ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÁC QUY ĐỊNH MỚI ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG TRONG LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 46, sáng ngày 14/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số công việc nhằm triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số nội dung

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số nội dung

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số công việc nhằm triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 65/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Luật đã sửa đổi, bổ sung 20/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, trong đó có 03 nội dung giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể. Để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và kịp thời triển khai thực hiện chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Thường trực Ủy ban Pháp luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về một số công việc cần được tổ chức thực hiện trong thời gian tới như sau:

Về việc ban hành Nghị quyết quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như căn cứ vào kết quả thực hiện thí điểm và theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 14/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội thì Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội được thành lập theo Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 ngày 22/12/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 14/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hoạt động cho đến khi Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được thành lập để tham mưu, giúp việc, phục vụ chung hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải hoàn thành trước ngày 01/7/2021.

Để tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức Văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ chung cho Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định, phân công cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp soạn thảo, thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh . Để bảo đảm Nghị quyết nói trên có hiệu lực thi hành cùng thời điểm có hiệu lực của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (từ ngày 01/01/2021), tạo điều kiện để các địa phương sớm sắp xếp, tổ chức văn phòng giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, trong đó có việc trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh kịp thời phân bổ kinh phí hoạt động năm 2021 cho văn phòng, thì việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết này phải được hoàn thành trước ngày 15/10/2020.

Về công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chế độ, chính sách và điều kiện bảo đảm khác đối với đại biểu Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã bổ sung quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc quản lý công tác cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương mình (điểm b khoản 4 Điều 1); đồng thời giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về việc thực hiện công tác cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chế độ, chính sách và điều kiện bảo đảm khác đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (điểm a khoản 8 Điều 1). Hiện tại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một số văn bản quy định, hướng dẫn về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu và bảo đảm chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội nói chung, đặc biệt là Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH14 ngày 17/4/2017 quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội, trong đó đã có một số quy định về việc quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Tuy nhiên, các quy định này vẫn còn khá tản mát và chưa thật sự đầy đủ, cụ thể.

Toàn cảnh Phiên họp

Do đó, để bảo đảm thực hiện các quy định mới được sửa đổi, bổ sung của Luật Tổ chức Quốc hội như đã nêu ở trên, đáp ứng nguyện vọng của nhiều đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật kính đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Giao Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát các văn bản hiện hành (tập trung vào các văn bản do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành) quy định về việc thực hiện công tác cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (như trách nhiệm thực hiện quản lý cán bộ, cơ chế phối hợp trong quản lý cán bộ, chế độ lương, việc quy hoạch, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm, bố trí công tác khác nếu không tái cử, quyết định nghỉ hưu, thi đua, khen thưởng…) và việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội (như trách nhiệm tham gia kỳ họp Quốc hội, các hoạt động của Hội đồng, Ủy ban mà đại biểu là thành viên, việc thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri, thực hiện nhiệm vụ giám sát, tiếp công dân, việc đăng ký tham gia làm thành viên Hội đồng, Ủy ban, việc chuyển sinh hoạt Đoàn,….) để đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác này trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sắp tới.

Đồng thời, giao Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát các văn bản hiện hành quy định về việc bảo đảm chế độ, chính sách và điều kiện bảo đảm khác đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để đề xuất kịp thời các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, nhất là các nội dung gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (theo đó sẽ chuyển sang thực hiện chế độ tiền lương mới, bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức). Đồng thời, nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định, hướng dẫn về cơ chế bảo đảm kinh phí hoạt động cho các Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương trong điều kiện việc tổ chức và bảo đảm kinh phí hoạt động cho văn phòng tham mưu, giúp việc cho Đoàn được chuyển về cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý; về việc phối hợp với chính quyền địa phương cấp tỉnh trong việc bảo đảm trụ sở làm việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội và chuẩn bị các nội dung liên quan đến việc bàn giao các Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội về cho địa phương. Kết quả rà soát và các nội dung đề xuất cụ thể cần được báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là tháng 12/2020 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Ngoài những nội dung nêu trên, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, sau khi Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, ngày 12/3/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản bảo đảm thi hành Luật Tổ chức Quốc hội (kèm theo Nghị quyết số 893/NQ-UBTVQH13), trong đó giao một số cơ quan có trách nhiệm soạn thảo, thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 08 văn bản để bảo đảm thi hành Luật. Qua rà soát, đến nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 06/8 văn bản, còn lại 02 văn bản chưa được ban hành là: Nghị quyết về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan được giao trách nhiệm chủ trì soạn thảo báo cáo lại với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện các nội dung này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, một số công việc cần được tích cực tổ chức thực hiện trong thời gian tới để bảo đảm thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội vừa được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2020/QH14. Để có cơ sở cho các cơ quan triển khai thực hiện, trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại Phiên họp này, kính đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kết luận cụ thể về các nội dung nêu trên để bảo đảm thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ tán thành cao với báo cáo về một số công việc nhằm triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung làm việc

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, cơ bản Ủy ban Thường Quốc hội tán thánh báo cáo về một số công việc nhằm triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Về Nghị quyết quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng chung sau khi sát nhập, chế đọ, chính sách, đề nghị là Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ban Công tác đại biểu làm tốt nhiệm vụ được giao./.

Hồ Hương- Bùi Hùng

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=46971