ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI THÔNG QUA VIỆC THÀNH LẬP THÀNH PHỐ HỒNG NGỰ, TỈNH ĐỒNG THÁP

Thực hiện Phiên họp thứ 48, sáng ngày 18/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua việc thành lập thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Sau khi nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra, giải trình của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về Đề án thành lập phường An Bình A, phường An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự và thành lập thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành biểu quyết.

Tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: Với 100% thành viên biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức thông qua việc thành lập thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức thông qua việc thành lập thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp với 100% ủy viên tán thành.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra Đề án thành lập phường An Bình A, phường An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự và thành lập thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, ngày 09/9/2020, Ủy ban Pháp luật đã có Báo cáo số 3477/BC-UBPL14 thẩm tra Tờ trình số 354/TTr-CP ngày 31/7/2020 của Chính phủ về Đề án thành lập phường An Bình A, phường An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự và thành lập thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Liên quan đến việc thành lập Tòa án Nhân dân (TAND) và Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) ở thành phố Hồng Ngự, TAND tối cao, VKSND tối cao đã có Tờ trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có văn bản thống nhất với đề nghị của Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao.

Tại phiên họp thẩm tra, các thành viên Ủy ban Pháp luật đã đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Đồng Tháp giải trình, làm rõ thêm một số nội dung sau:

Về tên gọi của thành phố Hồng Ngự: Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện đang tồn tại 02 đơn vị hành chính cấp huyện cùng có tên gọi, gồm huyện Hồng Ngự (thành lập năm 1813) và thị xã Hồng Ngự (được thành lập năm 2008 trên cơ sở tách một phần từ huyện Hồng Ngự). Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 của Nghị quyết số 1211 thì “Tên của đơn vị hành chính cấp huyện thành lập mới không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh”. Tuy nhiên, theo Tờ trình và Đề án, Chính phủ và tỉnh Đồng Tháp đề nghị sau khi được nâng cấp lên thành phố thì vẫn lấy tên gọi là thành phố Hồng Ngự. Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, hiện nay, một số địa phương có tên gọi của các đơn vị hành chính cùng cấp trùng nhau trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc cấp huyện. Điều này phần nào gây khó khăn, nhầm lẫn trong giao dịch hằng ngày không những của người dân mà còn cả đối với hoạt động quản lý nhà nước (do trong quá trình giao dịch chỉ ghi mỗi tên, không ghi rõ đó là thị xã, thành phố hay huyện). Vì vậy, khi ban hành Nghị quyết số 1211, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định tên của đơn vị hành chính cấp huyện thành lập mới không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Do đó, việc lấy tên gọi là thành phố Hồng Ngự không phù hợp với quy định của Nghị quyết số 1211, đề nghị nghiên cứu, đổi tên gọi của đơn vị hành chính để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: Tại phiên họp thẩm tra, trên cơ sở giải trình của đại diện Chính phủ (Bộ Nội vụ), các thành viên Ủy ban Pháp luật và đại diện Thường trực Ủy ban Tư pháp đã thảo luận, làm rõ vấn đề tên gọi của thành phố Hồng Ngự và thấy rằng: Việc thành lập thành phố Hồng Ngự không phải là trường hợp thành lập đơn vị hành chính mới mà thực chất là việc nâng cấp từ thị xã lên thành phố. Tên gọi Hồng Ngự đã có trong lịch sử hơn 200 năm, gắn liền với truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng của địa phương trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Đặc biệt, Hồng Ngự là địa danh gắn liền với việc xác định chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia tại các văn bản hoạch định đường biên giới quốc gia, trên hệ thống bản đồ thế giới và trong nước, được sử dụng trong nhiều văn bản pháp lý cũng như các hoạt động ngoại giao chính trị, ngoại giao nhân dân với nước bạn Campuchia,... nếu thay đổi tên gọi của đơn vị hành chính này sẽ phát sinh nhiều hệ lụy phức tạp. Hơn nữa, nguyện vọng của đông đảo cử tri trên địa bàn thị xã là được giữ nguyên tên gọi Hồng Ngự sau khi được nâng cấp lên thành phố. Mặt khác, tỉnh Đồng Tháp dự kiến sẽ nhập huyện Hồng Ngự vào thành phố Hồng Ngự trong giai đoạn 2021 - 2030 để đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số nên nếu đổi tên gọi của thành phố Hồng Ngự thì khi nhập 02 đơn vị này sẽ phải tiến hành đổi tên một lần nữa, gây tốn kém, phiền hà, không cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo.

Ủy ban Pháp luật đã lấy phiếu biểu quyết về nội dung này, kết quả biểu quyết cho thấy, có 40/42 thành viên Ủy ban Pháp luật tham gia biểu quyết tán thành với tên gọi thành phố Hồng Ngự như đề nghị của Chính phủ; 02/42 thành viên không gửi phiếu biểu quyết. Ngoài vấn đề tên gọi, Ủy ban Pháp luật còn đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Đồng Tháp giải trình một số nội dung như số liệu về diện tích của thị xã Hồng Ngự; các tiêu chí mà đô thị Hồng Ngự chưa đạt tiêu chí của đô thị loại III; việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ, cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của chính quyền đô thị; nhu cầu sử dụng vốn và khả năng huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Những nội dung Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương giải trình đã được đại diện Chính phủ (Bộ Nội vụ) giải trình tại phiên họp thẩm tra và Chính phủ có văn bản số 413/BC-CP ngày 08/9/2020 báo cáo bổ sung với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này. Ủy ban Pháp luật thống nhất với nội dung giải trình của Chính phủ và địa phương.

Nhận xét, kiến nghị

Ủy ban Pháp luật thấy rằng, về cơ bản, việc thành lập 02 phường thuộc thị xã Hồng Ngự và thành lập thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp là cần thiết; các xã dự kiến thành lập phường và thị xã Hồng Ngự đều đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện thành lập phường, thành phố theo quy định; hồ sơ Đề án, trình tự, thủ tục lập Đề án đều đáp ứng quy định của pháp luật. Riêng vấn đề tên gọi của thành phố Hồng Ngự sau khi được thành lập, trên cơ sở giải trình của Chính phủ và ý kiến thảo luận, biểu quyết tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật thống nhất giữ tên gọi là thành phố Hồng Ngự như đề nghị của Chính phủ.

Kiến nghị

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: Ủy ban đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thành lập phường An Bình A, phường An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự và thành lập thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp với những nội dung nêu trong Tờ trình, Đề án của Chính phủ và đề nghị của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, ý kiến tham gia thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thành lập thành phố Hồng Ngự, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý, hoàn thiện về kỹ thuật văn bản đối với dự thảo Nghị quyết và xác định thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết là từ ngày 01/11/2020 để các cơ quan, tổ chức và địa phương kịp thời kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới được thành lập./.

Bích Lan-Hoàng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=48435