Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

Ngày 9/12, Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc tại Hà Nội. UBTVQH sẽ tiến hành xem xét, cho ý kiến về việc chỉnh lý, tiếp thu Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM...

Thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đa số đại biểu tập trung cho ý kiến vào các nội dung: quản lý, thủ tục lập hồ sơ xét duyệt đưa người từ 12-18 tuổi khi nghiện ma túy mà đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trách nhiệm và thẩm quyền của các lực lượng phòng chống tội phạm ma túy; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Phòng, chống ma túy với hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đóng góp ý kiến đối với Điều 10 của Dự án Luật đề cập đến các cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy. Tán thành với nguyên tắc kế thừa của Luật Phòng chống ma túy hiện hành là cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan khác trong phòng chống tội phạm ma túy nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến là không nên quy định cụ thể về các hoạt động của cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy thuộc lực lượng công an nhân dân. Bởi vì quy định như vậy vừa lặp lại, vừa thiếu mà không mang tính toàn diện so với các quy định có liên quan ở trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Giám định tư pháp và một số luật khác liên quan đến hoạt động của cơ quan điều tra, tố tụng...

Ngoài ra, tại Điều 10 cũng nên có sự rà soát thêm để làm rõ khoản 2 và 3 về trách nhiệm và thẩm quyền của các lực lượng phòng chống tội phạm ma túy. Nếu như trong Dự án Luật thì sẽ có sự chồng lấn về trách nhiệm và thẩm quyền giữa cơ quan phòng chống tội phạm về ma túy thuộc lực lượng công an nhân dân với các cơ quan chuyên trách về phòng chống tội phạm ma túy thuộc các lực lượng khác như: bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan. Vì vậy, cần quy định rõ thêm về trường hợp các cơ quan đều có thẩm quyền xử lý tội phạm ma túy thì cơ quan nào phát hiện tội phạm trước thì cơ quan đó có thẩm quyền thụ lý vụ việc và giải quyết. Như vậy, sẽ đảm bảo về nguyên tắc chung trong xử lý vi phạm, tội phạm ma túy.

Cho ý kiến vào Điều 32 về lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ 12-18 tuổi, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm là quy trình lập hồ sơ qua đưa người đi cai nghiện tương đối nhiều công đoạn. Vì vậy, nên đơn giản hóa các thủ tục này để các đối tượng nghiện may túy được đi cai nghiện nhanh hơn.

Tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đóng góp ý kiến về Điều 29, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Phòng, chống ma túy với hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS trong việc đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS liên tục, hiệu quả của người nghiện ma túy. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) quy định về việc bảo đảm người đang tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện, bằng thuốc thay thế không bị lập hồ sơ, đề nghị áp dụng các biện pháp cai nghiện bắt buộc; đồng thời bảo đảm người nghiện ma túy được tiếp tục điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trong cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc trong cơ sở giam giữ...

UBTVQH thống nhất trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự án Luật tại Kỳ họp thứ 11 dự kiến diễn ra vào tháng 3/2021, với hiệu lực thi hành bắt đầu từ 1/1/2022.

H. Phong

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-phong-chong-ma-tuy-sua-doi-n183984.html