí Tuệ trình bày Tờ trình

Viện trưởng VKSND Vĩnh Phúc Lê Tất Hiếu phát biểu tại phiên họp

Đại diện Bộ Quốc Phòng phát biểu tại phiên họp

Đại diện Bộ Tư pháp phát biểu tại phiên họp

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Vũ Trọng Kim

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=66966