Ủy ban Tư pháp: Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn về tình hình tham nhũng

Ủy ban Tư pháp đánh giá, Báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan về phòng, chống tham nhũng vẫn chưa khắc phục được sự không thống nhất, thiếu chính xác về số liệu thống kê.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra.

Tiếp tục phiên họp thứ 48, sáng 14/12 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2020 của Chính phủ.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khái quát, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có những tác động lớn, chưa từng có do đại dịch Covid-19 và thiên tai gây ra công tác phòng, chống tham nhũng đã không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.

Đồng tình với đánh giá của Chính phủ là tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, song Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có đánh giá cụ thể về tình hình tham nhũng năm 2020 để báo cáo trước Quốc hội theo đúng quy định của Luật Phòng chống tham nhũng

Quan chức vẫn bảo kê cho hành vi vi phạm pháp luật

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, công tác phòng ngừa tham nhũng trong một số ngành, lĩnh vực, địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định.

Hạn chế được cơ quan thẩm tra nhấn mạnh là việc thực hiện quy tắc ứng xử và kiểm soát xung đột lợi ích trên một số lĩnh vực chưa thực sự chuyển biến. Còn nhiều trường hợp thực hiện quy tắc ứng xử chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra ...

Một số vụ việc được nêu sau đó là Hồ Đình Tuấn, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Đak Rơ Nga (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đak Tô, Kon Tum) thiếu tinh thần trách nhiệm, để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng trong thời gian dài, Chi cục Kiểm lâm Kon Tum đã đề xuất chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho Cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục điều tra, làm rõ.

Bên cạnh đó báo chí phản ánh hàng nghìn ha rừng tại tỉnh Gia Lai bị tàn phá, có dấu hiệu của sự bảo kê, tiếp tay của cán bộ bảo vệ rừng nên lâm tặc dễ dàng vận chuyển gỗ lậu qua trạm kiểm soát…

Cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để nhũng nhiễu, gây phiền hà nhằm vụ lợi khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp vẫn xảy ra khá phổ biến ; thậm chí có những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi tham nhũng, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Đánh giá còn sơ lược

Trong phần "Dự báo tình hình tham nhũng", Báo cáo của Chính phủ đánh giá: “tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi”.

Cơ bản tán thành với nhận định này, song Ủy ban Tư pháp cho rằng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức tiếp tục có những diễn biến phức tạp; nhất là tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc vẫn còn diễn ra nghiêm trọng, xuất hiện tình trạng lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để tham nhũng; bảo kê cho xã hội đen, buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm diễn ra phức tạp…

Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra thì ngoài một vài nội dung sơ lược về tình hình tham nhũng như đã đề cập ở trên, trong phần "Đánh giá tình hình tham nhũng" Chính phủ chưa đánh giá về tình hình tham nhũng năm 2020.

"Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc đánh giá, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình tham nhũng năm 2020 sẽ là cơ sở quan trọng cho việc dự báo về tình hình tham nhũng giai đoạn tới để đề ra giải pháp phòng chống tham nhũng sát thực, hiệu quả. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có đánh giá cụ thể về tình hình tham nhũng năm 2020 để báo cáo trước Quốc hội theo đúng quy định của Luật Phòng chống tham nhũng" - Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo cơ quan thẩm tra thì việc thống kê, báo cáo số liệu chính xác về kết quả phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá tình hình, diễn biến của tội phạm tham nhũng và đề ra các giải pháp giải quyết; tuy nhiên, trong các Báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan vẫn chưa khắc phục được sự không thống nhất, thiếu chính xác về số liệu thống kê.

Cụ thể, theo Báo cáo số 395/BC-CP ngày 3/9/2020 của Chính phủ, các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân khởi tố mới 286 vụ (tăng 15 vụ so với cùng kỳ năm 2019). Nhưng theo Báo cáo số 39 ngày 31/8/2020 của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, các lực lượng chức năng đã phát hiện 242 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (giảm 13,88). Theo Báo cáo số 156/BC-VKSTC ngày 19/8/2020 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, tội phạm về tham nhũng, chức vụ giảm 8,4%....

Ủy ban Tư pháp cũng nhắc nhở, tại báo cáo thẩm tra công tác phòng chống tham nhũng năm 2019, Ủy ban đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá, nhận diện về tình trạng “tham nhũng vặt”, tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tham nhũng trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng để có giải pháp phòng, chống; tổng kết, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp. Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện các kiến nghị trên của Ủy ban Tư pháp.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/uy-ban-tu-phap-chinh-phu-can-danh-gia-cu-the-hon-ve-tinh-hinh-tham-nhung-d129508.html