Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 26

Sáng ngày 08/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 26.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 26

Phát biểu ý kiến khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Phiên họp thứ 26 dự kiến tiến hành trong ba ngày, từ ngày 08 đến 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định một số nội dung; trong đó cho ý kiến về 08 dự án luật, bao gồm cả 07 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 như: Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi; Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và 01 dự án trình Quốc hội lần đầu là dự án Luật Kiến trúc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; về điều chỉnh nội bộ dự toán chi ngân sách nhà nước đã giao trong năm 2017 để bổ sung dự toán chi năm 2018 của Bộ Tài chính (chuyển từ Tổng Cục Thuế sang Tổng Cục Hải quan); việc giao kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước của bộ, ngành giai đoạn 2016-2020 và xử lý vướng mắc đối với thủ tục đầu tư dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14; việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2018 vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len cho Chương trình 135.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn giám sát thẩm phán quốc gia; thành viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; xem xét cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ chức danh của sĩ quan cấp tướng của đơn vị mới thành lập của Bộ Quốc phòng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016” và tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Phiên họp này có một số nội dung mới được bổ sung nhưng do yêu cầu cấp bách cần được xem xét cho ý kiến để Chính phủ kịp thời triển khai thực hiện nên việc chuẩn bị tài liệu gửi đển Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn chậm chễ. Chủ tịch Quốc hội lưu ý Chính phủ, các cơ quan hữu quan cần lưu ý nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị hồ sơ tài liệu dự án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Quốc hội; khắc phục những bất cập hạn chế trong công tác phối hợp hoạt động của các cơ quan hữu quan. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu các cơ quan không bảo đảm chuẩn bị tài liệu theo đúng quy định thì sẽ không đưa vào nội dung chương trình Phiên họp.

Với nội dung chương trình phiên họp khá nhiều, trong đó có nhiều nội dung quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ưu tiên sắp xếp thời gian, công việc, phát huy tinh thần trách nhiệm thực hiện đúng chương trình đề ra.

Ngay sau Phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi)

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội. Tại phiên họp này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề lớn của dự thảo Luật gồm: thời điểm đặc xá (Điều 5 dự thảo Luật); đối tượng được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước (Điều 11 dự thảo Luật); điều kiện được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước (Điều 11 dự thảo Luật); các trường hợp không đề nghị đặc xá (Điều 12 của dự thảo Luật); thực hiện quyết định đặc xá đối với người nước ngoài (Điều 19 dự thảo Luật); đặc xá trong trường hợp đặc biệt (các điều 22, 23 và 24 dự thảo Luật)./.

Bảo Yến - Nhóm ảnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=36806