Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam phù hợp, thống nhất với pháp luật hiện hành

Ngày 21-10, ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã thay mặt UBTVQH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam trước Quốc hội.

Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã thay mặt UBTVQH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam trước Quốc hội. Ảnh Quốc hội.

Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã thay mặt UBTVQH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam trước Quốc hội. Ảnh Quốc hội.

Trong báo cáo đã đề cập và làm rõ 14 nội dung có liên quan đến Dự án Luật Biên phòng Việt Nam, bao gồm vấn đề tên gọi, khái niệm “Biên phòng” và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; chính sách của Nhà nước về biên phòng; nhiệm vụ biên phòng; về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân về biên phòng; vấn đề phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; vị trí, chức năng của BĐBP; về nhiệm vụ của BĐBP; quyền hạn của BĐBP; về hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới (KVBG), qua lại biên giới; về hình thức quản lý, bảo vệ biên giới; về bảo đảm về biên phòng và chế độ, chính sách về biên phòng; về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; về trách nhiệm của HĐND, UBND các cấp.

Đối với nội dung vị trí, chức năng của BĐBP, báo cáo tiếp cận theo vấn đề hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là một thể thống nhất, bao gồm biên giới quốc gia trên bộ, trên biển, trên không và trong lòng đất. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội ở KVBG phải liên hoàn, mang tính tổng thể, gắn liền giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại KVBG có nhiều lực lượng làm nhiệm vụ, do đó, cần thiết phải quy định một lực lượng làm nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách, chủ trì đảm đương nhiệm vụ. Vậy nên, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định BĐBP chỉ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật, không chồng chéo với nhiệm vụ của lực lượng khác hoạt động ở KVBG và cửa khẩu. Thực tế cho thấy, giữa BĐBP và các cơ quan, tổ chức đã và đang phối hợp có hiệu quả, không có khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ này.

Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt: “Cùng với các nội dung trên, để bảo đảm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, thông báo của Bộ Chính trị, thống nhất với các luật khác có liên quan và kế thừa quy định của Pháp lệnh BĐBP, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung cụm từ “phối hợp với cơ quan, tổ chức” vào sau cụm từ “chủ trì” và sửa lại khoản 2 Điều 12 như dự thảo Luật trình Quốc hội.

Đối với vấn đề quyền hạn của lực lượng BĐBP, Thượng tướng Võ Trọng Việt cho biết: Có ý kiến đề nghị thay cụm từ “ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật” tại khoản 2 bằng cụm từ “ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật”, vì không phải tất cả hành vi vi phạm hành chính đều thuộc thẩm quyền xử lý của BĐBP. Tuy nhiên, UBTVQH thấy rằng, quy định như dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam là cần thiết để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung "kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” để tránh chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Hải quan và rà soát, chỉnh lý lại điều này cho đầy đủ, bảo đảm tính khả thi.

Theo quan điểm của UBTVQH, nội dung dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam là phù hợp, thống nhất với pháp luật hiện hành, kế thừa Pháp lệnh BĐBP, không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Hải quan, phù hợp với thực tiễn hoạt động của hai lực lượng này. Đồng thời, giữa BĐBP và Hải quan đang thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp ở KVBG, cửa khẩu.

Trước đó, Dự án Luật Biên phòng Việt Nam đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp thứ 47. Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm 6 chương, 36 điều, quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng…

Linh Đan

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-bao-cao-giai-trinh-tiep-thu-chinh-ly-du-thao-luat-bien-phong-viet-nam-post434328.html