Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp 6 tỉnh, thành phố

Sáng 11/2, thực hiện chương trình làm việc Phiên họp thứ 42, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã, giai đoạn 2019-2021 của 6 tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Hà Nội, Cần Thơ, Cao Bằng và Khánh Hòa, với tỷ lệ 100% ủy viên tán thành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh.

Tỉnh Thái Bình, trong giai đoạn 2019 - 2021, không có ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp. Cấp xã có 39/286 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, tỉnh đã dự kiến sắp xếp 47 đơn vị (chiếm 16,43%). Sau khi sắp xếp, tỉnh Thái Bình giảm 26 ĐVHC cấp xã, còn 260 đơn vị, gồm 241 xã, 10 phường và 9 thị trấn.

Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã 6 tỉnh, thành phố. Ảnh: Q.Khánh

Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã của tỉnh Thái Bình như Chính phủ trình. Đối với đề nghị chưa thực hiện sắp xếp 6 ĐVHC cấp xã do có các yếu tố đặc thù theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của Nghị quyết số 653 và chưa có sự đồng thuận của cử tri, Ủy ban Pháp luật đề nghị ghi nhận để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định trong giai đoạn sau.

Tỉnh Lào Cai có 1/9 ĐVHC cấp huyện thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp (huyện Si Ma Cai) nhưng đề nghị chưa sắp xếp. Lý do vì Si Ma Cai là huyện biên giới, vùng cao, có vai trò trọng yếu về quốc phòng, an ninh, có vị trí địa lý biệt lập, điều kiện giao thông kết nối, đi lại với các huyện xung quanh rất khó khăn. Đây cũng là huyện còn có nhiều đặc điểm đặc thù, khác biệt về dân tộc, tôn giáo, văn hóa, phong tục tập quán nên không thể sắp xếp với ĐVHC liền kề liên quan. Đối với cấp xã, tỉnh Lào Cai có 14/164 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp, tỉnh dự kiến sắp xếp 19/164 đơn vị (chiếm 11,58%). Sau khi sắp xếp, tỉnh Lào Cai giảm 10 ĐVHC cấp xã, còn 154 đơn vị.

Một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và tỉnh Lào Cai báo cáo, cung cấp thêm các thông tin, số liệu để minh họa, làm rõ hơn lý do không thể tiếp tục sắp xếp xã Ngải Thầu với xã A Mú Sung hoặc xã Ngải Thầu với xã Nậm Chạc thuộc huyện Bát Xát vì các lý do giải trình trong đề án còn chung chung, chưa cụ thể. Về việc thành lập thị trấn Si Ma Cai thuộc huyện Si Ma Cai, qua xem xét hồ sơ đề án, Ủy ban Pháp luật nhận thấy xã Si Ma Cai đã bảo đảm các tiêu chuẩn và điều kiện để thành lập thị trấn.

Ủy ban Pháp luật cũng cơ bản tán thành với việc mở rộng địa giới hành chính thị trấn Bát Xát và thị trấn Tằng Loỏng nhưng đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Lào Cai lý giải thuyết phục hơn về phương án, lộ trình sắp xếp trong giai đoạn 2022 - 2030 và các biện pháp, giải pháp để khắc phục tiêu chí còn thiếu đối với các ĐVHC chưa bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.

Những vấn đề này đã được UBND tỉnh Lào Cai báo cáo, giải trình làm rõ tại tại Báo cáo số 40/BC-UBND ngày 6/2/2020; Chính phủ cũng đã có báo cáo số 46/BC-CP ngày 7/2/2020 giải trình, tiếp thu các ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Ủy ban Pháp luật nhất trí với những nội dung giải trình của Chính phủ và tỉnh Lào Cai.

Về việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP Lào Cai và điều chỉnh địa giới hành chính một số phường, xã thuộc TP Lào Cai, một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Lào Cai lý giải thuyết phục hơn về việc điều chỉnh địa giới ĐVHC, định hướng, giải pháp và cam kết đầu tư để TP Lào Cai bảo đảm tiêu chuẩn về quy mô dân số và tỷ lệ số phường trên tổng số ĐVHC cấp xã trực thuộc và lộ trình sắp xếp các ĐVHC chưa đạt tiêu chuẩn trong giai đoạn 2022 - 2030.

Về vấn đề này, Chính phủ và UBND tỉnh Lào Cai đã có báo cáo giải trình, làm rõ. Vì vậy, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành việc mở rộng địa giới hành chính TP Lào Cai với những nội dung như đã nêu trong đề án và báo cáo giải trình của Chính phủ.

Tỉnh Khánh Hòa có 1/09 ĐVHC cấp huyện thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp (huyện Khánh Sơn) nhưng đề nghị không sắp xếp vì lý do đặc thù về vị trí địa lý, quốc phòng, an ninh, truyền thống lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện kinh tế - xã hội… Với cấp xã, có 3 đơn vị thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp. Tỉnh dự kiến sắp xếp 2/140 ĐVHC cấp xã (chiếm 1,43%) và đề nghị chưa sắp xếp xã Cam Lập thuộc thành phố Cam Ranh. Sau khi sắp xếp, tỉnh Khánh Hòa giảm 1 ĐVHC cấp xã, còn 139 đơn vị.

TP Cần Thơ không có ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021. Với cấp xã, có 2/85 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, dự kiến sắp xếp tổng số 3/85 đơn vị. Sau khi sắp xếp, thành phố Cần Thơ giảm được 2 ĐVHC cấp xã, còn 83 đơn vị.

Với 100% ủy viên tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí biểu quyết thông qua việc sáp nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên của tỉnh Cao Bằng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-thong-qua-viec-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cac-cap-6-tinh-thanh-pho-4064448-v.html