Ủy ban Tư pháp cảnh báo tình trạng lợi dụng thiên tai, dịch bệnh

Tham nhũng chủ yếu vẫn xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm, song đã xuất hiện tình trạng lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Ảnh minh họa.

Đó là lưu ý của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khi thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Với báo cáo đó, Ủy ban Tư pháp đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng trong năm 2020, ở điểm: “Tham nhũng được kiềm chế, từng bước được ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm”.

Đồng thời, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với những dự báo của Chính phủ về tình hình tham nhũng “vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện”.

Ủy ban Tư pháp cho rằng, bên cạnh tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc thì tình hình tham nhũng vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm như quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, tín dụng - ngân hàng, quản lý sử dụng tài chính, vốn, tài sản công.

Đáng chú ý của năm 2020 là xuất hiện tình trạng lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để tham nhũng; xuất hiện tham nhũng trong việc thực hiện xã hội hóa, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Một số vụ việc được dẫn tại báo cáo như vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội. Tại đây, một số lãnh đạo, cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai đã lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, đã liên kết với nhà thầu để nâng giá thiết bị lên nhiều lần, đẩy giá dịch vụ lên cao nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người bệnh)…

Vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội.

Các vụ việc tiêu cực trong việc chi trả gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 xảy ra tại một số địa bàn cấp xã của các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Thuận, Nghệ An, Hòa Bình, Gia Lai Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Trị...

Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý về tội phạm tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia, tham nhũng thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam; bảo kê cho xã hội đen, buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm… và đề nghị Chính phủ cần phải tổng kết, đánh giá, nhận diện để dự báo đúng tình hình tham nhũng và đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả, sát với tình hình thực tế.

Năm nay, Ủy ban Tư pháp vẫn nhắc lại một nhận định quen thuộc: số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng; việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm, nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Bên cạnh đó, hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng do cơ quan điều tra chuyên trách phát hiện, khởi tố, điều tra còn ít. Chất lượng và tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu, một số vụ việc phải tạm đình chỉ điều tra do hết thời hạn điều tra chưa có kết quả giám định, định giá tài sản; còn có vụ án phải đình chỉ do không chứng minh được tội phạm ; một số trường hợp đình chỉ điều tra chưa đúng quy định của pháp luật; vẫn còn đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, gây bức xúc trong dư luận.

Vẫn còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN), làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đây là những vấn đề cần được Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Ủy ban thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp đã được nêu tại báo cáo thẩm tra công tác PCTN năm 2019.

Khi đó, Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá, nhận diện về tình trạng “tham nhũng vặt”, tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tham nhũng trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng để có giải pháp phòng, chống; tổng kết, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp.

LAM GIANG

Nguồn BizLIVE: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/tham-nhung-thien-tai-dich-benh-3553646.html