Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị tiến hành chất vấn

Tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành cả ngày tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là phiên chất vấn thứ hai sau khi thí điểm đổi mới chất vấn theo hướng hỏi nhanh đáp gọn.

Các thành viên Chính phủ từng tham gia trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ

Theo dự kiến chương trình, phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 8 – 13/8.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu). Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất tại tại phiên họp là phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Dự kiến khai mạc ngày 8/8, Ủy ban Thường vụ sẽ cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Ngày làm việc thứ hai, Thường vụ sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ sẽ xem xét về việc điều chỉnh nội bộ dự toán chi ngân sách nhà nước đã giao trong năm 2017 để bổ sung dự toán chi năm 2018 của Bộ Tài chính (chuyển từ Tổng Cục Thuế sang Tổng Cục Hải quan); cho ý kiến về việc giao kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước của bộ, ngành giai đoạn 2016-2020 và xử lý vướng mắc đối với thủ tục đầu tư dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ cũng sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016”.

Tại phiên họp 26 này, các dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Kiến trúc, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)...cũng được cho ý kiến.

Ngày 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn này sẽ có chương trình riêng.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thí điểm chất vấn theo hướng hỏi nhanh đáp gọn, chất vấn một câu và trả lời một câu, thay vì gom lại nhiều câu mới trả lời như trước kia. Tại phiên họp Quốc hội thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã áp dụng chất vấn theo hướng hỏi nhanh đáp gọn này.

Việc đổi mới chất vấn đã mang lại hiệu quả tức thì, được các đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao. Bởi chất vấn theo hướng này sẽ tiết kiệm thời gian, tạo điều kiện cho nhiều đại biểu chất vấn. Đặc biệt, với thời lượng chỉ tối đa 1 phút cho câu hỏi, đòi hỏi người chất vấn và người trả lời phải tìm hiểu kỹ, nắm chắc được từng vấn đề.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-chuan-bi-tien-hanh-chat-van-1308471.tpo